Thuyền đua và người thợ đóng thuyền

Những năm trở lại đây, khi nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức, trong đó có hội đua thuyền, thì nghề đóng thuyền đua lại có cơ hội phát triển. Những người thợ đóng thuyền đua vẫn miệt mài, lặng lẽ giữ lấy nghề của ông bà tổ tiên mình.

                                          Một cuộc đua thuyền trên sông
Ở Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, ông Tăng Hoạt (78 tuổi, xóm 1, thôn 8 Tây, xã Mỹ Thắng) là một trong số ít những người vẫn còn giữ được nghề đóng thuyền đua truyền thống của gia đình. Lớn lên ở vùng sông nước, nơi mà lúc vất vả mưu sinh cũng như khi vui chơi hội hè, cuộc sống của người dân đều gắn liền với nước, với thuyền, từ nhỏ, ông Hoạt được cha mình chỉ bảo cách đóng thuyền, hướng dẫn từ cách cầm cái cưa cho đến cái đục. Ngoài những gì mà cha dạy, ông Hoạt cũng tự học, tự tìm tòi và tích lũy kinh nghiệm đóng thuyền đua. Thấm thoát đã hơn 50 năm gắn bó với nghề, nhưng chưa bao giờ ông thấy chán cái nghề vất vả, gian khổ này, ngược lại càng yêu nghề hơn.
                                Người thợ đang đóng thuyền đua vỏ nhôm
Theo ông Hoạt, để trở thành một người thợ đóng thuyền đua giỏi, người thợ cần phải biết “ra mực” (canh mực nước của thuyền) sao cho trúng “nước mê” (mực nước phù hợp để thuyền có thể đạt vận tốc lớn nhất), theo nguyên tắc: thân thuyền suôn, giữa sâu hơn mũi, mũi sâu hơn lái. Ngoài ra, người thợ phải biết chọn vị trí khoan các lỗ đà sao cho chính xác, nếu không sẽ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của thuyền.
                             Công đoạn uốn mê nhôm làm thuyền là khó nhất

Nhờ có kiến thức, tay nghề cao mà ông Hoạt luôn được nhiều khách hàng từ Phù Cát, Phù Mỹ (Bình Định) và Phú Quốc (Kiên Giang)… mời về đóng thuyền đua cho đội của mình. “Trong các cuộc đua thuyền do xã, huyện tổ chức, thuyền của tôi đóng luôn được giải cao, riêng từ Tết đến nay tôi đã đóng cho khách 10 chiếc thuyền đua. Đặc biệt, cả 2 người con trai đều nối nghiệp tôi gắn bó với nghề này”, ông Hoạt vui vẻ chia sẻ.

Tuy không sinh ra trong một gia đình có truyền thống đóng thuyền đua nhưng ông Võ Hữu Tiến (47 tuổi), ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) cũng có gần 15 năm gắn bó với nghề này. Dù có nhiều kinh nghiệm trong nghề (ông Tiến là chủ một xưởng đóng tàu cá), nhưng với sự đam mê của mình, ông Tiến vẫn thường tìm đến các lễ hội đua thuyền ở các địa phương khác như Đề Gi (Phù Cát), Gò Bồi (Tuy Phước), có khi ra tận Huế, để quan sát, tìm hiểu các loại thuyền đua. Đồng thời, ông còn tìm đến một số người thợ chuyên đóng thuyền đua học hỏi kinh nghiệm, từ đó sáng tạo ra những mẫu thuyền đua đẹp, công năng cao. Ông cho biết: “Khi làm nghề đóng thuyền đua, đòi hỏi người thợ phải có sự tỉ mỉ, chính xác từ công đoạn ráp mê thuyền, đà thuyền cho đến từng cái then, cái chốt sao cho đồng đều, hài hòa, tạo độ sắc sảo cho thuyền đua”.

Trước đây, thuyền đua thường được làm hoàn toàn bằng gỗ, nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người chuộng loại thuyền có mê (lòng thuyền) làm bằng nhôm vì như thế thuyền nhẹ, khi đua sẽ chạy nhanh hơn. Tùy vào chiều dài, nguyên liệu của thuyền mà giá thành cũng khác nhau. Thông thường, 1 chiếc thuyền đua dài khoảng 12m, chở được 12-13 người, có giá thành dao động từ 35 - 40 triệu đồng/chiếc. Thu nhập bình quân của thợ đóng thuyền là 200 - 250 ngàn đồng/người/ngày.

Tuy mức thu nhập tương đối cao như vậy nhưng nhiều thợ đóng thuyền không mặn mà với công việc bởi nghề này mang tính thời vụ cao (chỉ vào các lễ hội) nên thu nhập không ổn định. Vì vậy, những ai gắn bó với nghề này đều là những người thật sự yêu nghề. Ông Cao Văn Nghiệp (61 tuổi), ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương (Hoài Nhơn), một người có hơn 30 năm gắn bó với nghề đóng thuyền đua, cho biết: “Đóng thuyền đua tốn khá nhiều thời gian, công sức, có khi 2 thợ lành nghề phải mất gần 10 ngày mới hoàn thiện xong một chiếc thuyền đua có sức chứa 13 người”.

