Tàu cá vỏ thép của “Hai lúa” Bắc Kỳ

Mươi năm trở lại đây, “Hai lúa” trở thành cách gọi thân quen của nhiều người khi nói đến những nông dân Nam Bộ có ý chí vươn lên làm giàu hoặc đi đầu trong cải tiến công cụ.

Có “Hai lúa” làm cả máy bay, tàu ngầm... nổi danh với sự táo bạo, bỏ tiền bỏ của cho ước mơ chinh phục bầu trời và đại dương.

Ở Bắc Bộ cũng có những nông dân như thế. Từ “Hai lúa” trong bài viết này chúng tôi muốn mượn cách gọi của người Nam Bộ để nói về một ngư dân quê ở vùng lúa nước Hải Hậu, Nam Định, anh là Phạm Văn Tuyên. Đây là người đầu tiên trong cả nước sở hữu tàu cá vỏ thép thuộc chương trình thí điểm hiện đại hóa đội tàu khai thác thủy sản trong chiến lược biển Việt Nam.

Theo thống kê của ngành thủy sản, đội khai thác tàu cá cả nước có 127.000 chiếc. Trong đó phần lớn là tàu hoạt động ven bờ, công suất động cơ dưới 20 mã lực, thiết bị an toàn thiếu. Loại tàu 400 mã lực trở lên, có 4.000 chiếc, nhưng trang thiết bị quá đơn giản, không hành trình được dài ngày để đi biển xa, hiệu quả đánh bắt chưa cao.

Để giúp ngư dân vươn ra biển đánh bắt, ngày 16 tháng 9 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1690/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020, trong đó có nội dung hiện đại hóa phương tiện đánh bắt, củng cố ngành cơ khí đóng tàu, chuyển nhanh tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép.
                           SBIC ký biên bản bàn giao tàu cá cho ngư dân
Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) được giao trọng trách nghiên cứu triển khai thí điểm đóng mới đội tàu đánh cá vỏ thép lắp động cơ có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại để có thể đi biển xa, hoạt động dài ngày, bảo quản tốt hải sản đánh bắt được.
       Chiếc tàu cá vỏ thép đầu tiên do SBIC đóng mới bàn giao cho ngư dân ở Hải Hậu, Nam Định

Chiếc tàu đầu tiên của đề án thí điểm được hoàn thành ở Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Sông Đào (Nam Định). Tàu có chiều dài 25,46m, rộng 6,5m, cao mạn 3,1m, lượng nước ngọt mang theo 9,4m3, khoang nước dằn 10,3m3 có thể trữ nước ngọt, nghĩa là lượng nước ngọt mang theo tối đa tới 19,7m3, nhiên liệu dự phòng 11,2m3, khoang chứa cá 30m3, tốc độ tàu đạt trên 10 hải lý/giờ.

Tàu đánh cá bằng lưới rê, độ dài tối đa của lưới lên tới 25km với trọng lượng xấp xỉ 50 tấn, mắt lưới đảm bảo cá dưới 2kg chui lọt, có nghĩa rằng tàu chỉ bắt loại cá có trọng lượng trên 2kg/con.

Như vậy chiếc tàu vỏ thép đi biển xa lắp động cơ công suất 650 sức ngựa, với trang thiết bị nghi khí hàng hải hiện đại đầu tiên đã hoàn thành và “Hai lúa” Phạm Văn Tuyên là chủ.
             Chủ tàu Phạm Văn Tuyên bên chiếc tàu cá vỏ thép ngày bàn giao

Ngày bàn giao tàu chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh ngay trên bờ con sông cổ Vị Hoàng. Vào năm 1832, vua Minh Mạng cho đào lại sông Vị Hoàng để nối sông Hồng với sông Đáy, nên từ đó đến nay không gọi là Vị Hoàng, mà có tên gọi là sông Đào như ngày nay. Hai bờ sông Đào bây giờ là hai con đê được nâng cấp thành hai tuyến giao thông kiên cố của tỉnh Nam Định.

Anh Tuyên này, có mạo hiểm không khi anh quyết định thay chiếc tàu cá vỏ gỗ quen thuộc của mình bằng con tàu vỏ thép?

- Nói là mạo hiểm thì hơi quá (Tuyên cười). Ở đất Hải Hậu ngoài trồng lúa còn có nghề đi biển. Thời xa xưa các cụ còn dùng mảng luồng khai thác gần bờ. Sau giải phóng (1975), thời cha chú dùng tàu gỗ cũng chỉ đi biển gần. Nay đến thời chúng tôi thì thay tàu gỗ bằng tàu vỏ thép đi biển xa là bước phát triển hợp lý chứ có gì là mạo hiểm đâu.

