Công tác nghiên cứu khoa học trong quá trình phát triển sản phẩm của ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Trước năm 1996, ngành Công nghiệp tàu thủy nước ta còn ở mức phát triển rất thấp, lực lượng tàu đóng không được thống kê và toàn bộ ngành đóng tàu cũng chủ yếu đóng tàu phục vụ vận tải sông, biển trong nước với trọng tải nhỏ.

Đến nay, ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã đạt được sự phát triển nhanh chóng và đưa Việt Nam thành một trong các nước được biết đến trong khu vực và trên thế giới. Trong đó sự đóng góp của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy với 18 năm thành lập và phát triển có vai trò quan trọng.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 về phát triển khoa học và công nghệ tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, trong phần đánh giá một số thành tựu nổi bật trong lĩnh vực giao thông vận tải đã khẳng định, kết quả đạt được của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong ngành công nghiệp tàu thủy: “làm chủ công nghệ đóng tàu biển từ 6.500 đến 53.000 tấn, tàu chở dầu thô 115.000 tấn, kho nổi chứa dầu 150.000 tấn”.  Kết luận số 81/KL-TW ngày 31/07/2010 của Bộ Chính trị cũng nêu: “…bước đầu đã hình thành được cơ sở vật chất - kỹ thuật quan trọng, có trình độ công nghệ tiên tiến và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu biển”.
                     Ứng dụng tin học trong thiết kế, phóng dạng tàu thủy

Để đạt được kết quả trên, công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC (nguyên là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2000 đến nay, hơn 100 đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN), dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Tập đoàn đã được nghiên cứu, triển khai thành công và đưa vào ứng dụng thực tế, bao gồm:

- Dự án KH&CN: “Phát triển KH&CN phục vụ đóng tàu chở dầu thô 100.000DWT”, gồm 19 đề tài KH&CN, dự án SXTN cấp Nhà nước.

- Đề tài KH&CN cấp Nhà nước:  37 đề tài

- Dự án SXTN cấp Nhà nước: 18 dự án

- Đề tài, dự án SXTN cấp Bộ:  55 nhiệm vụ

- Đề tài cấp Tập đoàn: 7 nhiệm vụ

Các nhiệm vụ KH&CN này đã có đóng góp thực sự hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD) tại các đơn vị thành viên của Tổng Công ty, tạo ra bước đổi mới sâu rộng về công nghệ đóng tàu một cách đồng bộ từ khâu thiết kế, chế tạo và lắp ráp vỏ tàu thủy cỡ lớn đến sản xuất, lắp đặt trang thiết bị tàu thuỷ và thiết bị phục vụ đóng mới tàu thuỷ. 

Bắt đầu từ năm 2001 chiếc tàu hút xén thổi đầu tiên do Tổng Công ty đóng đã được xuất khẩu sang Irac, đánh dấu bước đầu tiên cho ngành đóng tàu xuất khẩu của Việt Nam. Đề tài cấp Nhà nước KC10-16 năm 1996: “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo tàu công trình và tàu hút bùn công suất vừa” do PGS TS Nguyễn Cảnh Thanh - Viện Khoa học công nghệ tàu thủy làm chủ nhiệm và Dự án SXTN cấp nhà nước năm 2001 về “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ thi công tàu hút bùn công suất lớn hơn 1.500m3” do KS Trương Quốc Bảo - Công ty công nghiệp tàu thủy Bến Kiền làm chủ nhiệm thực hiện đã đạt loại xuất sắc và đóng góp một phần rất lớn cho thành công của ngành.

Đến năm 2004, chiếc tàu chở hàng đầu tiên trọng tải 6.390 DWT đã được xuất khẩu sang Nhật Bản và những chiếc tàu cứu hộ xuất khẩu sang Đan Mạch đã bước đầu khẳng định được năng lực của ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam với thế giới.  Đề tài KC- 06-01CN: “Nghiên cứu các thiết bị và phương pháp công nghệ cơ bản phục vụ cho đóng tàu thuỷ cỡ lớn” do TS Ngô Cân - Viện Khoa học công nghệ tàu thủy làm chủ nhiệm với kết quả “Khá” đã mở đầu cho các nghiên cứu công nghệ đóng tàu thủy trọng tải trên 6.000 DWT vào thời đó.

Năm 2007, seri tàu hàng rời cỡ lớn 53.000 DWT, 34.000 DWT, 22.500 DWT được bàn giao cho chủ tàu nước ngoài và hàng loạt các loại tàu khác được ký kết đã đưa ngành xuất khẩu tàu thủy thành một trong các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của đất nước. Rất nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ đã được nghiên cứu triển khai thực hiện thành công trong giai đoạn này, có thể kể ra một số đề tài như:

- Dự án độc lập: “Hoàn thiện công nghệ chế tạo mũi dạng quả lê và công nghệ làm sạch tôn để nâng cao chất lượng đóng mới và sửa chữa tàu thuỷ”.

- Dự án SXTN KC-06DA-20CN: “Thiết kế thi công và chế tạo dây chuyền lắp ráp tự động thân tàu chở hàng rời 53.000 DWT để xuất khẩu”.

- Dự án SXTN KC-06DA-08-CN: “Hoàn thiên công nghệ chế tạo và đưa vào sử dụng cần trục chân đế 120 tấn”.

