Quản lý, điều hành sản xuất tại các đơn vị đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy

    Ngành công nghiệp đóng tàu được thế giới xếp vào loại công nghệ cao, chỉ sau ngành công nghiệp chế tạo máy bay và ô tô. Ngành công nghiệp đóng tàu đòi hỏi kỹ năng quản lý tiên tiến, khả năng tiếp thu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực công nghiệp khác, cùng với một nền tảng tài chính và chiến lược phát triển đúng đắn.
 
 

 

 
Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã thực sự tham gia vào thị trường đóng tàu thương mại quốc tế từ những năm cuối thập kỷ trước. Các nhà máy đóng tàu SBIC hiện nay đã có cơ sở vật chất tương đối hiện đại, có khả năng vừa đóng mới vừa sửa chữa các loại tàu có trọng tải lớn với năng lực đóng mới tối đa 600.000 DWT/năm với tàu hàng và 80.000 sức ngựa/năm với tàu kéo biển và dịch vụ với 8 nhà máy đóng tàu chính và các nhà máy khác trong hệ thống. Lực lượng lao động yêu cầu có kỹ năng, tay nghề vững và có khả năng tạo ra các sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên hiệu quả mang lại trước đây chưa đạt được như yêu  cầu, năng suất lao động thấp, tiến độ không đảm bảo, chi phí quản lý sản xuất lớn dẫn đến làm giảm lợi ích cạnh tranh từ lợi thế của việc chi phí lao động thấp. Năng suất lao động của các đơn vị trong SBIC trước đây chỉ bằng khoảng 1/8 so với các nhà máy đóng tàu liên doanh tại Việt Nam; bằng khoảng 1/15 so với các nhà máy đóng tàu đẳng cấp thế giới.

Trong các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả thấp, không đảm bảo tiến độ bàn giao tàu thì nguyên nhân chủ yếu là có liên quan đến lĩnh vực quản lý, điều hành sản xuất của công ty đóng tàu. Các đơn vị đóng tàu của SBIC trong một thời gian dài chịu sự chi phối, phụ thuộc hoàn toàn vào Công ty mẹ về thị trường, sản phẩm (chủng loại, giá thành, tiến độ...), tỷ lệ nhân lực gián tiếp so với lực lượng lao động trực tiếp cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của thế giới. Việc tổ chức quản lý và điều hành sản xuất ở các đơn vị không có sự thống nhất, không tuân theo mô hình quản lý nào hiện đang áp dụng trên thế giới mà mỗi đơn vị áp dụng một phương pháp quản lý khác nhau, tùy tiện, phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của người lãnh đạo và cũng thay đổi liên tục, không có cơ sở khoa học. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ công tác quản lý và tổ chức sản xuất rất hạn chế.

Trong công cuộc tái cơ cấu SBIC, đổi mới phương thức lãnh đạo quản trị điều hành sản xuất kinh doanh là mục tiêu hàng đầu đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp. Hệ thống quản lý điều hành sản xuất kinh doanh phải được tổ chức khoa học, có nghiên cứu áp dụng mô hình quản lý của thế giới đồng thời cũng cần xem xét đến các yếu tố đặc thù phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị.  

Sau đây chúng tôi giới thiệu một số nghiên cứu cơ bản về quản lý, điều hành sản xuất trong ngành công nghiệp tàu thủy của các nước có ngành công nghiệp tàu thủy tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc … để các công ty đóng tàu tham khảo và có thể ứng dụng phần nào.  Trong mô hình này, quản lý được phân cấp rõ ràng theo hai cấp độ là: cấp quản lý và cấp điều hành sản xuất.

Bộ phận quản lý được tách ra khỏi trách nhiệm từ các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp để dành thời gian, thông tin và trí tuệ cho các kế hoạch dài hạn và mang tính chiến lược của doanh nghiệp bao gồm phát triển các sản phẩm mới; mở rộng thị trường và quan hệ khách hàng... Song song với đó là việc xây dựng những quy định về trách nhiệm, thẩm quyền phù hợp cho bộ phận điều hành sản xuất để thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất của doanh nghiệp.

Bộ phận điều hành sản xuất chịu trách nhiệm toàn bộ đối với các hoạt động chính trong chu trình đóng tàu bao gồm: Lập kế hoạch sản xuất/Thiết kế công nghệ/Mua sắm vật tư, thiết bị/Tổ chức thi công đóng tàu/Quản lý chất lượng, tiến độ sản phẩm. Bộ phận này không  bị phân tâm bởi công việc sự vụ trong kinh doanh (tìm kiếm khách hàng, thu hồi, thanh toán công nợ, nộp thuế…) mà chỉ tập trung tối đa cho những công việc nội bộ trong nhà máy có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất.

