Công khai minh bạch mới tạo được sự đồng thuận

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết năm 2013 của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC (trước là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo: Chuyển sang hoạt động theo mô hình mới, quan trọng là phải thay đổi bản chất trong quản trị doanh nghiệp, không để “bình mới, rượu cũ”. Cùng đó, phải công khai minh bạch, có như thế mới tạo được sự đồng thuận.

 
                        Tổng giám đốc SBIC báo cáo tại Hội nghị Tổng kết năm 2013

Theo ông Vũ Anh Tuấn – Tổng giám đốc SBIC, năm 2013, Tổng công ty bàn giao 47 tàu với tổng giá trị hợp đồng đạt 148,31 triệu USD. Trong đó có 19 tàu xuất khẩu và 28 tàu trong nước. Giá trị tổng sản lượng ước đạt 6.215 tỷ đồng, trong đó đóng và sửa chữa tàu đạt hơn 4.500 tỷ đồng. Công nghiệp phụ trợ và sản xuất công nghiệp khác đạt hơn 606 tỷ đồng.

Tổng doanh thu toàn Tổng công ty ước đạt hơn 5.700 tỷ đồng, trong đó đóng mới, sửa chữa tàu ước đạt hơn 3.789 tỷ đồng, công nghiệp phụ trợ và sản xuất công nghiệp khác ước đạt hơn 636 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh khác ước đạt 1.297 tỷ đồng. Cũng theo ông Tuấn, tổng số lao động trong Tập đoàn hiện tại là 21.000 người. Thu nhập bình quân đạt 4,1 triệu đồng/người/tháng.  

Triển khai tái cơ cấu Tập đoàn, nay là Tổng công ty, ông Tuấn cho biết, qua 3 năm, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, tình hình thị trường và một số cơ chế chính sách liên quan trong lĩnh vực sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp. Song tính đến nay, Tổng công ty đã hoàn thành xong việc giảm đầu mối 53 đơn vị, trong đó chuyển nhượng vốn và quyền vốn góp 29 đơn vị, sáp nhập 4 đơn vị, giải thể 16 đơn vị, bàn giao và chuyển chủ sở hữu 4 đơn vị.
 
       Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Nguyễn Ngọc Sự báo cáo về tái cơ cấu các khoản nợ

Về tái cơ cấu nợ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Nguyễn Ngọc Sự nhấn mạnh, Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành tái cơ cấu nợ với số nợ gốc giảm đáng kể. Số còn lại được khoanh nợ, giãn nợ từ 10 đến 12 năm với lãi suất bằng 0 hoặc rất thấp. Nợ lãi cơ bản được xóa gần hết.

Cụ thể, Tổng công ty đã hoàn tất việc phát hành trái phiếu cho Credit Suisse, hoàn thành tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD. Với các khoản nợ nước ngoài khác, Tổng công ty đã hoàn thành cơ cấu và đạt được đàm phán 134,2 triệu USD/135,1 triệu USD. Dự kiến hoàn thành trong năm 2013. Đối với các khoản nợ các tổ chức tín dụng trong nước, Tổng công ty đã cơ cấu được hơn 11.500 tỷ đồng. 

Trong năm 2014, Tổng giám đốc Vũ Anh Tuấn cho biết Tổng công ty phấn đấu bàn giao 103 tàu, bằng 219,15% so với thực hiện năm 2013 với tổng giá trị hợp đồng lên tới 330 triệu USD. Trong số này, có 35 tàu xuất khẩu và 68 tàu trong nước. Tổng công ty cũng phấn đấu đạt giá trị tổng sản lượng hơn 7.300 tỷ đồng, bằng 118,92% so với năm 2013. Trong đó, đóng tàu bằng 130,87%, sửa chữa đạt 472,54 tỷ đồng, công nghiệp phụ trợ và sản xuất kinh doanh khác đạt 942,51 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2014 ước đạt 7.597 tỷ đồng, bằng 132,73% so với ước thực hiện năm 2013.  

