Sông Cấm ngày ấy và bây giờ

    Đóng tàu Sông Cấm lấy ngày 28 tháng 5 năm 1959, ngày Ủy ban Hành chính thành phố Hải Phòng ban hành quyết định thành lập Hải Phòng cơ khí công ty sản xuất trách nhiệm hữu hạn, tiền thân của Đóng tàu Sông Cấm ngày nay làm ngày truyền thống của đơn vị. Tính đến nay đã tròn 55 năm (1959 – 2014).
 
 
Tổng giám đốc Sông Cấm Phạm Mạnh Hà ôn lại 55 năm ngày truyền thống vẻ vang của Công ty
 

Nhưng trên mảnh đất này, đội ngũ công nhân Sông Cấm đã có truyền thống đấu tranh cách mạng từ một trăm năm trước. Vào đầu thế kỷ XX, đây là cơ sở của Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty của nhà doanh nghiệp nổi tiếng Bạch Thái Bưởi. Sau Bạch Thái Bưởi, năm 1925 một tư bản người Pháp tên là Xô-va-giơ (Sauvage) đã mua lại của họ Bạch để tổ chức hãng vận tải Xô-va-giơ. Tính từ năm 1928 đến 1954 công nhân ở đây đã có 8 cuộc đấu tranh với giới chủ đòi cải thiện đời sống, giảm giờ làm, tăng lương. Những cuộc đấu tranh ấy bắt nhịp với phong trào cách mạng của đội ngũ công nhân xi măng, máy tơ, máy chai, cảng… hình thành truyền thống cách mạng cho đội ngũ công nhân Hải Phòng. Bởi vậy truyền thống cách mạng của những người thợ Sông Cấm tiếp tục được phát huy mạnh mẽ khi họ trở thành người chủ thực sự của một đơn vị đóng tàu.

Nói đến Sông Cấm ngày ấy không thể không nhắc tới những năm chống Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1965, không quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Sông Cấm là một mục tiêu bởi đó là cơ sở đóng tàu, lại ở vị trí sát cầu quay, con đường dẫn vào trung tâm thành phố Hải Phòng, vì vậy Sông Cấm đã chia nhỏ lực lượng phân tán thành 11 cơ sở sản xuất, 10 vị trí kho tàng… với phương châm vừa sản xuất vừa bảo vệ nhà máy. Đồng chí Phan Bính - Giám đốc nhận thêm nhiệm vụ là tiểu đoàn trưởng; đồng chí Trần Hưng Tửu - Bí thư Đảng ủy nhận thêm nhiệm vụ chính trị viên tiểu đoàn, bởi lực lượng sản xuất của Sông Cấm được tổ chức thành tiểu đoàn với 5 đại đội, 8 trung đội trực thuộc.

Sản phẩm của Sông Cấm thời này là các loại phà, cầu phao LPP, cầu ngầm, sà lan, tàu không số… để phục vụ cho giao thông vận tải cũng như quốc phòng. Riêng tàu không số, Sông Cấm đã đóng 90 chiếc. Trong kế hoạch sản xuất thời kỳ ấy đã ghi: Đóng mới loại tàu đi biển trọng tải 70 tấn, mãi sau này mới biết đây là những con tàu không số dùng để vận tải vào Nam trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong hồi ký của ông Nguyễn Trọng Nguyên, thời ấy là trưởng phòng điều độ của Sông Cấm có đoạn: “Trong 3 năm đóng tàu không số, gian khổ nhất là tháng Chạp năm 1972, máy bay Mỹ đã ném tới 32 quả bom vào nhà máy nhưng chỉ sau loạt bom cuối cùng 3 tiếng đồng hồ vào đêm 18 tháng 12 chúng tôi lại tiếp tục hạ thủy tàu, kịp sáng hôm sau hai chiếc tàu không số rời bến chạy thử”.

Thời kỳ ấy cả nhà máy có 1.500 công nhân, thì 100% lực lượng được huy động đóng các con tàu dáng dấp như tàu cá phủ bạt kín mít, chiếc này thi công nối đuôi chiếc kia. Trang ghi chép của đồng chí Nguyên còn có những vần thơ: Trên giao ta đóng rất nhiều tàu/ Dáng giống như thuyền mớn nước sâu/ Vỏ mạn nghiêng nghiêng ôm sống cạnh/ Ca bin thì thấp lại nhô đầu.

Sông Cấm đã có những tháng năm như thế. Người thợ Sông Cấm đã viết thêm những trang sử mới vào truyền thống của công nhân đóng tàu, tô đậm cho lịch sử của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung trong những năm chiến tranh ác liệt nhất.

