Khái quát về Quản lý Nhà nước đối với ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Phần 3)

Kinh nghiệm của một số quốc gia về quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp tàu thủy và bài học rút ra cho Việt Nam

Kinh nghiệm của Ba Lan

Ngành công nghiệp đóng tàu Ba Lan trước năm 1989 đứng đầu các nước trong khối xã hội chủ nghĩa (XNCN) về lĩnh vực đóng tàu thương mại. Khách hàng chủ yếu của ngành công nghiệp đóng tàu Ba Lan là Liên bang Xô Viết và các nước XHCN khu vực Đông Âu. Để thực hiện hiệu quả hoạt động QLNN đối với ngành công nghiệp tàu thủy (CNTT), nhà nước Ba Lan đã thực hiện các công việc sau:

+ Xây dựng và thực thi chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành CNTT phù hợp với nhu cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu cho các nước trong phe XNCH.

+ Xây dựng và thực thi khung pháp lý về tổ chức điều hành và quản lý ngành CNTT Ba Lan. Trong đó chú trọng công tác pháp lệnh hóa công tác điều hành và ban hành các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật phù hợp với yêu cầu phát triển ngành và trình độ phát triển.

         + Xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ sự phát triển ngành CNTT bằng các ưu đãi về nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tài chính từ nguồn viện trợ của Liên bang Xô Viết, hỗ trợ nguồn cung cấp máy móc, trang bị vật tư, nguyên liệu và đào tạo nguồn nhân lực trong nước và nước bạn.

         + Thực hiện kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm liên quan tới ngành CNTT. Chính phủ Ba Lan đã rất quyết liệt tổ chức bộ máy và phòng ngừa các rủi ro về hoạt động của ngành CNTT Ba Lan.

         Sau khi Ba Lan gia nhập Liên minh Châu Âu, ngành CNTT đã đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là khả năng cạnh tranh với ngành công nghiệp đóng tàu các nước phát triển khu vực Tây Âu. Để tái cấu trúc và duy trì ngành công nghiệp đóng tàu Ba lan, Chính phủ Ba Lan đã thực hiện các hoạt động QLNN như sau đối với ngành CNTT:

         + Xây dựng và ban hành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành CNTT cho phù hợp với tình hình mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chính sách cổ phần hóa các doanh nghiệp đóng tàu được ưu tiên áp dụng. Quy mô, số lượng các nhà máy đóng tàu giảm phù hợp với nhu cầu thị trường.

         + Xây dựng và ban hành khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động QLNN đối với ngành CNTT Ba Lan phù hợp với quy định pháp luật của Liên minh châu Âu (EC).

         + Xây dựng và thực thi các biện pháp hỗ trợ ngành CNTT phù hợp với quy định pháp luật của Liên minh châu Âu, nhất là chế độ hỗ trợ đầu tư bị giảm thiểu và chế độ đãi ngộ đối với người lao động phù hợp quy định của EC. Nhà nước Ba Lan ưu tiên thị trường cho ngành CNTT bằng nguồn viện trợ phát triển ODA cho nước ngoài.

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Ngành công nghiệp đóng tàu Nhật Bản hiện đứng vị trí thứ 3 sau Hàn Quốc và Trung Quốc. Hoạt động QLNN đối với ngành đóng tàu Nhật Bản được giao cho Cục Hàng hải (Maritime Bureau) trực thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT - Ministry of Land, Infrastructure, Transport and Tourism) quản lý trực tiếp, bao gồm các lĩnh vực đóng tàu, vận tải biển, vận tải nội thủy, môi trường, an toàn và nguồn nhân lực hàng hải.

Cục Hàng hải Nhật Bản chịu trách nhiệm xây dựng các văn bản luật liên quan tới ngành công nghiệp đóng tàu, thực hiện vai trò chỉ đạo theo chức năng QLNN và ban hành hướng dẫn, định hướng sự phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Việc Chính phủ Nhật Bản thực hiện hỗ trợ vật chất đối với ngành công nghiệp đóng tàu (thực tế ngành đóng tàu chiếm tỉ lệ nhỏ về GDP và lực lượng lao động, nhưng lại liên quan đến nhiều ngành công nghiệp khác như thép, vật liệu, thiết bị hàng hải, vận tải biển, …) với các hình thức như sau: tín dụng xuất khẩu, tín dụng bảo hiểm xuất khẩu, tín dụng sản xuất trong nước và tài trợ nghiên cứu và phát triển (R&D).

Bảng 1.1: Tài trợ của Chính phủ Nhật Bản

cho ngành CNTT giai đoạn 2004 – 2011

Đơn vị tính: Triệu USD

2004

2005

2006

2007

2008

2009

2010

2011

1.945

1.470,7

1.292,2

3.015,5

3.203

3.316

3.617

4.326,3

Nguồn: Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD, C/WP6 (2012) 26/Finnal

- Chính phủ Nhật Bản thực hiện kiểm soát và điều tiết quy hoạch phát triển trong ngành công nghiệp đóng tàu thông qua biện pháp cấp phép xây dựng hoặc mở rộng các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thủy (kể cả đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân). Việc cấp phép này có sự tham gia tư vấn của Hiệp hội các nhà đóng tàu Nhật Bản.

