Thành công ở một đơn vị

    Công ty Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) - đơn vị thành viên của SBIC khu vực miền Nam đã có hơn 35 năm xây dựng và phát triển, nhưng chỉ từ giữa thập niên đầu của thế kỷ 21, Saigon Shipmarin mới triển khai mảng đóng mới.
 
 

Dù đến với lĩnh vực đóng mới chưa đến chục năm, nhưng Saigon Shipmarin cũng đã có những sản phẩm tạo được tiếng vang như sà lan 15.000 T (lớn nhất đất nước ở thời điểm lúc bấy giờ - năm 2006), đôi tàu chở hàng khô 6.800 DWT, đôi tàu 6.500 DWT đóng xuất khẩu cho Nhật Bản và nhiều tàu kéo, tàu khách, tàu dịch vụ biển. Nhất là trong vài năm gần đây, khi mà nhiều đà triền của các cơ sở đóng mới phương tiện vận tải thủy không có khách hàng, bỏ trống thì Saigon Shipmarin lại liên tục có tàu lên ky, hạ thủy, bàn giao. Để có được những thành công đó, Saigon Shipmarin đã có những bước đi vững vàng về hợp lý hóa dây chuyền sản xuất và đưa khoa học - công nghệ hiện đại vào thi công những con tàu. Phóng viên Tạp chí Công nghiệp tàu thủy đã có một cuộc gặp gỡ và trao đổi với kỹ sư Nguyễn Thùy Giang - Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của Saigon Shipmarin về việc áp dụng khoa học - công nghệ vào đóng mới một số sản phẩm cụ thể ở công ty thời gian gần đây.

          Bồn chứa khí hóa lỏng 700m3 lần đầu tiên được chính người thợ Saigon Shipmarin thi công
 
Xin được hỏi Saigon Shipmarin đã áp dụng khoa học và công nghệ như thế nào khi thi công con tàu chở khí hóa lỏng 1.400m3 mà các anh mới bàn giao cho chủ đầu tư cuối năm 2013 vừa qua?

Đây là một con tàu sông như nhiều con tàu sông khác. Chỉ khác ở chỗ nó được dùng để chuyên chở 2 bồn chứa khí hóa lỏng dung tích 1.400m3, nên yêu cầu chất lượng sắt thép, đường hàn phải rất đảm bảo. Từ trước đến nay khi đóng mới tàu sông, người ta thường thi công theo phương pháp dán diềm. Có nghĩa là đấu nối khung sườn từ mũi đến lái, sau đó gá tôn vào hàn lại. Nhưng với con tàu chở khí hóa lỏng này, Saigon Shipmarin chúng tôi đóng nó như đóng tàu biển. Có nghĩa là phải chia ra các phân, tổng đoạn riêng rẽ, gia công xong mới đấu nối lại với nhau. Làm như thế sẽ kiểm tra chất lượng từng hạng mục kỹ càng và cẩn thận hơn. Chính vì vậy, sau con tàu chở ga này, chủ đầu tư rất ưng ý và đã ký tiếp hợp đồng đóng mới thêm tàu khách 5 sao, tàu dịch vụ biển công suất cao, hiện đại…

Được biết, đôi bồn chứa khí hóa lỏng của con tàu này lần đầu tiên được gia công tại Việt Nam, còn từ trước đến nay toàn phải mua của nước ngoài. Anh có thể cho biết quá trình làm ra nó, chúng ta đã áp dụng khoa học công nghệ mới như thế nào?

Đúng là đôi bồn chứa ga dung tích mỗi chiếc 700m3 này lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam, trong khuôn viên của đơn vị chúng tôi. Nhưng đây là sản phẩm đầu tiên chúng tôi thi công, đòi hỏi kỹ thuật cao nên cần có sự kết hợp với một đơn vị bên ngoài có kinh nghiệm gia công các loại bồn chứa khí hóa lỏng để từ đó người thợ Saigon Shipmarin có điều kiện làm quen và học hỏi. Sau đôi bồn 700 m3 được chế tạo thành công, từ nay trở đi, chúng tôi sẽ tự gia công được các loại bồn như thế. Bởi kỹ thuật hàn, kỹ thuật ủ, công nghệ kiểm tra độ kín… cán bộ, công nhân Saigon Shipmarin đã được làm quen, dần hoàn thiện và nắm vững…

Tàu khách 5 sao Mekong Navigator do Saigon Shipmarin đóng mới đã được bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào khai thác
 
Với con tàu khách 5 sao, con tàu du lịch hiện đại nhất được đóng mới ở Việt Nam vào thời điểm này, xin anh cho biết quá trình thi công như thế nào?

Cũng như những con tàu chúng tôi đã đóng mới trong thời gian gần đây, con tàu khách 5 sao này là con tàu sẽ chuyên chở khách du lịch trên các tuyến đường sông từ Việt Nam sang Campuchia là chính, nên thi công nó cũng được áp dụng công nghệ chế tạo phân, tổng đoạn rồi ghép lại. Tất nhiên, đóng tàu khách khác với đóng tàu chở hàng ở chỗ mọi đường hàn, tấm ghép đến lan can không những đảm bảo chất lượng mà còn phải tinh xảo, mỹ thuật hơn. Nên ngay từ khi gia công hạ liệu, chúng tôi đã chỉ đạo cho người thợ phải làm sao cho mỗi tấm tôn cắt ra phẳng phiu, ít ba via nhất. Có thế khi ghép vào mới tạo ra mặt phẳng đẹp, đường hàn kín, mịn và đảm bảo mỹ thuật. Cũng xin được nói thêm, song song với việc áp dụng khoa học công nghệ vào thi công các con tàu thì việc hợp lý hóa dây chuyền sản xuất cũng là yếu tố quan trọng để chúng tôi đẩy nhanh tiến độ. Ở Saigon Shipmarin, việc hợp lý hóa dây chuyền sản xuất luôn được chú trọng. Có thế, trong thời gian vừa qua chúng tôi mới đảm bảo được tiến độ con tàu khách này đúng như hợp đồng đã ký.

Còn với con tàu dịch vụ biển 4.200T mà các anh làm lễ lên ky vài tháng trước…?

Lát nữa mời phóng viên Tạp chí ra xem, phân tổng đoạn của nó chúng tôi đã gia công được một phần ba rồi. Tuy kích thước tàu không lớn, nhưng vì là tàu dịch vụ biển công suất lớn, nên việc sản sinh ra nó đòi hỏi phải có nhiều biện pháp khoa học công nghệ. Chỉ riêng sơn hầm ba lát thôi, chúng tôi phải mua sắm thiết bị mới để thi công, vì thiết kế đòi hỏi tàu trên 10 năm mới phải sơn lại…

Buổi trao đổi giữa phóng viên Tạp chí Công nghiệp tàu thủy với Phó Tổng Giám đốc Saigon Shipmarin Nguyễn Thùy Giang đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn sự thành công của một đơn vị đóng mới và sửa chữa ở phía Nam này.

 

 

Bài và ảnh: Phạm Minh Dũng

Go to top