Tàu cá hiện đại

Để có một định nghĩa đầy đủ về tàu cá hiện đại, chúng ta cần quay lại những vấn đề cơ bản khi thiết kế tàu cá:

Trước hết, tàu cá với bản chất tự thân của nó phải luôn gắn với mục đích sử dụng cụ thể của nó (tàu kéo, tàu vây, tàu câu…) hay nói theo cách khác giữa vỏ tàu, máy tàu và chân vịt luôn có mối quan hệ chặt chẽ mà khi thiết kế tàu luôn phải tính toán phù hợp và chỉ có sự phù hợp này mới có thể phát huy được hết khả năng của tàu.
Chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên do SBIC đóng mới được bàn giao cho ngư dân ở Nam Định vào cuối năm 2013

Thứ hai, khi thiết kế tàu cá vấn đề cần được quan tâm là vùng biển tàu hoạt động. Vùng biển hoạt động của tàu là cơ sở để tính toán sức bền, khả năng ổn định cũng như xác định số lượng, chủng loại và tính năng của các máy móc thiết bị lắp đặt trên tàu.

Ngoài ra, thời gian hoạt động, số người làm việc trên tàu, lượng hàng hóa trên tàu cũng là những yếu tố cần thiết được đề cập khi tính toán thiết kế.

Từ cách hiểu trên, có thể đưa ra khái niệm về tàu cá hiện đại như sau:

Tàu cá hiện đại là các tàu cá được đóng theo tiêu chuẩn kỹ thuật, có các trang thiết bị trên tàu hiện đại phù hợp với nghề và vùng hoạt động của tàu.

Trong những năm 1975-1990, ngành thủy sản nước ta đã có được các đội tàu cá hiện đại:

- 12 tàu cá Việt Xô, 1 tàu cá Na Uy của Xí nghiệp Liên hợp Thủy sản Hạ Long (Hải Phòng);

- 10 tàu cá Việt Pháp của Tổng công ty Hải sản Biển Đông.

- 2 tàu cá Nhật Bản của Xí nghiệp đánh cá Khánh Hòa;

- Tàu nghiên cứu hải sản của Viện Nghiên cứu Hải sản (do Na Uy đóng);

- 2 tàu thực tập của Trường Đại học Thủy sản Nha Trang.
Tàu cá vỏ thép thứ 2 do đơn vị thành viên của SBIC đóng mới bàn giao cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi trong những tháng đầu năm nay.

Đây là những tàu cá có thể làm việc dài ngày trên biển, được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại về hàng hải, thông tin liên lạc, khai thác, an toàn… được quản lý và vận hành bởi đội ngũ cán bộ có trình độ đại học trở lên và công nhân trên 300 người. Tàu có hệ thống cấp đông và hầm lạnh để bảo quản sản phẩm thủy sản, được đóng lắp, sử dụng cho những nghề khai thác cụ thể:

- Các tàu cá Việt Xô chủ yếu làm nghề vây và nhiều tàu được trang bị hệ thống chế biến thủy sản;

- Các tàu cá Việt Pháp chủ yếu làm nghề lưới kéo;

- Các tàu cá Nhật Bản chủ yếu làm nghề kéo tôm.  

Sau khi có chương trình vay vốn đóng tàu cá xa bờ của Nhà nước, đội tàu cá xa bờ đã phát triển nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có 1.000 chiếc ban đầu, sau 15 năm ngành Thủy sản đã có trên 22.000 chiếc. Về công suất tàu cá xa bờ, cũng ngày một tăng, đến nay số tàu cá có công suất máy trên 250 CV ngày càng phổ biến (chỉ trong 2 năm 2009 - 2010 tại Bến Tre đã đóng trên 150 tàu đánh cá xa bờ, Quảng Nam đóng gần 100 tàu công suất trên 300 CV), và đã có nhiều tàu cá trang bị máy chính có công suất đến 800 CV.

