Nghề đi biển của người Việt

Từ xa xưa, người Việt đã lập nên kỳ tích chinh phục biển cả. Những điều ấy đã được viết trong các trang sách nước ngoài từ thế kỷ XVII và trước đó nữa

Nhà hàng hải người Anh, George Windsor Earl viết trong sổ nhật ký của ông trên đường đến Singapore vào đầu thế kỷ thứ 18 như sau: "... Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Thời tiết đã tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra 6 chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương hết mọi cánh buồm tiến thẳng tới trước. … Tôi nghĩ: Mấy người Việt đó đang lèo lái những con thuyền để vượt sóng lượn gió thật là tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực Âu Châu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không có một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này có thể đè bẹp cả sóng gió Biển Đông vào giữa mùa bão tố. Đã qua 20 năm rồi, rất ít thương thuyền nào của công ty chúng tôi dám thử hải hành giữa mùa biển động như vậy… Thật thú vị nếu được quen biết với những người Việt Nam này. Tính tình họ năng động, ngôn từ lại hoạt bát. Họ rất can đảm khi xuất dương”. Bác sĩ Crawfurd đươc chính phủ Anh cử làm đại sứ tại hai kinh đô Bangkok và Huế năm 1822 thì nhận xét: "... Nếu như người Việt Nam được phép tự do viễn dương thì người ta không thể tìm đâu ra được một sắc dân nào nữa ở Á Đông mà lại có đầy đủ những đức tính để trở thành các nhà hàng hải siêu đẳng như vậy... Tính họ không những cương quyết, năng động, mà tàu của họ được các nhà chuyên môn mô tả như là những loại thuyền tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, kiến trúc rất chắc chắn, đủ sức hải hành ngay cả những khi thời tiết xấu nhất." Hai người Pháp (Chaigneau và Vannier) đã làm quan trong triều đình Việt Nam và cũng đã từng làm hạm trưởng các chiến hạm loại trang bị 16 súng đại bác với thủy thủ đoàn hoàn toàn Việt Nam nhận xét rằng những thủy thủ Việt Nam can đảm và thật lành nghề. Còn thuyền trưởng John White là một trong những nhà hàng hải Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1820. Ông có dịp thăm xưởng đóng tàu, sau này là Hải quân Công xưởng Sài Gòn (Ba Son), cho biết người Việt Nam tập trung những nhà thiết kế tàu bè có khả năng kỹ thuật cao nhất, hoàn tất công tác thật chính xác. John White còn xem xét các ván gỗ đóng thuyền của người Việt. Ông rất ngạc nhiên là những xưởng đóng thuyền Việt Nam thời đó lại có đầy đủ vật liệu cho việc đóng cả loại tàu lớn nhất như Frigate (tức loại chiến hạm chủ lực của Hải quân Hoa kỳ sử dụng vào đầu thế kỷ 19). Ông tận mắt nhìn thấy một tấm gỗ dài rộng tới 120ft x 4ft (36m x 1,2m). Vì khổ này lớn quá, gỗ lại rất tốt; vị thuyền trưởng người Mỹ suy ra rằng, rừng Việt Nam có những loại gỗ dùng đóng tàu thuyền rất tốt.
                        Bản đồ hàng hải Ptolemy do người phương Tây lập
Chính sử của nước ta ghi lại được rất ít hoạt động hàng hải, khi muốn tìm hiểu về truyền thống hàng hải của người Việt cổ, đã gặp nhiều khó khăn. Cho đến nửa sau thế kỷ XX, Bách khoa từ điển The New Encyclopaedia Britanica xuất bản về từ mục Dongson Culture (Văn hóa Đông Sơn) ghi như sau: "Đông Sơn không những chỉ riêng là văn minh đồ đồng mà cũng có đồ sắt nữa. … Người Đông Sơn là dân đi biển, có thể đã hải hành và giao thương khắp vùng Đông Nam Á Châu".
Trên trống đồng Đông Sơn còn lưu giữ nhiều họa tiết minh chứng cho nghề đi biển của người Việt xưa

Chứng tích quan trọng của nền văn hoá Đông Sơn ghi nhận trên các trống đồng cũng cho thấy một phần nào khía cạnh truyền thống hàng hải của người Việt xưa.

