Tàu đổ bộ

Chúng ta thường nghe nói trong các hạm đội hải quân có một loại tàu được gọi là tàu đổ bộ. Đây là một loại tàu chiến có kết cấu đặc biệt như có mớn nước nông và được trang bị các phương tiện đổ bộ, dùng để vận chuyển quân đổ bộ và các phương tiện chiến đấu như xe tăng, xe bọc thép, vũ khí, đạn dược...lên bờ. Tàu đổ bộ cũng được trang bị các phương tiện chiến đấu như tên lửa, pháo, rađa, thiết bị định vị thuỷ âm...để chi viện cho việc đổ bộ đánh chiếm bờ biển hoặc đảo và tự vệ.
 
Các tàu đổ bộ thường thiết kế với hai cánh cửa ở mũi tàu để mở ra cho phép các phương tiện cơ giới cũng như binh lính di chuyển ra vào "bụng tàu". Chính vì đặc điểm thiết kế này mà các loại tàu đổ bộ thường được gọi là “tàu há mồm”.

Lực lượng đổ bộ trên biển hiện nay là một phần quan trọng trong biên chế của lực lượng Hải quân các nước vì lực lượng này có thể nhanh chóng triển khai các hoạt động tác chiến ở bất cứ khu vực nào. Đây là lực lượng lý tưởng để tiến hành các hoạt động tác chiến trong các cuộc chiến tranh hiện đại.

Sự nguy hiểm khó lường của tác chiến đổ bộ hiện đại

Nghệ thuật tác chiến đổ bộ đánh chiếm, đột kích, hiện đại sử dụng 3 lực lượng: tàu đổ bộ lưỡng thê, tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn và máy bay trực thăng tiến hành đổ bộ thẳng đứng mà giới quân sự coi là phương thức tác chiến 3 chiều (lập thể) đã tạo nên một thế “chân kiềng” vững chắc. Bộ 3 lực lượng này đã đáp ứng các tiêu chí rất cơ bản trong tác chiến đổ bộ, đó là: tập trung, mạnh và nhanh.

Tập trung, vì cả 3 lực lượng trên đều có thể cập bờ để triển khai tác chiến cùng một lúc. Mạnh là vì hỏa lực của 3 lực lượng này đủ mạnh để đè bẹp mục tiêu từ cấp chiến dịch trở xuống mà không cần sự hỗ trợ của các lực lượng khác. Nhanh là vì khả năng cơ động của chúng rất cao. Nếu đối phương có một sức mạnh vừa phải, một sự cảnh giác tối thiểu thì sẽ không có cơ hội trở tay.

Có thể nói, bằng sự xuất hiện tàu đổ bộ cỡ lớn (LPD) và tàu đệm khí cỡ lớn (LCAC)… đã làm cho lực lượng đổ bộ của các cường quốc biển trở thành một lực lượng có tính răn đe cao, uy hiếp mạnh, vào nạn nhân là những quốc gia nhỏ bé.

Tàu đổ bộ lớp Polnocny

Tàu đổ bộ lớp Polnocny (hay Polnochny) là kí hiệu của NATO cho loại tàu đổ bộ do Ba Lan thiết kế và bắt đầu sản xuất từ năm 1967. Polnocny là loại tàu đổ bộ cỡ trung bình của Hải quân Ba Lan và Hải quân Nga. Trọng tải tối đa từ 800 tấn đến không quá 1500 tấn. Cửa tàu có 2 cánh, dạng hình cung, cho phép đổ bộ dễ dàng lên bãi biển. Phiên bản Polnocny-C có thể mang 8 xe bọc thép chở quân hoặc 250 tấn hàng hóa và khoảng 2 đại đội Hải quân đánh bộ. Phiên bản Polnocny-B cũng có thể mang đến 2 xe chiến đấu bộ binh BMP-1 hoặc 5 xe bọc thép chở quân BTR-60, BTR-80 cùng 3 đại đội hải quân đánh bộ trang bị vũ khí đầy đủ.

Tàu trang bị 2 pháo cao tốc 2 nòng AK-230 30mm nhằm phòng không hoặc chống các mục tiêu bọc thép yếu trên biển hoặc trên bờ, cũng có thể hỗ trợ hỏa lực nhưng ít khi cần. Tàu có một hệ thống gồm 4 tên lửa phòng không tầm thấp dẫn đường bằng IR (hồng ngoại) SA-N-5 và cũng có thể hỗ trợ hỏa lực tầm gần cho lực lượng đổ bộ bằng dàn pháo phản lực bắn loạt WM-18 cỡ nòng 122,4mm cùng 180 quả đạn. 

Tàu đổ độ mang trực thăng lớp Wasp

Tàu đổ độ mang trực thăng lớp Wasp đang biên chế trong lực lượng Hải quân Mỹ là những tàu đổ bộ lớn nhất thế giới và cũng là những tàu đổ bộ được thiết kế đặc biệt nhất để sử dụng cả tàu đổ bộ đệm khí và máy bay tiêm-cường kích AV-88 Harrier-2.

Ưu điểm của tàu đổ độ mang trực thăng là khả năng đổ bộ nhanh xuống khu vực cần đánh chiếm. Nhưng do máy bay trực thăng không thể chở vũ khí và phương tiện tác chiến đi cùng phân đội đổ bộ. Vì vậy, các loại vũ khí, phương tiện và cả phân đội đổ bộ được đưa vào bờ bằng tàu đổ bộ cao tốc đệm khí loại LCAC hiện đang được trang bị cho các tàu đổ bộ hiện đại của Hải quân các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan và một số quốc gia khác.