- Dự án độc lập: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất vật liệu hàn chất lượng cao dùng cho đóng tàu”...
Kho nổi chứa xuất dầu FSO5 trọng tải 150.000DWT do SBIC đóng mới và bàn giao năm 2010 

Năm 2010, Tổng Công ty đã bàn giao kho nổi chứa xuất dầu FSO5 trọng tải 150.000 tấn, đây là sản phẩm đặc chủng lớn nhất do ngành đóng tàu Việt Nam chế tạo từ trước đến nay, cũng là công trình hiện đại nhất, lần đầu tiên được đóng tại Việt Nam. Tiếp nối thành công đó, tàu chở ô tô 4.900 xe cũng đã được bàn giao ngày 29/4/2010 cho chủ tàu Ray Shipping Limited và đã được chủ tàu đánh giá cao về chất lượng. Góp phần không nhỏ trong việc thi công 2 loại sản phẩm trên chính từ việc triển khai Đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu ứng dụng các thiết bị trắc đạc laser trong chế tạo, lắp ráp và kiểm tra vỏ tàu, hệ trục chân vịt, trục lái trong quá trình đóng tàu chở dầu thô 100.000T” đã kịp thời được ứng dụng trong công nghệ lắp ráp tổng đoạn không lượng dư lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam cho các loại tàu cỡ lớn này. Đề tài: “Nghiên cứu, ứng dụng CAD để thiết kế thi công tàu chở dầu thô 100.000T theo các mô- đun” do Viện Khoa học công nghệ tàu thủy chủ trì đã nghiên cứu ứng dụng phần mềm thiết kế mà hiện nay thế giới đang sử dụng là phần mềm SHIPCONSTRUCTOR để thiết kế tàu theo phương pháp 3D và chuyển giao công nghệ cho đơn vị đóng tàu. Qua đó đã khẳng định năng lực thiết kế công nghệ của các kỹ sư Việt Nam.

Tháng 6/2010, Dự án: ”Phát triển KH&CN phục vụ đóng tàu chở dầu thô 100.000 DWT” do Vinashin (nay là SBIC) chủ trì đã được nghiệm thu ở cấp quốc gia. Đây là một dự án lớn đầu tiên Nhà nước giao cho một đơn vị doanh nghiệp chủ trì, có 15 đơn vị chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước; 21 cơ quan phối hợp chính bao gồm các Viện nghiên cứu đầu ngành về cơ khí, hàng hải, khoa học tàu thủy, Đại học Hàng hải, Đại học Bách khoa Hà Nội, Cục đăng kiểm Việt Nam; 22 tổ chức nước ngoài phối hợp chính gồm các Viện nghiên cứu, công ty đóng tàu và các hãng sản xuất vật tư thiết bị của Nhật, Đan Mạch, Na-uy, Hàn Quốc, Trung Quốc… Dự án đã tạo ra số lượng sản phẩm tương đối lớn, được đăng kiểm cấp chứng nhận, trong đó nhiều sản phẩm có đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, đó là:

- 178 bộ hồ sơ thiết kế (trong đó có 01 bộ hồ sơ thiết kế thi công tàu chở dầu thô 100.000 DWT);

- 03 dây chuyền công nghệ có sản phẩm được thương mại hóa là:

+ Dây chuyền công nghệ sản xuất thiết bị và que hàn trọng lực;

+ Dây chuyền công nghệ sản xuất vật liệu phủ sàn boong;

+ Dây chuyền công nghệ làm sạch và sơn tổng đoạn.

- 346 thiết bị các loại, gồm: 2 thiết bị phục vụ thi công là máy uốn ép 3D, máy uốn ống điều khiển bằng chương trình số; 15 thiết bị thuộc dây chuyền sản xuất và 329 trang thiết bị lắp đặt trên tàu (321 tủ bảng điện, 3 thiết bị điều khiển, 4 thiết bị lắp đặt trong khoang chở dầu thô) và hàng loạt các thiết bị thí nghiệm, thử nghiệm, đo lường khác.

- 06 phần mềm điều khiển hệ thống điện tàu thủy, thiết bị uốn ống ...

- 19 bài báo đăng trên các tạp chí trong nước.

Từ năm 2010 trở lại đây, do ảnh hưởng suy thoái của nền kinh tế và ngành đóng tàu thế giới nên ngành đóng tàu nước ta cũng bị ảnh hưởng theo. Hầu như Tổng Công ty không ký được các hợp đồng đóng tàu cỡ lớn xuất khẩu, các sản phẩm của Tổng Công ty chủ yếu tập trung vào các loại tàu cỡ nhỏ như tàu kéo, tàu cứu hộ xuất khẩu, tàu dịch vụ, tàu cá phục vụ nhu cầu trong nước …

Đề án "Phát triển KHCN và thiết kế tàu thủy giai đoạn 2012-2020, định hướng đến 2030" do Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-CNT ngày 17/1/2012 với các mục tiêu cụ thể đã chỉ đạo Tổng Công ty thực hiện trong thời gian vừa qua. Hiện nay, Đảng ủy Tổng Công ty đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng chuyên đề "Đổi mới căn bản hoạt động khoa học - công nghệ, đào tạo và phát triển nhân lực của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2014 - 2020, định hướng đến năm 2030" nhằm cụ thể hóa trong công tác chỉ đạo Tổng Công ty và các đơn vị thành viên thực hiện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ SXKD trong thời kỳ mới.
               Hội thảo về thị trường và công nghệ đóng tàu diễn ra tại Vietship 2014

Phát huy những kết quả đạt được, đội ngũ cán bộ KH&CN cần xác định vai trò dẫn dắt tạo động lực cho sự phát triển của Tổng Công ty trong giai đoạn hiện nay. Lãnh đạo Tổng Công ty tập trung mọi nguồn lực để thúc đẩy và phát triển các hoạt động KH&CN nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị trường đồng thời có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế tiếp tục khẳng đinh vai trò của Việt Nam trên thị trường đóng tàu thế giới.

 

Vũ Anh Tuấn - Tổng giám đốc                              

Chủ tịch Hội đồng KH&CN - SBIC

Go to top