Ông Nguyễn Văn Rê, ở xóm 2, thôn 10, xã Mỹ Thắng (Phù Mỹ) sinh ra trong một gia đình có 3 đời gắn bó với nghề đóng thuyền đua, chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 4 người con đang tuổi ăn học, nếu chỉ trông chờ vào nghề này thì không đủ lo cho gia đình. Thông thường, công việc đóng thuyền của tôi bận rộn nhất là vào khoảng giữa tháng 8 dương lịch (chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền nhân Quốc khánh 2/9) và tháng Chạp âm lịch (chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền vào dịp Tết Nguyên đán). Thời gian rảnh rỗi còn lại, vợ chồng tôi làm ruộng, rồi đi làm thuê, làm mướn, tôi đi đóng thuyền đánh cá để có tiền trang trải cuộc sống. Tôi gắn bó với nghề này là vì muốn giữ lại nghề truyền thống của ông bà, tổ tiên mình để lại thôi”.

Đua thuyền từ lâu đã trở thành môn thể thao truyền thống của người dân vùng sông nước nói chung, huyện Núi Thành, Quảng Nam nói riêng. Mỗi dịp hội hè, lễ cúng tế thần linh, các địa phương ven sông thường tổ chức đua thuyền với sự tham gia của 5 - 7 đội thuyền đua đến từ các nơi trên địa bàn huyện. Mỗi cuộc đua thuyền luôn thu hút hàng nghìn người đến xem và cổ vũ. Do đó, đua thuyền là môn thể thao không thể thiếu của người dân vùng sông nước này. Để giành được giải trong những cuộc đua tài quyết liệt trên sông, ngoài lực lượng vận động viên dẻo dai sức lực, mưu trí trong chèo lái, còn cần một yếu tố quan trọng: chiếc thuyền đua “đạt chuẩn”, nhẹ nhàng và mang “linh hồn” của riêng nó. Cũng vì vậy mà chiếc thuyền đua được người dân “tôn trọng”, thường đem úp gửi nơi đền thờ thần thánh hoặc những nơi trang nghiêm. Tâm thức người dân như vậy nên họ quan niệm thợ đóng thuyền đua ngoài tay nghề tinh xảo phải là người “mát tay”, “nhẹ vía”. Và ông Phạm Viết Ngôn là một thợ đóng thuyền đua đạt yêu cầu như thế.

Ông Phạm Viết Ngôn (47 tuổi) ở xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, Quảng Nam kế nghiệp nghề đóng thuyền đua của cha là ông Phạm Gặp hơn chục năm nay. Ông nói: “Đóng thuyền đua là một nghề khó, chỉ cần sơ sót một chút là ảnh hưởng đến tốc độ đi của thuyền. Trước đây tôi đóng thuyền đua toàn bằng gỗ, mấy năm gần đây đóng be thuyền bằng gỗ kiền kiền nhưng mê thuyền (tức lòng thuyền) được làm bằng nhôm cho nhẹ. Khó nhất là uốn mê nhôm sao cho chuẩn”.

Cơ sở của ông Ngôn có 3 thợ lành nghề, riêng từ sau tết đến nay, đã hạ thủy 4 chiếc thuyền đua mê nhôm. Mấy năm trước, cơ sở chỉ đóng thuyền đua gỗ có chiều dài không quá 10m thì nay đóng thuyền đua mê nhôm với 2 kích cỡ. Một loại có chiều dài 15,5m, rộng 1,2m - thuyền đua dành cho 25 vận động viên. Loại này cơ sở ông Ngôn đóng trong thời gian 2 tháng với giá thành 100 triệu đồng. Còn loại thuyền đua mê nhôm nhỏ hơn, dài 12,5m, rộng 1,2m - dành cho 12 vận động viên - có giá thành 70 triệu đồng. Cụ Nguyễn Đình Giám (70 tuổi, cùng thôn với ông Ngôn) cho biết: “Nghề đóng thuyền đua của ông Ngôn là nghề cha truyền con nối. Làm nghề này là cả một nghệ thuật. Đặc biệt, thuyền đua do ông Ngôn đóng thường giành giải cao nên được nhiều địa phương đến đặt hàng”.

Quả vậy, thuyền đua “ra lò” từ cơ sở ông Phạm Viết Ngôn thường đoạt giải cao trong các cuộc đua trên địa bàn tỉnh. Riêng từ đầu năm đến nay, các thuyền đua do ông Ngôn đóng đã giành được 16 giải nhất tại các cuộc đua thuyền lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh. Đóng thuyền đua đảm bảo tiêu chuẩn, thi đấu thường đoạt giải cao, nên ngoài khách hàng trong huyện, cơ sở ông Ngôn còn được nhiều khách hàng ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Đại Lộc... đến đặt hàng.

 

Ng.Th (sưu tầm & tổng hợp)

Go to top