Công tác quản lý, điều hành sản xuất tại công ty đóng tàu được tổ chức quản lý theo các phương pháp sau:

Phương pháp quản lý theo chức năng

Tổ chức quản lý theo chức năng là cơ cấu tổ chức quản lý theo từng chức năng riêng biệt của sản phẩm tàu (vỏ, máy, ống, điện, outfiting …). Toàn bộ nguồn lực của dây chuyền sản xuất phân theo các chức năng đều hướng vào hoạt động chung để hoàn thiện sản phẩm. Các kỹ sư, người lao động và nhóm thiết kế cũng được bố trí cho mỗi chức năng.

Đây là loại tổ chức cấu trúc có xu hướng để thúc đẩy chuyên môn kỹ thuật của một nhóm chức năng chuyên biệt trong nhóm kỹ thuật của cùng một chuyên ngành. Cấu trúc này cung cấp một môi trường làm việc với thông tin kỹ thuật của một chuyên môn hẹp và dễ dàng trao đổi, tiếp thu và xử lý.

Phương pháp quản lý này áp dụng tốt nhất khi công ty chỉ có một hoặc một số sản phẩm giống hệt nhau và công nghệ hầu như không thay đổi. Trong đóng tàu truyền thống chỉ đơn giản xác định toàn bộ con tàu là sản phẩm cuối cùng của nhà máy đóng tàu, nhưng trên thực tế, các sản phẩm tàu thủy trong cùng một nhà máy cũng không hoàn toàn giống hệt nhau, vì vậy việc áp dụng tổ chức quản lý sản xuất theo chức năng sẽ không mang lại hiệu quả cao.

Phương pháp quản lý theo dự án (hướng sản phẩm)

Tổ chức quản lý sản xuất theo dự án dựa trên công nghệ PWBS (Product-Oriented Work Breakdown Structure: Phương pháp cấu trúc công việc theo hướng sản phẩm ) và công nghệ nhóm cho phép đa dạng hóa, tức là một dòng đa sản phẩm. Sự áp dụng được triển khai triệt để từ khâu thiết kế, lập kế hoạch, chuẩn bị sản xuất, mua sắm vật tư và thi công đóng tàu đối với từng dự án cụ thể. Thiết kế và sản xuất được tổ chức tích hợp trong cùng một hệ thống, cả hai đều nhằm vào cùng một sản phẩm, trong trường hợp đóng tàu là sản phẩm trung gian và sản phẩm cuối cùng.

Phương pháp quản lý nhà máy đóng tàu theo hướng sản phẩm phân chia sản phẩm cuối cùng (con tàu) thành các sản phẩm trung gian, đầu tiên là các bộ phận và các cụm chi tiết lắp ráp nhỏ, rồi được sắp xếp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chế tạo, lắp ráp lớn hơn để có thể giao được cho bộ phận sản xuất đúng theo chuyên ngành với chi phí sản xuất hiệu quả nhất, có thể được chế tạo tại chỗ hoặc đặt hàng ngoài tùy theo cơ cấu từng nhà máy đóng tàu. Đóng tàu chủ yếu là một quá trình lắp ráp các sản phẩm trung gian (sản phẩm sau khi đã được lắp ráp chi tiết) có định hướng và phân chia riêng biệt. Lắp ráp các sản phẩm trung gian này có thể được thực hiện tại các công ty lớn, ví dụ như Hyundai Heavy Industry (HHI), như vậy có thể đối phó tốt hơn với thay đổi công nghệ và thị trường đa dạng.

 
Trong tổ chức thiết kế theo định hướng sản phẩm, bộ phận thiết kế được cấu trúc để phù hợp với cấu trúc phân vùng vật lý của sản phẩm, bao gồm toàn bộ phần của các hệ thống nằm trong vùng đó. Cấu trúc này trong đóng tàu, phù hợp với sự phân chia phân tổng đoạn tàu. Tổ chức thiết kế theo định hướng sản phẩm có xu hướng để thúc đẩy sự tương tác (phối hợp) giữa các chuyên ngành trong giai đoạn thiết kế ban đầu, điều này mang lại lợi ích cho phép giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh và trao đổi các dữ liệu liên ngành.

Trong mô hình tổ chức này, các vấn đề phát sinh trong sản xuất có thể được nhanh chóng chuyển đến các nhóm thiết kế phù hợp và thời gian để đáp ứng, giải quyết các vấn đề sản xuất giảm đáng kể, nhờ tất cả các chuyên môn cần thiết được tập trung dưới sự kiểm soát của một người quản lý.

Tổ chức quản lý sản xuất theo định hướng sản phẩm nói chung có khả năng kiểm soát chi phí dự án và tiến độ công việc đang được thực hiện phù hợp với ngân sách dự toán. Các quy trình để các nhà sản xuất ra quyết định cũng được rút ngắn trong tổ chức thiết kế  theo định hướng sản phẩm và do đó, tạo thuận lợi hơn cho việc sử lý các vấn đề trong sản xuất.

