SBIC tổ chức toạ đàm về vai trò Khoa học công nghệ trong đóng tàu nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5

Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sáng 18/5/2016, tại Công ty Đóng tàu Phà Rừng, Hải Phòng, Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ - SBIC tổ chức buổi Toạ đàm trao đổi về vai trò của khoa học công nghệ (KH&CN) trong ngành công nghiệp đóng tàu và thảo luận Đề tài khoa học: “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN, thiết kế kỹ thuật đóng tàu của Tổng công ty”.
 
 
Dự và chủ trì có ông Đỗ Thành Hưng, Thành viên Hội đồng thành viên cùng lãnh đạo, đại diện các ban chuyên môn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên khu vực phía Bắc. Buổi toạ đàm còn vinh dự với sự có mặt của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Hội khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, trường Đại học Hàng hải cùng nhiều khách mời,…
Ông Đỗ Thành Hưng, Thành viên Hội đồng thành viên SBIC khai mạc và chủ trì toạ đàm
 
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đỗ Thành Hưng cho biết: việc tổ chức buổi toạ đàm rất có ý nghĩa khi đúng vào dịp cả nước, mà đặc biệt là các nhà nghiên cứu, người làm công tác khoa học đang kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5; vừa là dịp hưởng ứng sự kiện nhưng đồng thời cũng là để các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, các chuyên gia ngành đóng tàu cùng trao đổi, thảo luận nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động KH&CN trong ngành nói chung và trong Tổng công ty nói riêng.
Ông Vũ Minh Phú, Trưởng ban Kỹ thuật sản xuất SBIC báo cáo kết quả hoạt động KH&CN của Tổng công ty giai đoạn 2011 - 2016
 
Báo cáo về kết quả hoạt động KH&CN của Tổng công ty giai đoạn 2011 – 2016 cho thấy chính sách phát triển KH&CN luôn được Đảng uỷ, Hội đồng thành viên, Ban lãnh đạo điều hành của SBIC hết sức quan tâm và xác định: Khoa học và Công nghệ với then chốt là khoa học quản trị, thiết kế và đào tạo, nhằm đảm bảo năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, tạo lập nền tảng vững chắc cho tương lai phát triển của SBIC. Điều đó thể hiện rõ trong các nghị quyết, quyết định mà tiêu biểu nhất là Nghị quyết chuyên đề số 79-NQ/ĐU ngày 24/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ, về “Lãnh đạo đổi mới mạnh mẽ hoạt động khoa học - công nghệ, đào tạo và phát triển nhân lực của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy giai đoạn 2014-2020, định hướng đến năm 2030”, Hội đồng thành viên cũng đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CNT, ngày 27/2/2015 phê duyệt “Mục tiêu phát triển Khoa học – Công nghệ và Đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030”....
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế và dựng mô phỏng các mô đun trên phần mềm thiết kế trong đóng tàu
 
Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, hoạt động KH&CN của Tổng công ty đạt được các kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, đảm bảo sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển, góp phần không nhỏ trong quá trình tái cơ cấu Tổng công ty. Giai đoạn từ năm 2011 – 2016 đã có 15 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, bao gồm 02 nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, 07 nhiệm vụ cấp Bộ và 06 nhiệm vụ cấp Tổng công ty đã được thực hiện và áp dụng vào sản xuất. Công tác tổ chức, cán bộ cũng như hệ thống quy chế quản lý nội bộ được ban hành và kiện toàn. Đặc biệt là hệ thống quản trị doanh nghiệp đã được đổi mới và ngày càng hoàn thiện cùng với việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến đã mang lại hiệu quả trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này thể hiện rõ qua việc một số dự án đóng mới hoặc dở dang được khởi động, Tổng công ty và nhiều đơn vị thành viên ký được các hợp đồng đóng tàu xuất khẩu có hàm lượng khoa học kỹ thuật và giá trị cao: như tàu roro, tàu dịch vụ dầu khí, tàu chở dầu/hoá chất,...
Tàu dịch vụ dầu khí PSV 3300 do công ty Đóng tàu Hạ Long đóng mới cho Damen - Hà Lan vừa được hạ thuỷ trong tháng 5/2016 cũng là kết tinh cho trí tuệ của người thợ đóng tàu Việt Nam làm chủ được công nghệ đóng tàu hiện đại
 
Trong năm 2015, Tổng công ty đã triển khai thi công 254 sản phẩm, bàn giao được 178 sản phẩm,... Cùng với đó là công tác nghiên cứu khoa học, phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, quản lý chất lượng, tiến độ được đẩy mạnh; đặc biệt là Tổng công ty đã tổ chức Hội thi thợ giỏi 2 miền Nam Bắc trong năm 2014 và 2015 để tìm ra được các nhân tố mới, điển hình và khơi gợi niềm đam mê, tìm tòi nghiên cứu trong lao động sản xuất của đội ngũ các chuyên viên, kỹ sư và công nhân đóng tàu trong SBIC...
 Sản xuất luôn đảm bảo sắp xếp khoa học, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng là một trong những tiêu chuẩn của nhà máy đóng tàu hiện đại
 