Trên cái nền ấy, từ năm 2009 Sông Cấm được tổ chức lại thành Công ty cổ phần. Nếu nói về khó khăn thì Sông Cấm gặp không ít trên bước đường bước ra cơ chế thị trường như những đơn vị thành viên khác của SBIC. Nhưng trong muôn vàn thử thách ấy vẫn có những cơ hội để Sông Cấm vươn lên.
            Một trong những sản phẩm tiêu biểu của sự hợp tác giữa Sông Cấm và Damen
 

Một trong những cơ hội ấy chính là Sông Cấm đã chọn hướng hợp tác với DAMEN, Hà Lan để đóng tàu xuất khẩu, với phương châm không phát triển nóng và vội vã mà chọn hướng đầu tư chiều sâu vào công nghệ mới, đào tạo đội ngũ có tay nghề đạt chuẩn quốc tế. Sản phẩm của đóng tàu Sông Cấm bây giờ  là đóng tàu không lớn về tải trọng nhưng mang hàm lượng khoa học công nghệ cao. Đó là các loại tàu công tác trên biển, như dòng tàu kéo, đẩy, tàu cứu nạn (SAR)… và với tỷ lệ xuất khẩu tới 100%. Với hướng đi ấy, ngay sau khi hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần, Sông Cấm đã đạt giá trị sản lượng 774 tỷ đồng (năm 2009), tăng trưởng tới 26% so với năm 2008. Sự tăng trưởng này còn ý nghĩa hơn khi đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của đơn vị và được Nhà nước tặng Huân chương độc lập hạng Hai.

Sản phẩm của Sông Cấm luôn đảm bảo tiến độ và chất lượng nên được đối tác rất tín nhiệm. Bởi vậy, ngày 29 tháng 9 năm 2011, Sông Cấm đã chính thức ký kết liên doanh với Tập đoàn đóng tàu nổi tiếng của Hà Lan là Damen để thành lập thêm một doanh nghiệp mới có tên là Công ty trách nhiệm hữu hạn đóng tàu Damen - Sông Cấm. Lễ ký kết đã được tổ chức ở La Hay (Hà Lan) trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương quốc Hà Lan, Mark Rutte.

Quý I năm 2014, Liên doanh Damen - Sông Cấm đã hoàn thành việc xây dựng giai đoạn I trên diện tích 413.063m2 tại xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Sông Cấm ngày nay là đơn vị có sự phát triển ổn định và có tăng trưởng hàng năm ở mức cao nhất trong các đơn vị thành viên của SBIC. Năm gần nhất 2013 đạt tổng sản lượng 1.550 tỷ đồng, tăng tới 32,3% so với năm 2012, thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,5 triệu đồng/tháng và được đánh giá là một đơn vị đóng tàu phát triển vững chắc, mạnh mẽ nhất của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy trong giai đoạn hiện nay.

Trong phát biểu của Tổng Giám đốc Sông Cấm, nhân kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống, Sông Cấm dự kiến năm 2014 này sẽ đạt tổng sản lượng 1.900 tỷ đồng (sau khi sát nhập thêm Đóng tàu Bến Kiền), tăng 23% so với năm 2013, nộp ngân sách 34,1 tỷ đồng. Thu nhập của người lao động sẽ đạt bình quân 9 triệu đồng/người/tháng. Số tàu đóng mới sẽ là 34 chiếc các loại.

Đi từ Sông Cấm ngày ấy để đến với Sông Cấm bây giờ là quãng đường hơn nửa thế kỷ, 55 năm với những biến đổi lớn lao để từ một xưởng cơ khí nhỏ trở thành một đơn vị đóng tàu xuất khẩu.

Từ buổi ban đầu với 12 đảng viên, bây giờ Sông Cấm đã có 1 đảng bộ với 24 chi bộ. Trải qua 33 kỳ đại hội, Sông Cấm luôn phát huy được sức mạnh của sự đoàn kết và vươn lên không ngừng. Từ cái nôi Sông Cấm, nhiều đồng chí đã được cấp trên bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo của các đơn vị khác trong và ngoài lĩnh vực đóng tàu, có đồng chí đã giữ vị trí Vụ trưởng ở Văn phòng Chính phủ, Giám đốc các công ty dệt, lãnh đạo công đoàn ở cấp Tổng Công ty.

Sông Cấm đã được nhận danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới (2005), được trao 19 huân chương các loại cho tập thể: Huân chương lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Hai, Huân chương chiến công hạng Nhì, Huân chương kháng chiến hạng Ba… Được nhà nước Lào tặng huân chương Hữu nghị. Cán bộ công nhân Sông Cấm đã vinh dự được nhận 595 huân, huy chương các loại.

Hơn nửa thế kỷ lịch sử hình thành và phát triển là điểm tựa vững chắc để Sông Cấm vươn lên thành một đơn vị đóng tàu hiện đại, phát triển bền vững trong cơ chế thị trường. Truyền thống Sông Cấm là cả một di sản vô cùng quý báu mà lớp cán bộ công nhân bây giờ luôn tự hào, giữ gìn và viết thêm những trang sử mới với những yêu cầu mới của công nghiệp đóng tàu nước nhà.

 

Đức Ngọc

Go to top