Công tác thiết kế cần theo kịp nhu cầu năng động của thị trường đóng tàu

Công nghiệp tàu thủy là ngành công nghiệp mũi nhọn trong chiến lược biển quốc gia, phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng. Trong ngành Công nghiệp tàu thủy, công tác tư vấn thiết kế là hoạt động chất xám ban đầu hình thành nên sản phẩm, là một trong những khâu then chốt và là yếu tố cạnh tranh có tính quyết định.
Khi thực hiện dự án một con tàu nếu có thiết kế và công tác chuẩn bị tốt sẽ chủ động kiểm soát chặt chẽ chi phí thực hiện dự án, hạn chế được việc mua thiếu, cùng với các chi phí phát sinh, sẽ góp phần làm giảm giá thành và đảm bảo được tiến độ thi công.
Bài viết trình bày các nét chính về vai trò quan trọng của hoạt động tư vấn thiết kế đối với ngành Công nghiệp tàu thủy và đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực thiết kế tàu thủy phục vụ thiết thực năng động của thị trường đóng tàu.
Sản phẩm thiết kế Tàu dịch vụ dầu khí 2x2.100HP nhận giải thưởng Giải pháp thiết kế tốt nhất tại Vietship2014

Tình hình công tác thiết kế tàu thủy

Phát triển khoa học công nghệ cùng với việc nâng cao năng lực thiết kế là nhân tố quan trọng góp phần giữ vững và phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy. Ở nước ta từ thập niên 90 của thế kỷ XX ngành Công nghiệp tàu thủy chủ yếu tập trung ở công tác sửa chữa, đóng mới các loại tàu hàng cỡ nhỏ từ 1.000 DWT đến 5.000 DWT. Các nhà máy đóng tàu nước ta thời kỳ này, trình độ công nghệ lạc hậu, công tác nghiên cứu và thiết kế các tàu có trọng tải lớn, các tàu đặc chủng chưa được quan tâm do chỉ trông cậy vào việc mua thiết kế sẵn có từ nước ngoài.

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của ngành đóng tàu, công tác thiết kế đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề kỹ thuật trọng yếu, đã tạo ra các sản phẩm và công nghệ mới. Với sự góp phần đáng kể của khoa học công nghệ và thiết kế, Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy đã thi công được nhiều sản phẩm có hàm lượng khoa học cao mang đẳng cấp quốc tế, đáp ứng được những đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật công nghệ từ chủ tàu và đăng kiểm quốc tế, đó là các loại tàu chở hàng trọng tải lớn, tàu dịch vụ chuyên ngành dầu khí, tàu chở ô-tô, tàu chở khí hóa lỏng, tàu khách du lịch cao cấp, sà lan chở topside phục vụ khai thác dầu khí và sà lan công trình phục vụ thi công trên biển v.v...

Trong quá trình phát triển ngành Công nghiệp tàu thủy, đội ngũ kỹ sư thiết kế đã từng bước được nâng lên, củng cố cả về chất và lượng; tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tế kết hợp với lý thuyết, tâm huyết với nghề và luôn phát huy tính sáng tạo, cải tiến đổi mới kỹ thuật công nghệ, dám nghĩ dám làm và đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành.

Phát triển công tác thiết kế tàu thủy trong giai đoạn mới

Tàu thủy hiện đại là một công trình nổi ứng dụng rất nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Những công việc như thiết kế, thiết lập dự án, quản lý sản xuất ngày nay đòi hỏi đội ngũ kỹ sư thiết kế phải có trình độ chuyên môn cao, làm việc chuyên nghiệp, phải sử dụng thành thạo các công cụ hiện đại là những hệ thống máy tính mạnh và các phần mềm thiết kế chuyên ngành hiện đại.
 
Mô hình tàu khách được thử nghiệm trong bể thử mô hình tại trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Trong quá trình thiết kế, giai đoạn thiết kế cơ sở (thiết kế phương án chào hàng, thiết kế sơ bộ) có tầm quan trọng rất lớn đối với sự thành công và lợi nhuận của một dự án đóng tàu.

