Một quan Tây trong thủy quân nhà Nguyễn

Theo lịch sử Việt Nam, thì thủy quân thời Nguyễn có sức mạnh hàng đầu về thủy chiến trong khu vực Đông Nam Á.

Trong cuốn “Huế - xưa và nay” có chuyện một người Pháp trở thành thuyền trưởng phụ trách chiến thuyền Long Phi , và là vị quan Tây trong thủy quân Nhà Nguyễn. Thuyền trưởng ấy có tên là Jean Baptiste Chaigneau (gọi ngắn gọn là Jean). Ông là con thứ 8 của vị thuyền trưởng Alexandre – Georges Chaigneau thời vua Louis XVI. Jean sinh ngày 8 tháng 8 năm 1769 tại Lorient, được đào tạo tại trường Hải quân với lon thiếu úy (Pháp).
                   Ảnh vẽ chân dung Jean Baptiste Chaigneau
Jean làm việc trên chiếc tàu thương mại có vũ trang Flavien trên đường sang Đông Dương, ngày 24 tháng 3 năm 1794 thì tàu bị cướp ở Macao, Trung Quốc. Jean không trở về Pháp mà phiêu lưu đến Nam Bộ Việt Nam, có mặt ở Sài Gòn vào tháng 4 năm 1794. Ba năm sau, vào đầu năm 1797 Jean được tuyển dụng vào thủy quân nhà Nguyễn. Lúc đó hạm đội tàu chiến của nhà Nguyễn có 447 chiếc. Jean rất chăm chỉ, lại có kiến thức về hàng hải, tham gia nhiều trận thủy chiến thắng lợi, nên được giữ chức cai đội. Tháng 3 năm 1800, Jean được thăng lên hàng khâm sai và chỉ huy chiến thuyền Long Phi.
                      Tranh minh họa về nghề đóng tàu thuyền thời Nguyễn

Sau khi tham gia các trận thủy chiến ở Quy Nhơn vào tháng 2 năm 1801, rồi Đà Nẵng, Huế, Jean được thăng lên chức cai cơ vào tháng 3 năm 1802.

Ngày 8 tháng 8 năm 1802, Jean dọn nơi ở về căn nhà mới mua ở làng Dương Xuân trên bờ sông An Cựu (Huế) rồi cưới vợ Việt tên là Hồ Thị Huệ.

Chuyện về Jean có một chi tiết thú vị, đó là khi nhà Nguyễn ban hành các văn bản phong tước cho ông, vị quan chấp bút cứ lưỡng lự về cái tên Pháp. Biết sự lúng túng này, vua Gia Long đặt cho Jean một tên thuần túy Việt là Nguyễn Văn Thắng. Bức tranh vẽ vị trưởng cơ Nguyễn Văn Thắng vào năm 1805, và được người cháu nội của ông cất giữ. Qua thời gian, bức tranh bị xuống cấp nhiều nên một thợ vẽ người Pháp đã khôi phục lại, do đó có những chi tiết không chính xác. Nhưng chiếc ngù vai độc nhất bên phải trong bức tranh, chính là biểu tượng của vị thuyền trưởng tàu Long Phi.

Jean – Nguyễn Văn Thắng tiếp tục là vị chỉ huy chiếc Long Phi, sau này khi tàu được neo ở Huế, đoàn thủy thủ vẫn còn 50 người để quản lý và bảo trì. Người dân Huế về sau gọi Jean – Nguyễn Văn Thắng là ông Long.

Ông Long vẫn một tuần ba lần mặc lễ phục vào Đại nội để chầu. Sau khi vợ mất, ông trở về Pháp vào ngày 14 tháng 4 năm 1820 cùng với người vợ thứ hai

 

Đức Ngọc

Go to top