Tàu đổ bộ lớp Wasp có hầm chứa chuyên dụng với chiều dài 81m và rộng 15,2 m, đủ sức chứa 40 xe vận tải bọc thép, 3 tàu đổ bộ đệm khí loại LCAC hoặc 12 tàu đổ bộ thông thường loại LCU. Mỗi chiếc ca nô đa năng tải trọng 375 tấn mang vỏ thép có thể chở được 2 chiếc xe tăng hoặc 350 người.

Bên cạnh đó, trên tàu đổ bộ lớp Wasp còn có thể triển khai trên boong tàu 20 xe vận tải bọc thép, 17 chiếc ca nô đổ bộ tải trọng 64 tấn loại LCM-6 để chở phương tiện tác chiến quân sự. Mỗi chiếc ca nô loại này có thể chở được 80 lính thủy đánh bộ với đầy đủ vũ khí trang bị. Ngoài ra, trên boong tàu đổ bộ lớp Wasp còn bố trí 9 vị trí đỗ dành cho 42 máy bay trực thăng các biến thể khác nhau, trong đó có trực thăng yểm trợ hỏa lực AH-1 Sea Cobra, trực thăng vận tải MH-47 Chinook hoặc MV-22B Osprey.

Khi đảm nhiệm vai trò của một chiếc tàu sân bay đa năng thì tàu đổ bộ lớp Wasp có thể sẽ được bố trí triển khai thêm 20 máy bay tiêm-cường kích AV-8B Harrier-2 và 6 chiếc trực thăng săn ngầm hiện đại.

Tàu tấn công đổ bộ mới nhất có sức mạnh ngang tàu sân bay

Vừa qua, tại nhà máy đóng tàu Pascagoula, bang Mississippi, Hải quân Mỹ đã đặt tên cho chiếc tàu tấn công đổ bộ mới nhất mà họ đặt mua là USS America (LHA-6). Đặc điểm của tàu này là có boong tàu rất rộng dành cho máy bay nên bị người ta đặt cho biệt hiệu là “tàu sân bay nhỏ” hay “nửa/bán tàu sân bay”.

Tàu tấn công đổ bộ USS America dài 281m, rộng 35m, lượng giãn nước đầy là 50.000 tấn. Hệ động lực chính của tàu sử dụng tua-bin khí tiện lợi và tiết kiệm công suất. Tàu có khả năng hết sức cơ động, tuy lớn tới vài chục ngàn tấn, nhưng nó có thể khởi động nhanh chóng, chỉ trong vài phút đã tăng tốc lên đến vài chục dặm Anh, giống như mở một chiếc xe ô tô tải, chạy tương đối ổn định và không có dấu vết gợn nước.

Khả năng tấn công của chiếc tàu mới này chủ yếu thể hiện ở những chiếc máy bay chiến đấu được trang bị đồng bộ với nó. Căn cứ vào yêu cầu thiết kế, tàu tấn công đổ bộ USS America có thể mang theo không dưới 38 máy bay các kiểu, máy bay chiến đấu cất/hạ cánh thẳng đứng F-35B và máy bay cánh xoay MV-22 Osprey được hoan nghênh nhất. Nói cách khác, tàu USS America chính là căn cứ di động được thiết kế riêng cho hai loại máy bay trên.

Tàu đổ bộ đệm khí Murena-E tác chiến linh hoạt

Tàu đổ bộ hiện đại Murena-E là loại tàu đổ bộ đệm khí đa năng, được phát triển bởi Công ty Cổ phần Cục Thiết kế tàu biển Trung ương Almaz tại Leningrad. Tàu Murena –E nhỏ, nhẹ, khả năng cơ động nhanh nhờ cấu trúc thân tàu làm từ hợp kim tiên tiến, có thể chở được hai xe chiến đấu hoặc 130 binh sỹ. Tàu được trang bị bệ súng máy AK-306 sáu nòng 30mm và hai súng phóng lựu tự động BP-30. Tàu đổ bộ đệm khí Murena-E được thiết kể để vận chuyển các đơn vị chiến đấu cũng như các trang bị vũ khí từ tàu chính hoặc từ khu vực đổ bộ, thực thi nhiệm vụ tuần tiễu, bảo vệ khu vực mặt nước ven bờ, bảo vệ các cảng biển và các căn cứ hải quân

Tàu có chiều dài cả đệm khí là 31,3, chiều rộng là 14,8m, cao 15,2m, được trang bị 2 động cơ tuabin khí MT-70M, công suất 20.000 mã lực đạt tốc độ tối đa lên tới 100km/h.

Đánh giá về dự án đổ bộ đệm khí 12061E Murena-E, các chuyên gia quân sự chỉ ra rằng Murena-E có khả năng linh hoạt trong quá trình đổ bộ, cho phép tàu tiếp cận nhanh mục tiêu và phù hợp cho việc duy trì, kiểm soát cũng như bảo vệ khu vực ven biển. Do đó, dự án 12061E Murena-E thực sự thích hợp với các quốc gia sở hữu ít tàu hải quân, hoặc ngân sách quốc phòng không lớn.

M. Quang

 

 

Go to top