Thiết kế cơ sở phải được ưu tiên hàng đầu về nguồn lực trong thiết kế. Trong đó, việc xác định đặc tính kỹ thuật cơ bản nhất và sơ bộ giá thành của con tàu, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu đòi hỏi cơ bản của khách hàng rất cần thiết. Thiết kế cơ sở cần được thông qua khách hàng, được cơ quan Đăng kiểm thẩm tra kỹ thuật ban đầu để người thiết kế khẳng định các thông số cơ bản của tàu, các thông số kỹ thuật của vật tư thiết bị chính, để từ đó cung cấp thông tin tương đối đầy đủ cho khách hàng trong việc thu xếp vốn đầu tư.

Để duy trì và phát triển được, nhà máy đóng tàu cần dựa vào năng lực thiết kế để chào hàng được nhiều phương án cùng với đó là năng lực sản xuất và giá thành hạ hơn đối thủ cạnh tranh.  Năng lực thiết kế cần tập trung chủ yếu vào giai đoạn thiết kế cơ sở, trong đó các yếu tố then chốt là tốc độ thiết kế phải nhanh và kiểm soát chặt chẽ được rủi ro. Trong giai đoạn thiết kế cơ sở, cần có các phần mềm thiết kế đủ mạnh để có kết quả trong một thời gian ngắn. Nếu trong quá trình thi công, có sự thay đổi so với thiết kế, thì các phần mềm đó sẽ giải quyết nhanh và thấu đáo những phát sinh kỹ thuật.

Với mục tiêu chiến lược phát triển thiết kế phục vụ thiết thực năng động của thị trường đóng tàu, trong giai đoạn mới công tác thiết kế cần đạt được các mục tiêu cơ bản như sau:

-    Đảm bảo công tác thiết kế ngày càng chuẩn mực, tuân thủ các quy chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế, ứng dụng hiệu quả Khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

- Đảm bảo nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ thiết kế, luôn coi yếu tố con người là nền tảng cho sự phát triển. Chú trọng duy trì và phát triển đội ngũ thiết kế, đào tạo phát triển nhân lực có đủ trình độ thiết kế tàu chuyên dụng, yêu cầu kỹ thuật cao, đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu để không ngừng nâng cao chất lượng trong lĩnh vực tư vấn thiết kế tàu thuỷ và công trình nổi.

- Tìm kiếm và đảm bảo đủ việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đội ngũ thiết kế, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội.

- Luôn luôn xem xét cải tiến hệ thống quản lý đặc thù trong công tác thiết kế, xây dựng hệ thống quản lý thiết kế, cải tiến các quy trình nâng cao chất lượng thiết kế.

- Tăng cường công tác giám sát với bản thiết kế, giám sát tại nơi thi công để kiểm soát được sự không phù hợp, các sai sót và kiểm soát các thay đổi kỹ thuật, qua đó khắc phục kịp thời đảm bảo tránh hao tổn vật liệu và chậm tiến độ thi công.

- Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế bao gồm: Hệ thống máy chủ mạnh, hệ thống máy tính đồng bộ với các loại phần mềm có bản quyền phục vụ công tác thiết kế, tính toán chuyên ngành như: AUTOSHIP, NAPA, NUPAS CADMAIC, AVEVA PDMS, SAP 2000…Đồng  thời xây dựng hệ thống thư viện điện tử phong phú để lưu trữ dữ liệu về các sản phẩm thiết kế, các hồ sơ tài liệu kỹ thuật và các tiêu chuẩn phục vụ công tác thiết kế.

Kết luận

Để  trở thành một nước mạnh về kinh tế biển, ngoài một số ngành kinh tế đã được định dạng, cần phải có một ngành Công nghiệp tàu thủy  đủ mạnh, có sức cạnh tranh quốc tế, làm hạ tầng cần thiết cho một số ngành kinh tế biển như vận tải, khai thác hải sản, khai thác các tài nguyên... Hơn thế nữa, phát triển Công nghiệp tàu thủy để tạo nên lực lượng đủ sức bảo vệ chủ quyền lãnh hải và các vùng đặc quyền kinh tế trên biển. Muốn phát triển công nghiệp tàu thủy, công tác tư vấn thiết kế có một tầm quan trọng sống còn đối với ngành. Để có những dự án đóng tàu có chất lượng cao, năng lực thiết kế cần được ưu tiên hàng đầu, cần phát triển đội ngũ thiết kế đủ mạnh, có khả năng ứng dụng Khoa học công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả các phần mềm thiết kế hiện đại chuyên ngành để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, tư vấn hiệu quả và thiết thực.

 

Trần Xuân Dục

Go to top