Khái quát quản lý Nhà nước đối với ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Phần cuối)

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc có đường lối và quyết tâm triển khai các chủ trương phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy (CNTT) theo hướng hiện đại: đầu tư cơ bản phù hợp với thiết bị và nguồn nhân lực; tiếp cận và làm chủ được kỹ thuật đóng tàu hiện đại; xây dựng được hệ thống vệ tinh các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ hoàn hảo; có khả năng tham gia và đáp ứng nhu cầu từ các thị trường mới.

Sự hỗ trợ của nhà nước Trung Quốc thông qua các đơn đặt hàng của chính phủ tạo cơ hội ban đầu cho ngành CNTT Trung Quốc phát triển. Chính phủ Trung Quốc có chính sách khuyến khích (nhưng có tính bắt buộc) các chủ tàu trong nước, nhất là các chủ tàu có sở hữu nhà nước phải đặt hàng trong nước. 

Ngày nay, ngành CNTT Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ hai trong thị trường đóng tàu thế giới sau Hàn Quốc.
 

Ngành CNTT Trung Quốc phát triển cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế. Theo số liệu thống kê của ủy ban Khoa học Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (Commission of Science Technology and Industry for Nation Defence – COSTIND) cho biết: Năm 2005, Trung Quốc có hơn 2000 nhà máy đóng tàu với khoảng 400.000 người lao động, trong đó có 315.000 người lao động làm việc ở 480 nhà máy cỡ lớn.

Chiến lược phát triển công nghiệp Trung Quốc nhằm tập trung nâng cấp khả năng an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế và dịch vụ, là động lực cho sự phát triển ngành luyện kim, điện tử và công nghiệp cơ khí chế tạo máy. Chính phủ Trung Quốc chính thức công bố kế hoạch chi tiết phát triển ngành CNTT trung hạn và dài hạn vào năm 2006.

Trung Quốc đặc biệt coi trọng vị trí ưu tiên phát triển ngành CNTT trong nền kinh tế và công nghiệp cơ bản, dành nhiều chính sách ưu đãi ban đầu cho ngành công nghiệp này. Các ưu đãi bao gồm đất – mặt bằng, đào tạo lao động kỹ thuật và liên quan đến nguồn lao động giá rẻ cũng như các ngành công nghiệp phụ trợ như luyện kim, gang thép, chế tạo máy.

 Sự phát triển nhanh chóng của ngành CNTT Trung Quốc gắn liền với chính sách kinh tế vĩ mô. Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 11 (2006-2010) đã xác định ngành hàng hải là ưu tiên hàng đầu.

Ủy ban đổi mới và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) và Ủy ban khoa học công nghệ và công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (COSTIND) đã xây dựng chương trình phát triển ngành đóng tàu trung và dài hạn được chính phủ Trung Quốc phê duyệt.

Ủy ban NDRC có trách nhiệm xây dựng kế hoạch công nghiệp Trung Quốc. Còn COSTIND là cơ quan chuyên môn của chính phủ có chức năng xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản pháp luật, quy định và tiêu chuẩn, giám sát hoạt động các xí nghiệp, phối hợp và hỗ trợ ngành công nghiệp liên quan với quốc phòng. COSTIND có nhiệm vụ tạo môi trường kinh doanh khả thi, ngăn chặn sự đầu tư vượt mức và đảm bảo kết cấu thị trường ngành CNTT lành mạnh.

Cục quản lý tàu là đơn vị độc lập trực thuộc COSTIND (trước quyết định tổ chức lại chính phủ của Hội nghị hiệp thương nhân dân Trung Hoa lần thứ 11) có trách nhiệm tổng thể về kế hoạch và chính sách công nghiệp, kỹ thuật đối với tàu thủy quốc phòng và tàu thủy thương mại. Cục quản lý tàu có 26 phân cục cấp tỉnh có nhiệm vụ thống kê báo cáo hàng năm và tính toán sản lượng và năng lực sản xuất của ngành CNTT địa phương.

