Tàu cá vỏ thép cho ngư dân, những điều chưa biết

Trong những năm qua, nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy hải sản nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó nghề đánh bắt thủy hải sản ngày càng được phát triển với sự đa dạng về qui mô và loại hình đánh bắt, tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 5 triệu lao động. Hàng năm, với sản lượng đánh bắt trên 2 triệu tấn, nghề đánh bắt hải sản đã đem lại cho đất nước nguồn lợi kinh tế đáng kể, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội.

                                Một mẫu tàu cá vỏ thép do SBIC đóng mới
Theo thống kê, đội tàu khai thác thủy sản của nước ta có khoảng trên 130.000 chiếc, trong số đó, 80% là tàu nhỏ có công suất dưới 90CV, hoạt động ven bờ, hiệu quả đánh bắt thấp, làm suy giảm nhanh chóng nguồn lợi thủy sản gần bờ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững của nghề đánh bắt cá. Hầu hết các tàu đánh bắt hiện nay đều là vỏ gỗ được đóng lắp thủ công dựa vào kinh nghiệm, chưa đảm bảo đầy đủ về điều kiện an toàn hoạt động trên các vùng biển; trang thiết bị khai thác đánh bắt, bảo quản còn thô sơ, trang  thiết bị hàng hải, an toàn lắp đặt trên tàu còn thiếu. Bên cạnh đó, do tính tự phát trong việc phát triển của nghề cá quy mô nhỏ đã làm nảy sinh nhiều bất cập cho công tác quản lý, hoạch định chiến lược và chính sách phát triển của nghề cá. Hàng năm, con số thiệt hại về người và của do phương tiện không đủ điều kiện ứng phó với thiên tai trên biển là không nhỏ. Hiệu quả của việc đánh bắt cũng hạn chế do các dịch vụ hậu cần đi kèm như bảo quản, vận chuyển cá chưa phát triển, sản lượng và chất lượng cá đánh bắt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu còn thấp.

Thực chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010, trong đó có nội dung: “Củng cố, phát triển ngành cơ khí đóng, sửa tàu cá, có lộ trình phù hợp chuyển nhanh các tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép, vật liệu mới...”

Ngày 22/08/2011 Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 226/VPCP thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh về thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi. Trên cơ sơ đó, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy - SBIC và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp hoàn thiện đề án “Đề án thí điểm hiện đại hóa tàu cá xa bờ tỉnh Quảng Ngãi” và được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan tại tờ trình số 2356/TTr-UBND ngày 18/7/2012 với mục tiêu cụ thể là đầu tư đóng mới  22 tàu cá vỏ thép cho ngư dân Quảng Ngãi, thực hiện khai thác thí điểm làm tiền đề cho chương trình hiện đại hóa tàu cá trong phạm vi cả nước trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1787/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 ban hành chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ tại tỉnh Quảng Ngãi. Đối tượng hỗ trợ là tổ chức, cá nhân thuộc tỉnh Quảng Ngãi đóng mới 22 tàu vỏ thép có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên. Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy được giao chịu trách nhiệm cung cấp các mẫu thiết kế và đóng mới toàn bộ 22 tàu cho ngư dân tham gia đề án, đảm bảo chất lượng và tiến độ. 

Thực hiện Quyết định số 1787/QĐ-TTg, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy và UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp tiếp xúc với các chủ tàu đăng ký tham gia thực hiện chính sách thí điểm hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ. Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Quảng Ngãi đã tiến hành đánh giá thẩm định đối với các hộ ngư dân trong danh sách được tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên trong thực tế triển khai các bên còn gặp nhiều khó khăn do những nghi ngại từ phía ngân hàng tài trợ vốn về chi phí đầu tư, tính hiệu quả kinh tế của tàu cá vỏ thép và đặc biệt là việc thay đổi tư duy và tập quán đánh cá bằng tàu vỏ gỗ đã có từ xưa tới nay của ngư dân. Kết quả là chưa có dự án đầu tư nào trong chương trình được phê duyệt giải ngân và triển khai thi công. 

Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo cấp trên, để thúc đẩy tiến trình triển khai chương trình chung, đồng thời tạo tiền đề cho việc hình thành các mẫu tàu cá vỏ thép của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy phục vụ cho nhu cầu của ngư dân và có đánh giá thực tế hiệu quả khai thác của tàu cá vỏ thép, Tổng công ty đã chủ động tổ chức đoàn công tác đi khảo sát đánh giá thực tế tại một số tỉnh như Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận để chủ động xây dựng các tàu mẫu đóng mới cho các  ngư dân các địa phương phát triển nghề đánh bắt cá xa bờ. Trên cơ sơ tính toán và xây dựng phương án, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã xin ý kiến và Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 666/TB-BGTVT ngày 18/9/2013 thông báo kết luận của Bộ Trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu các doanh nghiệp của Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy. Bộ trưởng đã có kết luận thống nhất với đề xuất của Tổng công ty về việc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ để triển khai đóng 06 tàu đánh cá vỏ thép mẫu cho ngư dân ở ba tỉnh Nam Định, Thái Bình và Quảng Ngãi đưa vào khai thác thử nghiệm.