Thuở xa xưa, lưu vực sông Hồng, sông Mã đã là những trung tâm hàng hải cùng thương mại phồn thịnh, hàng hoá đi khắp nơi. Mối giao thương này chắc chắn sâu đậm đến mức độ tất cả những bản đồ thế giới do Tây phương ấn hành suốt 13 thế kỷ sau đó, đều ghi một địa danh Cattigara.
       
             Bản đồ  do Tây phương ấn hành có ghi một địa danh hải cảng Cattigara của Việt Nam xưa
Magellan (nhà hàng hải nổi tiếng người Bồ Đào Nha) lưu tâm đến vị trí Cattigara rất nhiều. Sau khi từ Đại Tây Dương vào được Thái Bình Dương, ông dẫn hải đội dọc theo bờ biển, viên thư ký giữ tài liệu hải hành của ông là Pigafetta có vẻ bi quan khi nói rằng :"Cái mũi đất Cattigara mà ngay cả những nhà "Vũ trụ học" (!) cũng chưa nhìn thấy thì lúc này không những chẳng thể nào tìm ra mà chúng ta cũng không thể tưởng tượng được là nó ở vào chỗ nào!". Ngày nay, khi nhìn vào bản đồ, thì Cattigara có thể là cửa biển từ Móng Cái đến Hải Phòng.Người Tây phương thường nói "cứ có thuyền là đi biển được". Người Việt đóng được thuyền. Việc đi biển của dân Việt trong thời thượng cổ cùng các dân cư khác nằm quanh vùng Biển Đông rất phồn thịnh. Trước Tây lịch 6, 7 thế kỷ, chiến thuyền Lạc Việt thời Hùng Vương đã có hai sàn, những cây nỏ thần được bố trí ở trên, người chèo và lái ở dưới. Nhiều kiểu thuyền trang bị đầy dủ cả bánh lái phía đuôi, mái chèo bên cạnh, cây xiếm cố định ... Hình ảnh được ghi khắc trên nhiều chiếc trống đồng tìm thấy tại lưu vực các sông Mã, sông Hồng.
Mảng luồng Sầm Sơn, Thanh Hóa đã được chuyên gia phương Tây thử nghiệm vượt Thái Bình Dương thành công đã minh chứng cho nghề đi biển của người Việt có truyền thống từ rất lâu đời.

Nhiều người tin tưởng rằng dân Việt cổ là những nhà buôn gan dạ, đã vượt biển tới các đảo ngoài Ấn Độ Dương và đi xa tới tận Ethiopia thuộc Phi Châu.

Những con đường biển người xưa sử dụng đến nay còn ghi lại trên thạp đồng, trống đồng cổ. Thế giới hàng hải cổ cho thấy đã có một vòng cung liên tục ghi nhận ảnh hưởng của thuyền bè và văn hóa nước lên nhiều khu vực.

Đã có nhiều nhà nghiên cứu viết bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha phát biểu về nghề đi biển của người Việt xưa. Học giả Pedro Bosch Gimpera cho rằng nền văn minh Đông Sơn đã mang lại những hiểu biết về kỹ thuật luyện kim cho cả vùng Chavin ở Peru.
Edwin Doran nổi tiếng nhờ đã khám phá ra nhiều điều mới lạ về khả năng vượt đại dương của mảng luồng (bè tre) và ghe nhỏ của người Việt. Ông và Stephen Jett đồng ý với nhau là giao tiếp trước nhất giữa Á và Mỹ Châu có thể qua phương tiện là những chiếc bè chạy buồm có gắn cây xiếm như thường thấy ở Việt Nam..

Robert Von Heine Geldern trong suốt một phần tư thế kỷ kể từ 1939, đã viết rất nhiều về giao tiếp Á Mỹ. Ông liệt kê thành hệ thống những điểm tương đồng, lưu tâm khá nhiều đến nền văn minh Đông Sơn, ông cho rằng những dân đi biển ở Đông Á tới Mỹ Châu trước hết là người Việt.

Người Việt đã đi biển rất sớm. Hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn đã phản ánh nhận định này.

 

Ng.Th (tổng hợp)

Go to top