Khám phá 2 con tàu đặc biệt nhất thế giới

Tàu Predulue
 

Nằm sâu dưới đáy các đại dương là nguồn khí đốt khổng lồ. Do đó ý tưởng để đóng mới một con tàu có khả năng khai thác được các nguồn khí khổng lồ này đã được hãng Shell biến thành hiện thực.

Việc đóng mới con tàu đã  được thực hiện và hạ thủy vào cuối năm 2013 tại xưởng đóng tàu thuộc Hãng công nghiệp nặng Samsung Heavy Industries trên đảo Geoje của Hàn Quốc. Con tàu mang tên Shell Prelude, với trọng tải lên đến 600.000 tấn, gấp 6 lần tàu sân bay lớn nhất của Mỹ. Tàu dài 488m, rộng 75m và cao 105m.

Dự kiến năm 2017, con tàu sẽ neo ở ngoài khơi bờ biển Australia, được dùng để thu khí tự nhiên từ mỏ khí Prelude nằm sâu dưới đáy biển. Khi khí được đưa lên tàu, nó sẽ được làm lạnh để hóa lỏng và được giữ trong những thùng chứa lớn ở nhiệt độ âm 1610C. Cứ 6 hoặc 7 ngày, một tàu chở khí lớn sẽ di chuyển tới cạnh tàu Prelude để nhận khí, với lượng khí đủ để sử dụng cho một thành phố quy mô tương đương với London trong 1 tuần. Các tàu chở khí sau đó sẽ lên đường tới Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc Thái Lan để dỡ hàng.

Tàu Predulue nằm cách bờ biển Kemberley của tây Australia khoảng 200km và không có đường ống vận chuyển vào bờ nào được sử dụng tại đây. Johan Hedstrom, nhà phân tích năng lượng tại Australia, cho hay: “Ý tưởng FLNG là một giải pháp thông minh vì chúng tôi không cần nhiều cơ sở hạ tầng cố định (ví như xây dựng đường ống vận chuyển tốn kém). Chúng tôi không cần đường ống hoặc nhà máy lọc trên bờ. Và khi hết khí nơi này, chúng tôi chỉ cần nhổ neo và di chuyển tới mỏ khí khác”.

Ông Gilmour - Giám đốc dự án FLNG cho hay, Shell đã vượt qua "một loạt thách thức kỹ thuật", đảm bảo rằng thiết bị khổng lồ sẽ vẫn có thể hoạt động trong vùng biển động. Tàu Prelude dự kiến sẽ được đặt tại một khu vực vốn thường xảy ra các hiện tượng thời tiết đặc biệt nguy hiểm. Ông Gilmour cho biết thêm, con tàu được thiết kế có thể chịu đựng những cơn bão mạnh nhất.

Bộ năng lượng và tài nguyên Australia đã hoan nghênh dự án Prelude. Nhưng dự án cũng gặp phải sự phản đối từ các nhà môi trường do những lo ngại về khả năng rò rỉ và tràn dầu.

Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại tây Australia thì lo ngại rằng, các đường ống ngầm từ đáy biển dẫn lên tàu sẽ làm tổn hại môi trường.

Ông Gilmour cho hay, dự án Prelude có thể là dự án đầu tiên trong vài dự án tương tự. Shell đã xác định rằng mỏ khí Sunrise tại biển Timor có thể trở thành mỏ tiềm năng cho FLNG.

 

Blue Marlin
 

Khi cần phải chuyên chở cùng lúc 22 chiếc sà lan, mỗi cái nặng gần 3.000 tấn, chu du nửa vòng thế giới, thì rất cần một tàu vận tải “khủng” tới cỡ của Blue Marlin - một trong những tàu vận tải biển dị thường nhất từng lướt mình trên các đại dương.

Blue Marlin là tàu vận tải bán ngầm hạng nặng, có chiều dài 217m, chiều cao mớn nước 42m và sở hữu boong tàu có kích cỡ bằng 2 sân bóng đá. Tàu vận hành nhờ động cơ diesel 17.000 mã lực và đạt vận tốc tối đa 24km/h.

Người ta mô tả, việc lái con tàu khổng lồ này giống như kiểm soát một tòa cao ốc văn phòng nổi. Với trọng tải 75.000 tấn, thay vì chở các hàng hóa thông thường thì tàu Blue Marlin thường được giao nhiệm vụ “cõng” trên lưng các tàu thuyền nhỏ hơn và cả các giàn khoan dầu.

Khi lực lượng Hải quân Mỹ muốn đưa tàu khu trục hỏng hóc USS Cole về nước họ phải nhờ tới Blue Marlin. Và khi Hải quân Australia muốn mang một hàng không mẫu hạm từ Tây Ban Nha về nước, họ cũng yêu cầu duy nhất sự trợ giúp của tàu vận tải bán ngầm hạng nặng này.

Với những chuyến hàng nặng hàng chục ngàn tấn như 22 chiếc sà lan xuất cảng từ Hàn Quốc tới địa điểm hoàn thiện ở Rotterdam (Hà Lan), không chiếc cần trục nào trên thế giới đủ lớn để có thể nâng chúng lên boong của tàu Blue Marlin. Và đây chính là lúc con tàu thể hiện sự ưu việt vượt trội của mình.

Boong tàu Blue Marlin được thiết kế có khả năng chìm xuống dưới 13m nước khi các khoang chứa hàng được bơm ngập nước. Nhờ đó, giàn khoan, tàu thuyền, sà lan khi đó có thể được kéo vào boong tàu Blue Marlin và được nâng lên khi tàu nổi.

Đối với chuyến hàng hơn 20 chiếc sà lan, hãng điều hành tàu Blue Marlin đã phải chế tạo các giàn giữ đặc biệt cho Blue Marlin. Các sà lan được chia nhóm và thả nổi, rồi chất lên boong tàu thành nhiều lần.

Cho tới hiện tại, chuyến hàng lớn nhất của Blue Marlin là vận chuyển giàn khoan Thunder Horse của hãng BP, trị giá gần 1 tỷ USD và nặng 60.000 tấn, đi suốt quãng đường gần 25.750km từ Hàn Quốc tới Vịnh Mexico.

 

TN (St và tổng hợp)

Go to top