Thép hóa tàu cá - Giúp ngư dân vươn khơi xa

Chương trình thí điểm đóng mới tàu cá vỏ thép cho ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) do Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) triển khai là một trong những dấu mốc quan trọng trong Đề án thay thế hàng chục nghìn tàu cá vỏ gỗ cũ kỹ, lạc hậu thành những con tàu đánh cá vỏ thép công suất lớn, hiện đại, bảo đảm an toàn hơn cho ngư dân và tăng khả năng khai thác thủy sản xa bờ.

Hàng năm, công tác đánh bắt thủy hải sản đã giải quyết việc làm cho khoảng 4,5 triệu lao động. Không những vậy, việc ngư dân bám biển còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Đến nay trên cả nước có gần 118.000 tàu cá tham gia hoạt động khai thác thủy sản, hình thành 3.750 tổ đội sản xuất trên biển với 22.000 tàu tham gia và 50 nghiệp đoàn đi vào hoạt động. Tuy nhiên, những hạn chế, tồn tại nổi lên của ngành thủy sản, mà rõ nhất là năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng và hiệu quả còn thấp khi có tới 99% tàu đánh cá là tàu vỏ gỗ và tỷ lệ thất thoát trong đánh bắt lên tới 25-30%.

Khảo sát của Viện Khoa học Công nghệ tàu thủy cho thấy, tàu khai thác thủy sản vỏ gỗ truyền thống của ngư dân trong nước được đóng thủ công tại các làng nghề, công suất nhỏ, máy móc lạc hậu. Trong quá trình đi biển, các loại vật liệu sơn, dầu thải, chất thải sinh hoạt,… của những con tàu vỏ gỗ này đã khiến môi trường biển bị ô nhiễm, đồng thời thiếu an toàn đối với ngư dân khi khai thác thủy sản.
   Tàu cá Hoàng Anh 01 được đơn vị của SBIC bàn giao cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn

Nhà nước đã giao Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC nghiên cứu triển khai Đề án thí điểm đóng mới một số tàu đánh cá vỏ thép và đây cũng chính là dự án trọng điểm mà Tổng Công ty đang tập trung triển khai.

Đóng tàu đánh cá vỏ thép cho ngư dân được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng. Nhu cầu đóng tàu cá cỡ nhỏ và trung bình của ngư dân đã có từ rất lâu, và thời gian này chính là thời điểm tốt nhất để Sbic tập trung vào thị trường này.
                                 Trên cabin điều khiển tàu cá vỏ thép

Việc đóng mới tàu khai thác thủy sản vỏ thép không đơn thuần chỉ là thay vỏ, mà con tàu sẽ được trang bị máy móc hiện đại, công suất tối thiểu từ 400 CV trở lên, đáp ứng các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho ngư dân khi đánh bắt thủy sản xa bờ. Đồng thời, với đó SBIC còn nghiên cứu thiết kế loại tàu dịch vụ hậu cần, bảo quản hải sản, tăng hiệu quả và an toàn cho ngư dân khi hoạt động trên ngư trường.

Huyện đảo Lý Sơn hiện có 60% dân số sống bằng nghề biển, trong đó gần 3.000 người trực tiếp lao động trên biển với giá trị sản xuất ngành thủy sản hàng năm hơn 200 tỷ đồng. UBND huyện đảo Lý Sơn đang chọn kinh tế biển và du lịch làm mũi nhọn để phát triển.

Khai thác thủy sản ở Lý Sơn, tuy sản lượng tăng theo từng năm nhưng lại phát triển thiếu bền vững và chưa toàn diện. Mặc dù toàn huyện có gần 420 tàu cá, với tổng công suất hơn 37.700 CV, nhưng chỉ có 120 tàu đủ sức vươn khơi xa, bám biển dài ngày. Chính vì vậy, việc hiện đại hóa tàu cá trở thành yêu cầu bức thiết không chỉ ở Lý Sơn mà cả các tỉnh ven biển của nước ta.

Tại buổi làm việc với UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn huyện đảo Lý Sơn làm địa phương thí điểm phát triển tàu đánh cá vỏ thép và dịch vụ hậu cần để thực hiện một bước trong lộ trình hiện đại hóa tàu cá, tăng cường khả năng bám biển cho ngư dân. Mô hình này của Lý Sơn sau đó sẽ nhân rộng ra 28 tỉnh, thành ven biển. Trước đó, làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng những đội tàu đánh cá xa bờ đủ mạnh để hoạt động có hiệu quả trên Biển Đông. Đi theo đó là hậu cần dịch vụ nghề cá, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển...

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND huyện Lý Sơn nghiên cứu và tham khảo ý kiến người dân một cách rộng rãi để tàu khi đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả tốt.