Triển khai ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Tổng Công ty đã làm việc với các ngư dân có kinh nghiệm, năng lực và quyết tâm đầu tư đóng mới tàu cá vỏ thép khẩn trương hoàn thiện mẫu thiết kế. Tới thời điểm hiện nay, Tổng Công ty đã lựa chọn, thống nhất hợp đồng hợp tác đầu tư, khai thác, thuê mua trả chậm đóng mới 06 tàu cá mẫu trong đó có 02 tàu lưới rê với 02 chủ tàu tại huyện Hải Hậu - Nam Định,  02 tàu lưới kéo đối với 1 chủ tàu tại huyện Thái Thịnh - Thái Bình, thi công tại công ty CP CNTT Sông Đào và 02 tàu cá lưới vây đuôi với 02 chủ tàu tại tỉnh Quảng Ngãi thi công tại nhà máy đóng tàu Nha Trang.

Với sự hợp tác chặt chẽ giữa chủ tàu ngư dân, cơ quan đăng kiểm thủy sản, cơ quan thiết kế là Công ty CP kỹ thuật đóng tàu Vinashin -Visec và đơn vị thi công là nhà máy đóng tàu Nha Trang, Sông Đào, sau 4 tháng triển khai, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy đã bàn giao được 3 chiếc trong chương trình 6 tàu mẫu cho ngư dân khai thác. Các con tàu còn lại trong chương trình đang tiếp tục được triển khai và hoàn thành trong quý 2 năm 2014.
   

Là những chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên được thiết kế, thi công và sử dụng tại Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy đã phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan từ cơ quan đăng kiểm, đơn vị thiết kế, nhà máy đóng tàu, và chủ tàu để xây dựng mẫu tàu vừa phù hợp với tập quán đánh bắt cá của ngư dân, vừa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của qui phạm phân cấp tàu cá vỏ thép và có mức đầu tư thấp nhất. Sau khi các con tàu mẫu đầu tiên được đóng mới, và đưa vào khai thác thành công, các chủ tàu trực tiếp khai thác đã khẳng định một số ưu điểm nổi trội của tàu cá vỏ thép so với tàu cá vỏ gỗ như sau:

Về tính đi biển: Tàu vỏ thép có tốc độ cao hơn so với tàu gỗ có cùng kích thước và công suất máy. Khả năng duy trì tốc độ hoạt động trong điều kiện biển động tốt hơn tàu vỏ gỗ do có tuyến hình phần mũi thon nhọn. Mức tiêu hao nhiên liệu của tàu vỏ thép cho mỗi chuyến đi biển thấp hơn tàu vỏ gỗ.

Về tính an toàn: Kết cấu khung, sườn, vỏ bằng thép có độ bền cao hơn vỏ gỗ. Tàu được phân thành các khoang kín nước nên đảm bảo không bị chìm khi một khoang bất kỳ bị thủng.

Về tính năng khai thác: Tàu vỏ thép có các khoang dự trữ dầu, nước, khoang chứa lưới, khoang bảo quản cá có dung tích lớn hơn tàu gỗ, tăng thời gian và qui mô đánh bắt trong mỗi lần ra khơi. Với tính ổn định, khả năng đi biển và sức bền cao hơn tàu vỏ gỗ, tàu cá vỏ thép có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu hơn, hạn chế việc phải dừng khai thác do điều kiện thời tiết không thuận lợi.

Về tiện nghi sinh hoạt của thuyền viên: Tàu vỏ thép có không gian sinh hoạt rộng rãi, dự trữ được nhiều nước ngọt và thực phẩm; Có công trình phụ biệt lập, hợp vệ sinh.

Về trang thiết bị an toàn trên tàu: Được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn theo yêu cầu của quy phạm tàu cá vỏ thép như hệ thống bơm nước cứu hỏa, hệ thống phao bè cứu sinh, hệ thống thông tin liên lạc, radar, định vị vệ tinh, hệ thống lái, kéo sự cố.

Về bảo quản sản phẩm sau khai thác: Khoang chứa cá trên tàu vỏ thép có dung tích lớn, được bọc cách nhiệt bằng vật liệu cách nhiệt chuyên dụng, ốp gỗ và bọc composit kín nước nên khả năng bảo quản lạnh tốt và lâu hơn tàu vỏ gỗ.

Về tuổi thọ tàu:  Tàu cá vỏ thép nếu được duy tu bảo dưỡng tốt có thể sử dụng trên 30 năm so với mức tuổi thọ khoảng 20 năm của tàu vỏ gỗ, ngoài ra việc thanh lý vỏ tàu khi hết khả năng sử dụng vẫn có thể thu hồi 10-15% chi phí đầu tư ban đầu.

Với những ưu điểm trên, mặc dù mức đầu tư của tàu vỏ thép cao hơn so với tàu vỏ gỗ cùng kích thước và công suất, song tàu vỏ thép sẽ đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn từ việc gia tăng sản lượng, chất lượng đánh bắt và đặc biệt là độ an toàn cao trong khai thác. Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy hy vọng trong thời gian tới các chủ tàu tham gia khai thác tàu mẫu sẽ tiếp tục hợp tác cùng đơn vị thiết kế và nhà máy thi công để góp ý, hoàn thiện các tính năng kỹ thuật của các con tàu tiếp theo, để Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy có thể cung cấp các mẫu tàu cá mới tốt hơn, đẹp hơn và rẻ hơn cho ngư dân cả nước.

 

Phạm Bình Minh

Trưởng ban Kinh doanh Thương mại SBIC

Go to top