Chính phủ quy định cơ quan cấp giấy phép đóng tàu để thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh sự phát triển ngành CNTT Trung Quốc. Mục đích chính của việc này lập các quy định về thị trường có kiểm soát, các tiêu chuẩn và điều kiện pháp lý rõ ràng, ngăn ngừa các nhà máy không đủ năng lực tham gia vào thị trường đóng tàu, nâng cao mức độ kiểm soát vĩ mô cũng như loại trừ các yếu tố tiềm ẩn ngay từ đầu nhằm đảm bảo an toàn cho con người, tài sản và hoạt động hàng hải.

Chính phủ Trung Quốc thường hỗ trợ cho ngành CNTT thông qua chính sách miễn thuế theo danh mục các phụ kiện chủ yếu nhập khẩu dùng cho đóng một số loại tàu sản xuất theo công nghệ cao và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ và nghiên cứu và phát triển (R&D). Mục tiêu cơ bản là tăng cường tính cạnh tranh trong CNTT bao gồm nâng cấp và tái cấu trúc ngành công nghiệp đóng tàu, tạo môi trường quốc tế về nghiên cứu và phát triển, hợp tác kỹ thuật, nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm soát rủi ro và tăng cường hỗ trợ tài chính.

Từ tháng 5 năm 1982 về trước, các viện nghiên cứu đóng tàu và các nhà máy đóng tàu Trung Quốc trực thuộc 6 cơ quan cấp bộ - bộ Cơ khí, bộ Công nghiệp Xây dựng, bộ Giao thông, bộ Thủy sản, bộ Quốc phòng có chức năng thiết kế và đóng mới các loại tàu dùng cho hải quân. Các tỉnh, các khu tự trị cũng có quyền cấp phép cho các nhà máy đóng tàu hoạt động.

Cụ thể hơn, Tổng công ty CNTT Trung Quốc – cơ quan chuyên môn của bộ Công nghiệp – Xây dựng – Cơ khí chịu trách nhiệm quản lý, đóng mới và sửa chữa các loại tàu thương mại cỡ lớn, tàu dịch vụ khai thác dầu khí, tàu chuyên dùng và tàu hải quân. Bộ Giao thông chịu trách nhiệm quản lý, đóng mới và sửa chữa tàu hàng nhỏ và tàu ven biển tại tất cả các tỉnh. Bộ Thủy sản chịu trách nhiệm quản lý các nhà máy đóng mới và sửa chữa các loại tàu cá.

Cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ là tổng công ty CNTT Trung Quốc đã sáp nhập toàn bộ các cơ quan đóng mới và sửa chữa tàu thủy trực thuộc bộ Giao thông thành một tổ chức mới là Tổng công ty CNTT Quốc gia Trung Quốc (CSSC). Đây là công ty nhà nước tương đương cấp bộ trực thuộc trực tiếp Hội đồng Chính phủ.

Từ năm 2008 đến 2011, Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ bảo lãnh xuất khẩu, hỗ trợ nghiên cứu phát triển lên tới mức 58 tỉ Đô la Mỹ.

Một số bài học rút ra cho Việt Nam

a. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch và chiến lược phát triển phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Xây dựng, ban hành và thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành CNTT mang tính chất quyết định sự thành công của ngành. Chất lượng và tính khả thi của chiến lược, quy hoạch phát triển ngành CNTT là rất quan trọng, là công cụ thể hiện ý đồ, mục tiêu quản lý nhà nước và là tiêu chí đánh giá hiệu quả thực tế. Kiên trì thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển ngành CNTT đã được phê duyệt phù hợp sẽ góp phần phát triển các ngành nghề liên quan.

b. Xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy tạo khung pháp lý liên quan để quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Nhà nước cần tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền nhằm thể chế hóa các định hướng phát triển, tạo cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh toàn bộ hoạt động của ngành CNTT Việt Nam.

Chính phủ có đường lối và quyết tâm triển khai các chủ trương phát triển ngành CNTT theo hướng hiện đại.