Thời gian qua, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy đã bắt đầu triển khai thí điểm Dự án ở Quảng Ngãi và một số tỉnh thành khác. Cụ thể ngày 27/12/2013, tại Hải Hậu, Nam Định, SBIC đã bàn giao tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên cho ngư dân. Tàu có chiều dài 25,46m, rộng 6,5m, cao mạn 3,1m, tốc độ lớn nhất ở chế độ chạy tự do trong điều kiện tiêu chuẩn là 10hải lý/1giờ. Tàu có đủ điều kiện phục vụ khoảng 8 ngư dân đánh bắt xa bờ trong ngư trình tối đa đến 20 ngày.

Và ngay đầu tháng 3 năm 2014, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy đã hạ thủy tàu đánh cá vỏ thép đầu tiên cho ngư dân Quảng Ngãi. Chiếc tàu cá vỏ thép này mang tên Hoàng Anh 01, được đóng tại nhà máy đóng tàu Nha Trang, có chiều dài hơn 25,2 m, rộng 7,5 m, cao 3,6 m, tổng công suất trên 903 CV. Trong đó, có 6 khoang chính chứa thủy sản, 2 khoang chứa thiết bị và ngư lưới cụ, 1 khoang chứa lương thực, thực phẩm...

Chiều tối 7/4 vừa qua, tàu cá vỏ thép mang ký hiệu Hoàng Anh 01 đã được đưa về cập cảng Sa Kỳ - Quảng Ngãi. Đây là tàu cá vỏ thép đầu tiên được bàn giao cho ngư dân tỉnh Quảng Ngãi để bổ sung vào đội tàu đánh bắt xa bờ. Tổng giá trị con tàu chưa trang bị ngư lưới cụ là 6,5 tỷ đồng, do Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy đầu tư. Hiện chiếc tàu cá vỏ thép này được bàn giao cho ngư dân Mai Thành Văn (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) thuê và trả dần nợ gốc cho Công ty trong thời gian từ năm đến bảy năm.

Phó Giám đốc Đóng tàu Nha Trang Lê Văn Toàn khẳng định, so với tàu vỏ gỗ, tàu cá vỏ thép có nhiều tính năng ưu việt hơn. Trên tàu vỏ thép được đầu tư các trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, la bàn, radar, thiết bị định vị toàn cầu GPS, nên ngư dân an toàn hơn khi hoạt động ngoài khơi xa. Đặc biệt tàu có vận tốc cao (9-11 hải lý/ giờ), thời gian ra khơi của tàu vỏ thép sẽ ngắn hơn và ít tiêu hao nhiên liệu hơn so với tàu vỏ gỗ.

Bên cạnh đó, tàu vỏ thép còn được trang bị hệ thống đánh bắt hiện đại như máy dò cá, hệ thống hầm cá được bọc cách nhiệt và phủ composite nên việc bảo quản hải sản cũng tốt hơn. Dung tích sáu khoang hàng bảo quản của tàu có thể chứa được khoảng 60 tấn hải sản các loại. “Nếu tuổi thọ trung bình của tàu gỗ là 10 năm thì tuổi thọ của tàu vỏ thép lên đến 20 năm. Một năm tàu gỗ phải bảo dưỡng, bảo trì ít nhất hai lần, còn tàu vỏ thép thời gian bảo dưỡng định kỳ là ba năm một lần, nên sẽ tiết kiệm chi phí đáng kể cho ngư dân”, ông Toàn cho biết.
Tàu cá vỏ thép Hải Âu - 02 do đơn vị thành viên SBIC bàn giao ngay trong tháng 4 vừa qua

Mới đây, ngày 18/4/2014, tại Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (đơn vị thành viên của SBIC) cũng đã bàn giao tàu đánh cá vỏ thép thứ 2 (nếu kể cả nước là chiếc thứ 3) mang tên Hải Âu - 02 cho ngư dân Trần Văn Châu ở xã Hải Chính, huyện Hải Hậu, Nam Định.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy, việc thiết kế và đóng mới tàu cá vỏ thép sẽ tùy thuộc vào mức độ đánh bắt và loại hình khai thác trên biển, phần lớn là có công suất từ 400 - 800 CV, một số ít 1.000CV, tuổi đời khoảng 20 năm.

Bên cạnh việc đóng tàu cá vỏ thép cho ngư dân, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy cũng sẽ đưa ra mẫu tàu dịch vụ cho ngư trường. Loại tàu này có thể làm đá, bảo quản và giúp ngư dân sơ chế hải sản... Từ đó giúp nâng cao chất lượng thủy hải sản đánh bắt được, ngư dân hoạt động tại các ngư trường xa cũng có thể có những chuyến đi biển dài hơn.

 

TN

Go to top