Khái quát quản lý Nhà nước đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Phần 2)

Nhà nước xác định chiến lược phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Việt Nam. Thực hiện các hoạt động nhằm cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành CNTT đồng thời lựa chọn các biện pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu đó trong thời gian nhất định.

Để thực hiện chức năng định hướng phát triển ngành CNTT, Nhà nước phải tiến hành các công việc sau:

- Phân tích, đánh giá thực trạng của ngành CNTT Việt Nam hiện nay, những nhân tố trong nước và quốc tế có ảnh hưởng đến phát triển hiện tại và tương lai ngành này.

- Dự báo phát triển ngành CNTT Việt Nam

- Hoạch định phát triển và lập kế hoạch mục tiêu, dự án để phát triển ngành CNTT Việt Nam phù hợp với Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải và lĩnh vực công nghiệp giao thông vận tải.

Để tạo hành lang pháp lí cho sự phát triển của ngành CNTT, Nhà nước cần xây dựng và tổ chức thi hành các văn bản quy phạm pháp luật với một số nội dung như sau:

- Quyết định về cơ cấu tổ chức các đơn vị liên quan ngành CNTT: Cơ quan quản lý ngành (cục quản lý chức năng, các công ty, các tổng công ty…)

- Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm, các chương trình, dự án quốc gia, các đề án phát triển thuộc ngành hàng hải trong phạm vi cả nước, trong đó bao gồm nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành CNTT trình Thủ tướng xem xét, quyết định. Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng cảng biển, luồng hàng hải, các khu neo đậu, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và bảo đảm an toàn hàng hải.

- Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường để làm cơ sở cho việc thiết kế, đóng mới, hoán cải, phục hồi, sửa chữa, quản lý, khai thác và đăng kiểm tàu biển trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tham gia xây dựng và sửa đổi, bổ sung công ước quốc tế về hàng hải.

- Bộ Giao thông vận tải giao trách nhiệm cho cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng và ban hành theo thẩm quyền quy định về nghiệp vụ đăng kiểm, hướng dẫn, phổ biến, áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế. Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện duyệt thiết kế tàu biển, kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và phân cấp tàu biển trong quá trình đóng mới, hoán cải, phục hồi và sửa chữa theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật, quy phạm, tiêu chuẩn của Việt Nam và công ước quốc tế.

- Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các ngành có liên quan nghiên cứu, ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước để tạo điều kiện phát triển ngành CNTT.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ngành có liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách tài chính nhằm khuyến khích phát triển ngành CNTT Việt Nam.

- Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, cơ chế cho việc ưu đãi trong việc nhập khẩu công nghệ để nội địa hóa từng phần ngành CNTT.

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương nghiên cứu và ban hành các chính sách khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực cho ngành CNTT trong và ngoài nước.

Các văn bản quy phạm pháp luật đó phải được xây dựng và tổ chức thực thi một cách đồng bộ, đúng chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, có sự phối hợp hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển của ngành CNTT.

Chính phủ cần quan tâm đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật, viên chức quản lý và công nhân kỹ thuật với cơ cấu thích hợp, có đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu của ngành CNTT. Ngành CNTT là một ngành mang tính chất hội nhập kinh tế quốc tế, sâu rộng và phức tạp, bao gồm nhiều lĩnh vực, lại có sự khác biệt về cơ chế, chính sách, luật lệ và thực tế kinh tế, kinh doanh của từng nước nên cần có một đội ngũ cán bộ có năng lực để tham gia thực hiện khối lượng công việc lớn, phức tạp nhằm đảm bảo công việc được thuận lợi và có hiệu quả.  Nhiệm vụ đào tạo cán bộ là một yêu cầu gấp rút và lâu dài.

Chính phủ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực từ cán bộ quản lý, lãnh đạo điều hành tới nhân viên thực thi nhiệm vụ, đảm bảo đội ngũ công nhân viên chức có đầy đủ đức tài, tận tâm với công việc, hoạt động hiệu quả và đúng pháp luật. Quan tâm đến đào tạo cán bộ quản lý đầu ngành và chuyên gia kỹ thuật.

Để tạo cú hích khuyến khích ngành CNTT Việt Nam phát triển, Chính phủ cần thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đóng tàu như:

+ Ưu đãi về thuế xuất khẩu

+ Ưu đãi về thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất không đạt tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ công tác đóng tàu.

+ Xem xét miễn, giảm tiền thuê đất khi đầu tư xây dựng cơ sở đóng tàu mới.

+ Xem xét và quyết định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và pháp luật hiện hành.

+ Được mua ngoại tệ tại các ngân hàng để nhập máy móc thiết bị, vật tư phục vụ cho việc đóng mới tàu biển theo các quy định hiện hành.

