Cam Ranh tái cơ cấu nâng cao khả năng cạnh tranh

Ông Bùi Hữu Sỹ, Tổng Giám đốc Công ty Đóng tàu Cam Ranh cho biết, theo chỉ đạo của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC chúng tôi thực hiện mô hình mới gồm công ty mẹ và 5 đơn vị thành viên.

Tại Công ty mẹ giảm từ 11 phòng ban xuống còn 7 phòng nghiệp vụ, chuyên môn và 1 văn phòng đại diện, xắp xếp lại toàn bộ dây chuyền sản xuất thành 3 phân xưởng. Đó là những thay đổi cơ bản, nhằm hợp lý hóa về mặt tổ chức, nâng cao năng suất lao động, để bước vào thời kỳ hoạt động mới mà tính cạnh tranh được đặt lên hàng đầu. Cũng theo ông Sỹ, đơn hàng đóng mới tàu có thể năm 2015 mới bắt đầu phục hồi. Vậy năm 2014 này Cam Ranh phải làm gì? Chúng tôi đặt câu hỏi. Tổng Giám đốc Cam Ranh cho biết: Chúng tôi hướng vào sửa chữa, chủ tàu cần sửa chữa ở khu vực từ Quảng Ngãi đến Bình Định vẫn là tiềm năng lớn. Bên cạnh sửa chữa là đóng mới các loại tàu vừa và nhỏ, cũng như tàu khách mà khu vực miền Trung đang có nhu cầu.

Tại buổi làm việc của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải với Đóng tàu Cam Ranh ngày 11 tháng 2 năm 2014, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã nhận xét:

Cam Ranh đã duy trì được hoạt động sản xuất trong điều kiện rất khó khăn, không chạy theo doanh thu mà tập trung vào hiệu quả, giải quyết thu nhập cho người lao động. Những đơn hàng đóng mới tối thiểu là hòa vốn, không lỗ. Đó là bước tiến quan trọng sau tái cơ cấu.
                    Hạ thủy tàu 20.000DWT tại Nhà máy Đóng tàu Cam Ranh

Đóng tàu Cam Ranh là một trong 8 đơn vị thành viên của SBIC. Mỗi đơn vị có những thế mạnh riêng. Đối với đóng tàu Cam Ranh, lợi thế về địa lý là một thế mạnh. Nằm trong khu vực vịnh có mực nước sâu, không sóng lừng. Trong năm có tới 300 ngày thời tiết ổn định, lại chỉ cách đường hàng hải quốc tế chừng 10km, cách quốc lộ 1A 200 mét. Cách sân bay Cam Ranh 15 km.

Từ xưa, vịnh Cam Ranh được ví như viên ngọc quý của vùng Viễn Đông. Bởi chỉ Cam Ranh mới là vịnh được xếp hạng hàng đầu cùng các vịnh trên thế giới: Cam Ranh (Việt Nam), San Francisco (Mỹ), Riode Janeiro (Brazil).

Lợi thế địa lý cộng với tay nghề, Cam Ranh đã trở thành địa chỉ mà ngay cả hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng đưa tàu vào sửa chữa với hợp đồng ký kết có thời gian tới 2 năm.
     Tàu hậu cần USSN Amelia Earhart của Mỹ vào Đóng tàu Cam Ranh sửa chữa 

Trong số tàu Mỹ đưa vào, có những chiếc tàu cỡ lớn như tàu hậu cần USSN Amelia Earhart (TAKE-6) dài tới 210 mét, rộng 32,3 mét, vận tốc trung bình 20 hải lý/giờ.

Tổng Giám đốc Đóng tàu Cam Ranh cũng cho biết, hiện đơn vị đang tập trung đóng mới tàu cá vỏ thép cho ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa; tiếp tục bàn thảo về hợp đồng để sửa chữa tiếp từ 4 đến 5 tàu của Mỹ. Năm 2014, khả năng đơn vị giảm lỗ khoảng 24,78 tỷ đồng. Lợi nhuận đạt xấp xỉ 7 tỷ.

Nút thắt hiện nay cần được gỡ của Cam Ranh là gì? Khi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo đơn vị đã báo cáo đó là tái cơ cấu nợ. Vì rằng, những năm trước đây, Cam Ranh ở tình trạng tổng số nợ và lỗ lũy kế có con số lớn hơn cả số vốn chủ sở hữu. Do đó, việc tái cơ cấu tài chính là vấn đề đầu tiên cần giải quyết. Theo Nghị quyết 18/NQ-CNT của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy thì Đóng tàu Cam Ranh đang thực hiện một cách nghiêm túc để tháo gỡ tồn tại về tài chính.

Tháo gỡ được tài chính, thì Cam Ranh mới có đủ điều kiện để cạnh tranh trong các lĩnh vực hoạt động của mình, mới có uy tín với khách hàng và từ đó mới có khả năng phát triển trong thời gian tới.

Cam Ranh Shipyard là thương hiệu mới của đơn vị. Một trong 8 đầu mối đóng và sửa chữa tàu của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC (Shipbuilding Industries), thương hiệu đã được chấp nhận tại QĐ số 3287/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ giao thông vận tải. Với truyền thống đóng tàu trên khu vực miền Trung, chắc chắn Cam Ranh sẽ nâng cao được khả năng cạnh tranh khi mà ngành công nghiệp đóng tàu phục hồi, khi mà những yêu cầu mới của vận tải thủy trong nước đòi hỏi. Đóng tàu Cam Ranh, cũng như những đơn vị thành viên khác của SBIC đang nỗ lực lấy lại uy tín bằng thương hiệu của mình. Điều ấy hoàn toàn là khả năng có thể.

Cam Ranh Shipyard ngoài những khách hàng đã gửi niềm tin từ nhiều năm trước, sẽ có thêm những khách hàng mới. Đi lên với mục tiêu cạnh tranh là phù hợp với cơ chế thị trường

 

Nguyễn Đức Ngọc

Go to top