Chính phủ kiểm soát và điều tiết quy họach phát triển ngành CNTT thông qua biện pháp cấp phép xây dựng hoặc mở rộng các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thủy. Để thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh sự phát triển ngành CNTT nước ta, Chính phủ cần quy định cơ quan cấp giấy phép đóng tàu. Mục đích chính của việc này là để lập các quy định về thị trường có kiểm soát, các tiêu chuẩn và điều kiện pháp lý rõ ràng, ngăn ngừa các nhà máy không đủ năng lực tham gia vào thị trường đóng tàu, nâng cao mức độ kiểm soát vĩ mô cũng như loại trừ các yếu tố tiềm ẩn ngay từ đầu nhằm đảm bảo an toàn cho con người, tài sản và hoạt động hàng hải.

c. Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Ngành CNTT là một ngành công nghiệp chế tạo cơ khí và lắp ráp thiết bị quy mô lớn đòi hỏi sự đầu tư lớn nên sự hỗ trợ của Chính phủ trong giai đọan đầu là hết sức cần thiết, bao gồm các chính sách hỗ trợ về vốn cho đầu tư phát triển, các chính sách liên quan đến xuất nhập khẩu cũng như phát triển thị trường. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường sự hợp tác với các quốc gia mạnh về ngành CNTT ở Châu Âu và Đông bắc Á nhằm tận dụng sự hỗ trợ về vốn cũng như chuyển giao công nghệ. Phát triển nhanh các ngành công nghiệp phụ trợ cũng là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững đối với ngành CNTT.

Chính phủ cần thành lập cơ quan trực thuộc để tham mưu phát triển ngành CNTT và thực thi các chính sách thuế, hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo hộ thị trường nội địa.

- Chính sách phát triển nguồn nhân lực:

Chính sách phát triển nguồn nhân lực có yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển ngành CNTT. Nguồn nhân lực có trình độ, năng lực và kinh nghiệm sẽ quyết định sự thành công và hiệu quả của hoạt động QLNN đối với ngành CNTT cũng như đối với bản thân ngành CNTT. Đội ngũ cán bộ - công nhân viên chuyên ngành CNTT phải có cơ cấu hợp lý về trình độ (quản lý ngành, chuyên gia kỹ thuật, công nhân kỹ thuật) và có cơ cấu phù hợp về tuổi đời, tuổi nghề nhằm đảm bảo sự phát triển ngành CNTT một cách liên tục và bền vững. Chính phủ Việt Nam cần xây dựng và thực thi các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành CNTT.

- Chính sách hỗ trợ về tài chính:

Chính sách hỗ trợ về tài chính đối với ngành CNTT có vai trò rất quan trọng. Nguyên nhân chủ yếu là lượng vốn cần để đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở của các đơn vị trong ngành CNTT là rất lớn. Thời gian thu hồi vốn thông qua hình thức khấu hao kéo dài. Kinh nghiệm của các nước có ngành CNTT phát triển cho thấy, các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ ngành CNTT thường được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước. Chính sách này hỗ trợ cho các cơ sở trong ngành CNTT hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và trang bị thiết bị tiên tiến để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành CNTT.

Ngành CNTT khi thực hiện các hợp đồng đóng tàu xuất khẩu phụ thuộc rất nhiều vào việc bảo lãnh tín dụng hoàn trả, bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh bảo hành của ngân hàng và tổ chức tín dụng. Chính phủ Việt Nam cần cho phép và tạo điều kiện để ngân hàng tạo cơ sở cho ngành CNTT Việt Nam ngày càng cạnh tranh và trở nên hấp dẫn đối với các chủ tàu đặt hàng đóng tàu, có thể cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau như mua trực tiếp và bảo lãnh cho tàu thủy xuất khẩu của Việt Nam và cần phải trở thành nguồn cung cấp tài chính chủ yếu cho ngành CNTT.

Hàng năm Chính phủ Việt Nam cần phải dành một phần ngân sách để hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các dự án đóng tàu khuyến khích xuất khẩu ở mức độ phù hợp nhằm duy trì đơn hàng đóng tàu xuất khẩu.

 

Vũ Minh Phú

Go to top