Định hướng KH&CN của Tổng công ty trong thời gian tới chính là chú trọng trong công tác quản lý điều hành, quản trị hiệu quả sản xuất kinh doanh tạo tiền đề cho phát triển công tác thiết kế tàu thuỷ phục vụ cho sự phát triển lâu dài và bền vững của ngành công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam; Tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển KH&CN và đào tạo phát triển nguồn nhân lực thông qua chương trình hành động giai đoạn 2015 – 2020; Xây dựng và hoàn thiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các hệ thống quản lý chất lượng,...
Ông Trần Quốc Chiến, Phó tổng giám đốc Đóng tàu Phà Rừng trình bày tham luận tại toạ đàm
 
Đã có các báo cáo, đóng góp thảo luận đến từ các đơn vị trong Tổng công ty, đặc biệt là đại diện đến từ các công ty có hệ thống quản lý chất lượng, tiến độ đóng tàu tiên tiến, hiện đại và đã được áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất như ở Phà Rừng, Sông Cấm, Hạ Long, Liên doanh Damen Sông Cấm,... cho thấy vai trò tiên quyết của việc áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ mới, như việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm chuyên ngành vào trong quản trị điều hành đóng tàu như thiết kế, thi công, lập kế hoạc sản xuất, quản lý lao động, vật tư máy móc, thiết bị,... đã giúp giảm chi phí, vật tư, giờ công lao động dư thừa mà lại rút ngắn được tiến độ, đảm bảo chất lượng cho từng sản phẩm.
Ông Trần Xuân Dục, Giám đốc Trung tâm tư vấn và thiết kế tàu thuỷ trình bày đề tài
 
Tại đây các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà quản lý đã được nghe ông Trần Xuân Dục, Giám đốc Trung tâm tư vấn và thiết kế tàu thuỷ, Chủ nhiệm đề tài báo cáo tóm tắt về kết quả thực hiện đề tài ”Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN, thiết kế và kỹ thuật đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ”...
Tiến sĩ Ngô Cân, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật tàu thuỷ, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Hội khoa học kỹ thuật CNTT Việt nam tham gia góp ý tại buổi toạ đàm
Ông Hoàng Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam tham gia góp ý tại buổi toạ đàm
 
Tại buổi toạ đàm đã có nhiều ý kiến tham gia thảo luận, phản biện cũng như góp ý của các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, hiệp hội, trường đào tạo chuyên ngành đóng tàu. Tiến sĩ Ngô Cân, nguyên Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật tàu thuỷ, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Hội khoa học kỹ thuật Công nghiệp tàu thuỷ Việt nam đánh giá buổi toạ đàm rất ý nghĩa với đội ngũ các nhà nghiên cứu về đóng tàu. Khoa học công nghệ từ xưa đến nay vấn là then chốt trong ngành công nghiệp tàu thuỷ. Tuy nhiên để hoạt động này hiệu quả thì phải gắn công tác nghiên cứu khoa học với tính ứng dụng, tính thực tế có như vậy mới mang lại nguồn kinh phí để quay trở lại phục vụ công tác nghiên cứu khoa học để tìm tòi các kỹ thuật và công nghệ mới. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học kỹ thuật và công nghiệp tàu huỷ Việt Nam, ông Hoàng Hùng cũng đồng quan điểm và cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong đóng tàu rất cần được chú trọng đầu tư và phải có sự phối kết hợp, trao đổi, chia sẻ dữ liệu trong ngành cũng như của nhiều ngành khoa học khác nhau, các tổ chức hiệp hội có như vậy mới tạo ra tính gắn kết trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai. Bởi vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về khoa học và công nghệ đóng tàu là rất quan trọng và cần thiết...
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Khải – Trưởng khoa Vỏ tàu thuỷ Đại học Hàng hải cũng đánh giá cao buổi toạ đàm và bày tỏ mong muốn gắn kết cũng như đồng hành hơn nữa với Tổng công ty trong công tác đào tạo nhân lực cho đóng tàu
 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Khải – Trưởng khoa Vỏ tàu thuỷ Đại học Hàng hải cũng đánh giá cao buổi toạ đàm và bày tỏ mong muốn gắn kết cũng như đồng hành hơn nữa với Tổng công ty và các đơn vị đóng tàu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành. Đồng thời cho rằng, chính những tiến bộ của khoa học công nghệ được áp dụng hiệu quả tại các cơ sở, nhà máy đóng tàu thuộc SBIC, đặc biệt là các kỹ thuật hiện đại, ứng dụng các công nghệ và thiết bị mới chính là nguồn tư liệu bài giảng thực tế, sinh động và cần thiết nhất cho các cơ sở đào tạo như trường Đại học Hàng Hải...

Bế mạc toạ đàm, ông Đỗ Thành Hưng đánh giá toàn bộ nội dung chương trình toạ đàm đã hoàn thành và đạt chất lượng. Rất cảm ơn và xin ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cho hoạt động KH&CN của Tổng công ty.

 
Chụp ảnh lưu niệm sau khi kết thúc toạ đàm
 
 

 

PV SBIC

Go to top