Hội thảo quốc tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 về thủy động lực học trong kiến trúc tàu biển, công nghệ đại dương và các công trình biển

Trong 2 ngày 21-22/9/2016, tại số 8 Chu Văn An – Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 về thủy động lực học trong kiến trúc tàu biển, công nghệ đại dương và các công trình biển (The 8th Asia – Pacific Workshop on Marine Hydrodynamics in Naval Architecture, Ocean Technology and Constructions), do Viện Cơ học và Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Ban tổ chức APHydro 2016 tổ chức. Tham dự hội thảo có các nhà khoa học của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới như Nga, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Hà Lan.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 về thủy động lực học trong kiến trúc tàu biển, công nghệ đại dương và các công trình biển
 
Hội thảo quốc tế châu Á - Thái Bình Dương là một diễn đàn khoa học có uy tín, quy tụ nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu hàng đầu về thủy động lực trong kiến trúc tàu biển, công nghệ đại dương và công trình biển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hội thảo được tổ chức đầu tiên năm 2000 tại Osaka, Nhật Bản. Sau đó hội thảo được mở rộng ra nhiều nước khác trên thế giới. Năm 2001, Ủy ban tổ chức hội thảo quốc tế châu Á – Thái bình Dương được thành lập và Ủy ban tổ chức hội thảo quyết định bắt đầu từ năm 2002 hội thảo sẽ được tổ chức 2 năm một lần. Từ đó đến nay hội thảo đã diễn ra tại: Nhật Bản (lần thứ 1, năm 2002), Hàn Quốc (lần thứ 2, năm 2004), Trung Quốc (lần thứ 3, năm 2006), Đài Loan (lần thứ 4, năm 2008), Nhật Bản (lần thứ 5, năm 2010), Malaysia (lần thứ 6, năm 2012), Nga (lần thứ 7, năm 2014) và Việt Nam (lần thứ 8, năm 2016).  
Đoàn Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC do ông Đỗ Thành Hưng, Thành viên HĐTV Tổng công ty (thứ 4 từ trái qua) dẫn đầu (gồm 3 thành viên) tham dự và chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức , các nhà khoa học đến từ một số quốc gia tại Hội thảo.
Đại diện cho Tổng công ty SBIC trình bày tại Hội thảo
 
Mục tiêu chính của hội thảo bao gồm các vấn đề hiện tại trong các lĩnh vực: công nghệ đại dương và công trình biển, động lực học tàu thủy, phân tích các vấn đề mới và xu hướng nghiên cứu các vấn đề đó. Hội thảo cũng là nơi trao đổi văn hóa, tăng cường hợp tác, phát triển mối quan hệ cũng như trao đổi các ý tưởng giữa các chuyên gia, đại biểu tham dự. 

Các nội dung chính được trình bày và thảo luận tại hội thảo gồm:

•    Thủy động lực học trong kỹ thuật đại dương 
•    Kỹ thuật bờ biển và môi trường biển 
•    Công nghệ dưới nước 
•    Tính toán CFD trong kỹ thuật hàng hải và đại dương 
•    Công trình xây dựng gần và xa bờ 
•    Tối ưu hóa thiết kế thân tàu và chân vịt 
•    Sự ổn định trong chuyển động tàu thủy và điều khiển 
•    Công nghệ giám sát trên biển 
•    Khoa học hàng hải 
•    Dòng chảy phân tầng và sóng nội 
•    Hệ thống neo đậu và động lực học của chúng 
•    Và các vấn đề liên quan khác
Các đại biểu tham dự cùng chụp ảnh lưu niệm trước khi Hội thảo kết thúc tốt đẹp
 
Kết thúc hội thảo, các đại biểu tham dự vui mừng trước những thành tựu đã đạt được và coi đây là một hoạt động thực sự có ý nghĩa vì mang lại cơ hội chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển các ứng dụng công nghệ biển nhằm phục vụ các lợi ích kinh tế - xã hội cho các nước.
Tin: Minh Tâm (vast)
Go to top