-  Xác định CNTT là ngành công nghiệp mũi nhọn được chính phủ ưu tiên hỗ trợ về mặt thị trường: Chính phủ đặt hàng phát triển phương tiện mới có tính năng kỹ thuật vượt trội; Thông qua các quan hệ quốc tế, các chương trình viện trợ phát triển, tín dụng xuất khẩu hỗ trợ các công ty đóng tàu có được các đơn hàng đóng tàu cho thị trường quốc tế.

-  Chính phủ Nhật Bản sử dụng các hàng rào kỹ thuật chuyên ngành như quy định khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm ngành công nghiệp đóng tàu nhập khẩu nhằm bảo hộ thị trường trong nước.

- Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách trợ giá cho các chủ tàu để họ đặt hàng đóng tàu mới thay thế tàu cũ.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Từ năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã xác định đóng tàu là một ngành công nghiệp và chỉ định là ngành công nghiệp chiến lược được ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Để đạt được mục tiêu này, Tổng thống Park Chung Hee và chính phủ Hàn Quốc đã thành lập “Ủy ban điều phối hàng hải đặc biệt” để định hướng phát triển và kiên quyết hỗ trợ đầy đủ cho sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu (xem hình dưới).

Hình 1.1- Sơ đồ tổ chức Ủy ban điều phối hàng hải đặc biệt Hàn Quốc

Ủy ban điều phối hàng hải đặc biệt Hàn Quốc đã thực hiện thành công một số công việc như sau:

- Thiết lập được một kế hoạch tổng thể, toàn diện trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho sự phát triển của ngành công nghiệp đóng tàu (1963 - 1965).

- Chương trình, kế hoạch phát triển ngành đóng tàu Hàn Quốc được xây dựng một cách cẩn thận do những chuyên gia giỏi và kiến thức tổng hợp.

- Ủy ban có đủ mọi quyền hành chuyên theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu. Nó hoạt động như một đầu mối duy nhất cho tất cả các hoạt động liên quan đến sự phát triển của ngành CNTT Hàn Quốc.

- Xây dựng và thực thi các luật khác nhau cho ngành công nghiệp đóng tàu: Luật Khuyến khích tàu thủy (1958), Luật Khuyến khích CNTT (1967), Kế hoạch xúc tiến công nghiệp tàu thủy (1975), Luật Phát triển công nghiệp (1985), Hợp lý hóa Đo lường Công nghiệp tàu thủy (1989).

- Thực hiện chính sách khuyến khích sự hợp tác tư nhân và doanh nghiệp, tích cực tham gia và đầu tư vào ngành công nghiệp đóng tàu.

- Thức hiện các chính sách khuyến khích bằng ưu đãi hấp dẫn việc trang bị các hệ thống và chương trình có khả năng phát triển công nghệ tiên tiến, khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng cách tạo ra môi trường thân thiện cho việc hợp tác và liên doanh.

- Chính phủ Hàn Quốc tăng cường mức đầu tư cho đào tạo kỹ thuật và nghiên cứu phát triển (R&D) các nhà máy, hỗ trợ các cơ sở hạ tầng.

- Chính phủ Hàn Quốc mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu lớn để đủ khả năng đóng được các phương tiện nổi loại kích thước lớn (Mega size) với thiết bị và dây chuyền sản xuất tiên tiến và thành lập cụm công nghiệp đóng tàu, cung cấp nguyên vật liệu đóng tàu có liên quan và dịch vụ liên quan.

Chính phủ Hàn Quốc đã xác định ngành công nghiệp đóng tàu thành ngành chiến lược cho sự phát triển kinh tế đất nước vào những năm 1970. Mặc dù có lịch sử phát triển muộn hơn so với Châu Âu, Nhật Bản, song Hàn Quốc vẫn đã xây dựng được một nền công nghiệp đóng tàu có khả năng cạnh tranh cao và kỹ thuật tiên tiến.

Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm đầu tư và hỗ trợ phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và đầu tư vào giáo dục và nguồn nhân lực ngay từ ban đầu.

Thời kỳ đầu tiên, chính phủ Hàn Quốc đã tập trung đầu tư và hỗ trợ cho hãng đóng tàu Hyundai. Nhiệm vụ của Hyundai ban đầu là khai phá và đặt nền móng cho ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc phát triển.

Từ năm 2000, lần đầu tiên Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành quốc gia đóng tàu lớn nhất thế giới. Ngày nay, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia số một về đóng tàu và đang chứng tỏ cho thế giới về định hướng cơ sở sản xuất và hệ thống quản lý áp dụng công nghệ thông tin hiệu suất cao của họ trong việc đóng các con tàu có chất lượng với tiêu chuẩn về thiết kế và công nghệ cao.

 

Vũ Minh Phú

Go to top