Công đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam quan tâm công tác BHLĐ và mạng lưới ATVSV

Bảo hộ lao động (BHLĐ) là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/10/2006. Chương trình này đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và các quy định của Bộ Luật lao động. Sự ra đời của chương trình quốc gia là cần thiết và cấp bách trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đảng ủy Tổng Công ty, hàng năm, Công đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đã phối hợp với Chuyên môn chỉ đạo và thực hiện tốt công tác BHLĐ và chăm lo mạng lưới an toàn vệ sinh viên các đơn vị. Năm 2013, đã phối hợp tổ chức Lễ phát động hưởng ứng tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) lần thứ 15 với chủ đề “Tăng cường văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”. Tại đây, đại diện các đơn vị của Tập đoàn (nay là Tổng Công ty) đã ký cam kết thi đua đảm bảo an toàn lao động trong năm 2013 và thực hiện tốt chủ đề trên. Năm 2013 cũng là năm Tổng Công ty tiếp tục thực hiện quá trình tái cơ cấu theo Quyết định của Đảng và Chính phủ, trong điều kiện hết sức khó khăn, song công tác ATVSLĐ - PCCN vẫn được các đơn vị trong toàn Tập đoàn quan tâm, đặc biệt tại các đơn vị có việc làm, các công đoàn cơ sở đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động cho Tuần lễ Quốc gia và bổ sung tài liệu tuyên truyền về ATVSLĐ - PCCN; đã tổ chức tập huấn và huấn luyện ATLĐ cho 5.218 lượt người, 7.544 lượt lao động được khám sức khỏe định kỳ, phát hiện 194 người bị mắc bệnh nghề nghiệp; 34 đơn vị tự tổ chức kiểm tra, thanh tra lao động, 42 đơn vị đã thành lập Hội đồng BHLĐ, 39 đơn vị có mạng lưới an toàn vệ sinh viên  (ATVSV) với 1.321 người tham gia; những đơn vị chưa thành lập phòng ATLĐ đều đã bố trí cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách phụ trách công tác Bảo hộ lao động. Tiếp tục hoàn chỉnh tài liệu tập huấn nghiệp vụ Công tác Bảo hộ lao động gửi cho các đơn vị, đặc biệt là 216 đồng chí cán bộ công đoàn làm công tác BHLĐ và tham gia mạng lưới An toàn vệ sinh viên ở các đơn vị, được bổ sung thêm kiến thức cơ bản và có thêm tài liệu để tuyên truyền; duy trì công tác kiểm tra và tự kiểm tra Bảo hộ lao động ở cơ sở; những kỹ năng, nghiệp vụ về an toàn vệ sinh lao động, phương pháp phòng ngừa tai nạn và sự cố xảy ra trong sản xuất; các văn bản pháp quy liên quan đến việc thực hiện chính sách và các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, các biện pháp khắc phục nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với công nhân viên chức lao động (CNVC-LĐ) tiếp tục được nhắc nhở và triển khai, có tác dụng đáng kể đến việc giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường làm việc cho người lao động. Điển hình như: Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin, ngay từ ngày đầu mới hoạt động Công ty đã thành lập Phòng quản lý An toàn và Sức khỏe với 5 cán bộ, 6 kỹ sư và 30 công nhân chuyên trách công tác an toàn, đội ngũ mạng lưới ATVSV gồm 257 người; đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 2.793 lao động, khám bệnh nghề nghiệp cho 2.425 người; cấp phát thuốc cho 12.097 lượt người. Công đoàn Công ty Đóng tàu Hạ Long, đã phối hợp với chuyên môn đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; xây dựng môi trường Xanh - Sạch - Đẹp tại nơi làm việc; phối hợp phát động các phong trào thi đua dọn dẹp gọn gàng và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại vị trí làm việc, nhà xưởng, kho tàng và bến bãi. Công ty cổ phần Sứ  kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, công ty vẫn duy trì được công tác bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản. Công ty đã đầu tư mua sắm thêm các phương tiện bảo vệ cá nhân gồm quần áo bảo hộ, mũ và tạp dề, kính hàn…, tổng số tiền trên 335 triệu đồng. Hàng năm, Công đoàn công ty đã thay mặt người lao động ký thoả ước lao động tập thể với người sử dụng lao động, trong đó có các nội dung cụ thể về Bảo hộ lao động.

Tại Nam Triệu, Công đoàn Công ty với phương châm “An toàn để sản xuất - sản xuất phải an toàn” đã quan tâm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, giáo dục người lao động chấp hành các quy định về BHLĐ, đã tập huấn nghiệp vụ cho 214 đồng chí là ATVSV và chủ tịch các công đoàn tham gia công tác ATVSLĐ; tập huấn nghiệp vụ PCCC cho 55 cán bộ mạng lưới An toàn lao động và tổ chức huấn luyện công tác PCCC cho 1.568 người; đã biểu dương khen thưởng 07 tập thể và 06 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác Bảo hộ lao động…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, vẫn còn một số tồn tại đó là: Ở một số đơn vị cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động nhận thức về công tác ATVSLĐ còn hạn chế. Công tác thông tin tuyên truyền, huấn luyện, phổ biến kiến thức về BHLĐ và công tác phối hợp kiểm tra, giám sát  ATVSLĐ ở một số đơn vị còn chưa được quan tâm thường xuyên. Một số đơn vị chưa kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm ATVSLĐ. Đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở cơ sở thường xuyên bị thay đổi, một số đơn vị chưa thực sự quan tâm và chăm lo củng cố mạng lưới; hầu hết cán bộ làm công tác ATVSLĐ đều kiêm nhiệm, nghiệp vụ chuyên môn chưa sâu. Một số đơn vị công tác ATVSLĐ chưa thật sự trở thành phong trào sâu rộng, một bộ phận người lao động chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác này nên chưa thấy hết trách nhiệm, quyền lợi của mình để tự thực hiện và bảo vệ, là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.

Năm 2014, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN lần thứ 16 với chủ đề: “Suy nghĩ và hành động vì mục tiêu không tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc”, trong đó tập trung từ ngày 16-3 đến ngày 22-3 năm nay. Ban thường vụ Công đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tiếp tục phối hợp cùng chuyên môn chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ cho cán bộ, đoàn viên, CNVC-LĐ. Tham gia xây dựng và hướng dẫn thực hiện luật pháp, tăng cường công tác kiểm tra giám sát các chế độ chính sách về ATVSLĐ. Nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động trong các đơn vị để thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở các đơn vị. Thông qua các hoạt động trên từng bước giúp các công đoàn cơ sở nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật lao động tại các đơn vị, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng hoạt động công tác công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong các Doanh nghiệp.

 

Nguyễn Trọng Quyết

CÔNG ĐOÀN CNTT VIỆT NAM

Go to top