Chính phủ cần khuyến khích và tạo điều kiện phát triển ngành CNTT trong nước, các dự án đầu tư đóng mới tàu biển do các cơ sở đóng tàu trong nước thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư chiều sâu, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới cơ sở đóng tàu.

Đối với các cơ sở đóng tàu là doanh nghiệp nhà nước, ngoài ưu đãi chính sách và cơ chế tài chính còn được ưu đãi bổ sung về cấp vốn lưu động và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.

Tạo điều kiện và khuyến khích các chủ tàu Việt Nam thực hiện dự án đóng tàu trong nước để tạo thị trường cho ngành CNTT, thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại và hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế việc mua tàu biển đã qua sử dụng từ nước ngoài.

Chính phủ cần ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Nhà nước dành cho khoa học đối với các đề tài nghiên cứu ứng dụng phục vụ trực tiếp cho việc đóng mới các sản phẩm tàu biển, ưu tiên hỗ trợ nguồn lực để xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn ngành, quy chuẩn quốc gia liên quan đến ngành CNTT, cũng như đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, phòng thí nghiệm chuyên ngành.

Nhà nước thực hiện chức năng kiểm soát đối với ngành CNTT nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý và hiệu quả trong phát triển ngành. Nhà nước thực hiện các hình thức giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm thiết lập trật tự đối với ngành CNTT và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền được Nhà nước phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm liên quan đến ngành CNTT Việt Nam như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra ngành hàng hải (chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải).

Các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Bộ Giao thông vận tải, thanh tra chuyên ngành hàng hải có trách nhiệm theo dõi, đánh giá và báo cáo tình hình họat động của ngành CNTT theo các quy định pháp luật.

Để đảm bảo tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản công, khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các hoạt động của ngành CNTT, Nhà nước cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời, hiệu quả những vi phạm pháp luật liên quan tới ngành CNTT.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới ngành CNTT phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Tuân thủ đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm liên quan tới ngành CNTT.

- Bảo đảm thi hành nghiêm minh các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sai phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Thực hiện quy định về trách nhiệm trong phối hợp hoạt động giữa các cơ quan thanh tra nói chung và thanh tra chuyên ngành nói riêng.

Các nhân tố ảnh hưởng đến Quản lý nhà nước (QLNN) đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Một là, quan điểm của Nhà nước về QLNN đối với ngành CNTT. Đây là nhân tố đầu tiên có ảnh hưởng quyết định tới hiệu quả hoạt động QLNN. Nhân tố này sẽ quyết định bộ máy QLNN, nội dung các văn bản pháp luật phục vụ công tác QLNN và trình độ đội ngũ cán bộ thực hiện hoạt động QLNN đối với ngành CNTT.

Hai là, tổ chức bộ máy QLNN đối với ngành CNTT. Hoạt động QLNN đối với ngành CNTT sẽ không tốt nếu tổ chức bộ máy quản lý không hợp lý.

Trình độ, năng lực và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ quản lý trực tiếp tác động tới hoạt động QLNN đối với ngành CNTT. Bộ máy quản lý nhà nước đối với ngành CNTT là cơ quan trực tiếp tiến hành hoạt động QLNN. Không những thế đây còn là cơ quan trực tiếp hay gián tiếp ban hành các chính sách, chế độ về QLNN đối với ngành CNTT. Bởi vậy, sự am hiểu của cán bộ quản lý về ngành nghề, lĩnh vực mình quản lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng nắm bắt tình hình của họ với lĩnh vực đó, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp kết quả phân tích và đưa ra được những kết luận phù hợp, dự thảo và đề xuất được những chính sách quản lý đúng đắn. Thêm vào đó, phẩm chất đạo đức của cán bộ quản lý sẽ quyết định việc họ có thực hiện quản lý đúng theo lương tâm trách nhiệm.

Ba là, môi trường kinh tế - chính trị - xã hội.

Sự ổn định về kinh te - chính trị - xã hội là nhân tố quan trọng, có tác động lớn tới hiệu quả hoạt động QLNN đối với ngành CNTT. Môi trường chính trị - xã hội ổn định, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, ít lạm phát và ít biến động sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho ngành CNTT. Nền kinh tế nước ta mới chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường - một cơ chế kinh tế luôn được quan niệm là năng động, bất ổn định, chứa đựng nhiều cơ hội và cả những khó khăn. Trong thời gian qua, do nhiều lý do như ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế khu vực, thiên tai khiến môi trường kinh tế nước ta chưa thực sự ổn định. Mặt khác, môi trường kinh tế hiện nay của nước ta còn đang thiếu nhiều yếu tố cần thiết để tạo điều kiện cũng như tạo động lực cho hoạt động kinh doanh của ngành CNTT.

 (Xem tiếp kỳ sau)

 

Vũ Minh Phú

Go to top