Trong hệ thống quản lý theo hướng sản phẩm, các sản phẩm trung gian được chia thành từng nhóm (các sản phẩm đồng dạng nhau) và áp dụng chung một quy trình quản lý, tổ chức sản xuất, đóng tàu tạo điều kiện cho việc áp dụng phương pháp sản xuất hàng loạt vào đóng tàu (theo truyền thống là sản phẩm đơn chiếc). Hay có thể gọi đây là phương pháp quản lý theo cấp số nhân, chỉ cần một quy trình quản lý chung cho một loạt các sản phẩm trung gian tương tự nhau.

Tại Việt Nam, các tàu xuất khẩu hiện nay đều sử dụng thiết kế của nước ngoài, được triển khai cho hệ thống sản xuất theo sản phẩm, vì vậy, việc áp dụng hệ thống quản lý truyền thống theo chức năng cho các sản phẩm này thể hiện rất nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo và kết quả là sự rời rạc, thiếu hệ thống trong sản xuất dẫn đến kéo dài thời gian, tiến độ đóng tàu.

Phương pháp quản lý hỗn hợp (quản lý hướng quy trình):

Phương pháp quản lý hỗn hợp là sự kết hợp giữa tổ chức quản lý sản xuất theo chức năng và tổ chức quản lý sản xuất theo định hướng sản phẩm. Mô hình tổ chức này tập hợp được ưu điểm của cả hai phương pháp tổ chức nói trên và kết nối tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp  thông qua các quy trình xuyên suốt, tích hợp toàn diện. Phương pháp quản lý này còn có thể kết hợp thành quản lý hướng chuỗi cung ứng để liên kết các quy trình nội bộ của mình với các đối tác trong chuỗi cung ứng như khách hàng, nhà cung cấp góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phương pháp tổ chức quản lý sản xuất hỗn hợp được mô tả như trong sơ đồ dưới đây:

 

HBCM – Hull Block Contruction Method: Phương pháp đóng tàu theo phân tổng đoạn PWBS - Product-Oriented Work Breakdown Structure: Phương pháp cấu trúc công việc theo hướng sản phẩm

Trong sơ đồ tổ chức này, dòng trên phát triển thiết kế định hướng theo chức năng. Dòng dưới cùng là định hướng theo sản phẩm (PWBS) phân bổ theo yêu cầu của từng khu vực.

Đối với các đơn vị đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, người lãnh đạo cần tổ chức tổng hợp, phân tích, đánh giá các yếu tố hiện trạng của đơn vị về các mặt: lập kế hoạch sản xuất, giám sát tiến độ, kỹ năng quản lý chi phí và kỹ thuật, kỹ năng hợp tác - quản lý nhà thầu phụ cùng với cách thức và công cụ quản lý khác ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thời gian giao tàu ... Qua đó trao đổi với các chuyên gia để lựa chọn phương pháp quản lý phù hợp trên cơ sở khoa học cho từng giai đoạn phát triển.

Mặt khác, cần tập trung xây dựng một bộ công cụ quản lý tiên tiến và đưa vào áp dụng ngay trong thời gian sớm nhất. Đó là bộ mã số hóa và phân loại hệ thống các quy trình quản lý công việc, quản lý vật tư, - thiết bị, tiến tới ứng dụng các phần mềm quản lý tích hợp về lập kế hoạch tiến độ, quản lý nguồn tài nguyên của các doanh nghiệp, quản lý vòng đời sản phẩm v.v… song song với công tác xây dựng và ứng dụng bộ định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn đóng mới và sửa chữa tàu biển để từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho các nhà máy. 

Hiệu quả quản lý, điều hành sản xuất cần xem xét tổng thể trên bốn lĩnh vực: An toàn, chất lượng, tiến độ và chi phí giá thành sản phẩm. Lấy sản xuất là trung tâm, lấy hiệu quả công việc là thước đo đánh giá năng lực của doanh nghiệp, bộ phận và cá nhân. Ban hành các chính sách thích đáng kịp thời động viên mỗi cá nhân, tập thể khi có các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được áp dụng và xác lập văn hóa doanh nghiệp: Làm hôm nay tốt hơn hôm qua, lần sau tốt hơn lần trước. Thiết lập cơ cấu tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh tinh gọn, hiệu quả, sử dụng tối đa năng lực hạ tầng kỹ thuật, trang bị kỹ thuật và nguồn lực con người. Thực hiện mọi biện pháp để tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động, chuyên môn hóa, quy chuẩn hóa và tổ chức một cách hợp lý nhằm khai thác tối đa năng lực hiện có tại các đơn vị từ khâu chuẩn bị đàm phán hợp đồng, ký hợp đồng, chuẩn bị, thực hiện, giao hàng và dịch vụ hậu mãi đối với khách hàng. Như vậy chắc chắn rằng dưới sự vào cuộc đồng bộ của các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới các đơn vị thành viên, trong thời gian không xa tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty sẽ được thực hiện đúng cam kết, khẳng định phương thức quản trị điều hành sản xuất kinh doanh được cải thiện vững chắc, làm nền tảng cho công cuộc tái cơ cấu thành công.

 

Vũ Minh Phú

Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất (SBIC)

Go to top