Mặc dù đưa ra những chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 tương đối lạc quan so với năm 2013 song ông Tuấn cũng thừa nhận tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014 tại các doanh nghiệp trong toàn Tổng công ty còn rất khó khăn. “Đến nay, các dự án đã ký hợp đồng đều là các dự án đang thi công chuyển tiếp từ năm 2013. Các dự án khác dự kiến triển khai trong năm 2014 đều chưa ký kết hợp đồng chính thức” – ông Tuấn cho biết. 

Để đạt mục tiêu đặt ra, Tổng giám đốc SBIC nhấn mạnh: Trong năm 2014, Tổng công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm, nghiên cứu, chọn lọc thông tin thị trường đóng tàu, vận tải và các thông tin liên quan; Nghiên cứu thị trường vận tải thế giới để phối hợp với các đơn vị thiết kế trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm mới tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường phục vụ cho công tác bán hàng. Dự kiến tập trung vào 3 loại tàu hàng đa năng trọng tải dưới 20 nghìn DWT, tàu dầu thành phẩm trọng tải dưới 15 nghìn DWT và tàu chở khí hóa lỏng LPG/LPG trọng tải dưới 10 nghìn DWT.
                        SBIC bàn giao tàu cá vỏ thép đầu tiên cho ngư dân

Liên quan tới công tác tái cơ cấu, ông Tuấn cho biết trong năm 2014, Tổng công ty phấn đấu hoàn thành việc rút vốn thương hiệu đối với 51 đơn vị trong năm 2014; hoàn thiện thủ tục pháp lý để sáp nhập 8 đơn vị, cổ phần hóa 5 đơn vị. Trong năm 2014, Tổng công ty dự kiến hoàn thành việc giải thể 8 công ty TNHH MTV và 1 công ty cổ phần, giải thể 6 đơn vị sự nghiệp là các trường dạy nghề và giải thể 5 công ty cổ phần.

              Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo: Phải công khai minh bạch mới tạo được sự đồng thuận
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn không chỉ với Vinashin, nay là SBIC. Tuy nhiên, trong khó khăn, khi mà rất nhiều người nghĩ Vinashin chắc chắn phá sản, Vinashin vẫn duy trì được. Một số đơn vị thành viên thậm chí có lãi. “Quan trọng hơn, chúng ta đã dần lấy lại được lòng tin, sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông của Đảng, Chính phủ, nhận được sự đồng thuận của xã hội”.

Biểu dương những nỗ lực, quyết tâm rất cao của Đảng ủy, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc và đặc biệt là các đơn vị thành viên Tổng công ty, Bộ trưởng nhấn mạnh: Tổng công ty phải nhận thức rõ rằng chúng ta còn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức. Hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, vẫn còn nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội. Công tác tái cơ cấu còn chậm. 

Sang năm 2014, Bộ trưởng yêu cầu SBIC cần xác định rõ phương châm hành động, phải tự cứu mình, nỗ lực tự thân hơn nữa. “Chúng ta phải đổi mới hơn nữa, tự tin hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và quyết định kịp thời. Chính chúng ta phải tự khắc phục, tự vượt lên. Tranh thủ sự giúp đỡ bên ngoài nhưng phải dựa vào nội lực là chính”.

Về sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng lưu ý mục tiêu là phải hiệu quả, không chạy theo doanh thu, sản lượng. Bộ trưởng cũng lưu ý SBIC phải tập trung lành mạnh hóa tài chính các doanh nghiệp mà trước hết là 8 đơn vị giữ lại trong Tổng công ty theo mô hình mới. “Mỗi đơn vị tùy điều kiện đặc thù khác nhau thì phải có phương án xử lý cụ thể, riêng biệt. Phải cụ thể hóa lộ trình tái cơ cấu với từng doanh nghiệp. Công khai minh bạch cho người lao động, cho toàn dân biết. Muốn đồng lòng, muốn quyết tâm thì chỉ có cách là công khai minh bạch” .

 

Tô Ngọc

 

Go to top