Tuy nhiên, mặc dù trang bị máy lớn, hoạt động ở các vùng biển cách bờ hàng trăm hải lý, các tàu cá xa bờ hiện nay vẫn chủ yếu đóng theo phương pháp truyền thống, ít có sự tính toán về kết cấu và ổn định (không có thiết kế hoặc chỉ là các thiết kế mẫu), việc giám sát đóng mới của đăng kiểm vẫn mang tính hình thức hoặc chưa tuân thủ theo quy trình, không có điều kiện thử tàu theo quy định, các trang thiết bị trên tàu vẫn chủ yếu chỉ là các trang bị đơn giản không đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Hầu hết các tàu chỉ được tiến hành kiểm tra, gia hạn hàng năm mà chưa thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo quy định.

Quy mô của các cơ sở đóng tàu vẫn chủ yếu là sản xuất nhỏ.

Thực tế khảo sát, một số nhóm tàu cho thấy:

Các tàu hiện tại về kết cấu, tính năng có thể đảm bảo được hoạt động trong điều kiện sóng gió cấp 8 trở xuống, song để khẳng định được việc này cần có sự khảo sát với quy mô lớn hơn và chi tiết hơn mới có thể đưa ra các kết luận chắc chắn.

Các máy lắp đặt trên tàu vẫn chủ yếu là máy cũ đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc. Thời gian qua, Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ ngư dân lắp máy mới, song ngư dân chưa mặn mà với các chính sách này.

Về trang bị an toàn trên tàu, có thể nói, so với thời điểm năm 2001, các tàu hiện tại đã khá hơn rất nhiều, hầu hết các tàu đều đã có máy thông tin và phao cứu sinh, song nếu đối chiếu với các tiêu chuẩn kỹ thuật thì hầu hết cũng chỉ có thể hoạt động trong vùng biển hạn chế III và ít có tàu đáp ứng đủ các trang thiết bị an toàn tối thiểu tương ứng với các vùng biển hoạt động của tàu.

Tàu cá vỏ thép thứ 3 do SBIC thực hiện đã được bàn giao cho ngư dân ngay trong tháng 4/2014
Về điều kiện làm việc và sinh hoạt của ngư dân trên tàu không được cải thiện, nhất là chưa có chuyển biến về trang thiết bị khai thác, bảo quản sản phẩm. Ngư dân vẫn phải sinh hoạt trong điều kiện không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về vệ sinh an toàn lao động

Tuy chưa có điều kiện để khảo sát, đánh giá đầy đủ, song những nhận định trên luôn có giá trị trong việc tính toán phát triển đội tàu cá hiện đại. Có thể thấy rằng, việc đóng tàu hiện đại (tại thời điểm chưa chuẩn bị kỹ về mọi mặt) thì hiện tượng nói trên sẽ còn lặp lại. Hiệu quả sử dụng của các tàu hiện đại sẽ không cao.

Việc phát triển đội tàu cá hiện đại được tiến hành đồng bộ với việc xây dựng các cơ chế chính sách quản lý, bảo hộ hoạt động của ngư dân trên biển cũng như xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ cho tàu cá.

    Niềm vui của chủ tàu, một ngư dân ở Nam Định trong ngày lễ bàn giao tàu cá vỏ thép
Việc phát triển tàu cá hiện đại được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đang tiến hành đóng mới tàu cá vỏ thép theo hướng này.

Trong điều kiện kinh tế hiện tại của đất nước và với sự quan tâm của Nhà nước, việc có được đội tàu cá theo quy hoạch không khó, tuy nhiên, để đóng tàu, quản lý và sử dụng có hiệu quả các tàu cá hiện đại lại là vấn đề cần được cân nhắc và tính toán cụ thể.

Để có được đội tàu cá hiện đại, đủ khả năng hoạt động trên các vùng biển, ngoài vấn đề về tài chính, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác về cơ chế, chính sách, kỹ thuật, năng lực đóng tàu, quản lý và vận hành cũng như cơ sở hạ tầng nghề cá.

 

Ng.Th (sưu tầm)

Go to top