Nếu từ mạo hiểm chúng ta dùng để nói tới đầu tư, nghĩa là một con tàu cá vỏ thép thế này có thể bằng tiền tới vài chiếc tàu vỏ gỗ cùng kích thước?

- Vốn đầu tư ban đầu cho tàu vỏ thép hiển nhiên lớn hơn tàu gỗ. Nhưng phần chênh lệch ấy đối với chiếc tàu của chúng tôi đã được giải quyết nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ SBIC. Chúng tôi chỉ là người sử dụng tàu để khai thác. Như vậy là ổn về đầu tư.

Sau khi nhận tàu đưa vào khai thác thì rõ ràng chúng tôi có những lợi thế mà tàu gỗ không có được đó là: tàu an toàn để đi biển xa với hành trình dài ngày. Theo tính toán của tôi thì có thể một chuyến đi trên tàu vỏ thép có số ngày đi biển gấp hơn hai lần tàu gỗ. Chi phí nhiên liệu nếu tính theo tấn tải trọng lại thấp hơn, vùng biển đánh bắt được mở rộng, và khả năng trúng mẻ lớn cao hơn tàu gỗ nhiều lần.

Anh Tuyên có thâm niên đi biển bao năm rồi, lần này anh sẽ chọn hướng nào để xuất phát?

- Hai mốt (21) năm trong nghề rồi. Đội tàu của tôi có 10 anh em và sẽ chọn vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cho chuyến đi đầu. Vùng biển này gió mùa đông bắc về sẽ là vùng có cá thu. Nếu trúng cá thu thì tàu sẽ cập bến vào trước Tết Nguyên đán. Tôi sẽ gọi điện báo cho nhà báo nhé.

Cám ơn anh nhiều và mong sẽ nhận được điện thoại từ Quảng Bình của anh.

Tạm biệt “Hai lúa” trên bờ sông Đào, chúng tôi cùng vào hội trường để chứng kiến Lễ bàn giao chiếc tàu mẫu có số hiệu thiết kế TK V011 – 01. Chủ tàu Phạm Văn Tuyên đặt tên tàu của mình là Hải Âu. Ông Nguyễn Đức Hiển, Bí thư Đảng ủy xã Hải Chính, huyện Hải Hậu cho biết: Ngư dân xã ông đều ủng hộ việc dùng tàu cá vỏ thép thay cho vỏ gỗ và anh Tuyên là người may mắn được nhận chiếc tàu đầu tiên. Ông mong sau anh Tuyên, sẽ có những ngư dân của xã được sử dụng tàu cá vỏ thép bằng sự hỗ trợ của Nhà nước. Bởi ông tin rằng tàu cá vỏ thép sẽ làm thay đổi được cách khai thác của ngư dân, vì nguồn lợi thủy sản xa bờ có trữ lượng lớn và giá trị hơn nhiều, bởi thế ngư dân sẽ tăng được thu nhập, con đường làm giàu từ biển phải như vậy, không thể cứ quanh quẩn mãi ở quanh bờ với con tàu mỏng manh vỏ gỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Quế, Giám đốc Sông Đào cho hay, ngay sau khi bàn giao cho anh Tuyên chiếc tàu số 1, Sông Đào làm lễ cắt tôn để đóng ngay chiếc số 2. Bên cạnh việc đóng mới tàu cá vỏ thép cho ngư dân, SBIC còn đóng những loại tàu dịch vụ cho ngư trường. Loại tàu này có nhiều công năng như làm đá, bảo quản và sơ chế hải sản, cung cấp hậu cần cho tàu cá tại chỗ... Tàu dịch vụ sẽ cải thiện đáng kể thời gian đi biển của ngư dân ở các ngư trường, chính vì thế mà các tàu cá xa bờ có hiệu quả đánh bắt cao hơn.

Thép hóa đội tàu cá có thể ví như một cuộc cách mạng kỹ thuật cho ngư dân nước ta. Đưa khoa học kỹ thuật vào thực tiễn cuộc sống không đơn giản. Bởi thói quen con người không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Việc ngư dân Hải Hậu Phạm Văn Tuyên đi tiên phong đúng là một “Hai lúa” thời đổi mới. Sau anh Tuyên, chắc nhiều ngư  dân sẽ thay tàu vỏ gỗ của mình. Nhưng anh vẫn là người đi đầu, vẫn xứng đáng với tên gọi trìu mến “Hai lúa” Bắc Bộ với tàu cá vỏ thép.

 

Nguyễn Đức Ngọc

Go to top