Lịch sử tàu cánh ngầm và tàu cánh ngầm ở Việt Nam

   Tnăm 1899, nhà thiết kế tàu người Anh John I Thornycroft đã thiết kế ra một loạt mô hình tàu đặc biệt với một thân nghiêng và một cánh hình cung duy nhất. Năm 1909 công ty của ông chế tạo một con tàu thật theo đúng tỷ lệ dài 22m tên là Miranda III, sử dụng động cơ 60 hp. Tàu nằm trên một cánh ngầm hình cung và phần đuôi phẳng. Chiếc Miranda IV chế tạo sau đó đã đạt tốc độ 35 kn.

Một bài báo vào tháng 3 năm 1906 trên tờ Scientific American của người tiên phong trong lĩnh vực tàu cánh ngầm là William E. Meacham, người Mỹ, đã giải thích các nguyên lý của tàu cánh ngầm. Sau khi đọc bài báo này Alexander Graham Bell bắt đầu phác thảo ra các ý tưởng của cái ngày nay vẫn gọi là tàu cánh ngầm. Cùng với Casey Baldwin, hai ông bắt đầu tiến hành thực nghiệm tàu cánh ngầm vào mùa hè năm 1908. Hai người đã nghiên cứu công việc của nhà phát minh người Italia Enrico Forlanini và bắt đầu thử nghiệm các mô hình. Trong chuyến đi vòng quanh thế giới của Bell từ năm 1910-1911, Bell cùng Baldwin gặp Forlanini ở Italia. Họ đã cùng đi trên chiếc tàu cánh ngầm của Forlanini trên hồ Maggiore. Baldwin đã miêu tả đó là một chuyến đi êm ả như bay. Khi quay trở lại Baddeck một số thiết kế đã được thử nghiệm và dẫn tới chiếc tàu cánh ngầm HD-4 ra đời. Tàu sử dụng động cơ Renault, tốc độ tối đa đạt  87 km/h, tăng tốc nhanh chóng, lướt dễ dàng qua sóng, dễ điều khiển và có độ ổn định tốt.
Năm 1952, Công ty Supramar của Baron von Schertel đã đưa ra chiếc tàu cánh ngầm thương mại đầu tiên mang tên PT10 "Freccia d'Oro" (Mũi tên Vàng). Trên hồ Maggiore, giữa Thuỵ Sĩ và Italia, chiếc PT10 có thể chở 32 hành khách và di chuyển với tốc độ 35kn/h. Năm 1968, Hussain Najadi, một ông chủ ngân hàng đã mua lại Supramar AG và mở rộng hoạt động của nó tới Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Anh Quốc, Na Uy và Mỹ. General Dynamics của Mỹ là công ty được Supramar cấp giấy phép. Hãng đóng tàu Hitachi tại Osaka, Nhật Bản, là một đối tác được cấp phép khác của Supramar để phát triển tàu cánh ngầm trên khắp thế giới.

Từ năm 1952 đến năm 1971, Supramar đã thiết kế nhiều mẫu tàu cánh ngầm: PT20, PT50, PT75, PT100 và PT150. Hơn 200 thiết kế của Supramar đã được chế tạo.

Còn ở Việt Nam tàu cao tốc cánh ngầm hoạt động chính thức từ năm 1995; trước đây là một bộ phận thuộc Công ty PROSHIPSER nay phát triển thành Công ty cổ phần Tàu cao tốc VINA. Đến thời điểm hiện nay tàu cao tốc cánh ngầm ở nước ta đang hoạt động trên các tuyến: TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh - Châu Đốc, Hòn Chông (huyện Kiến Lương) - Phú Quốc, Hội An - Cù Lao Chàm, Châu Đốc - Phnôm Pênh

Công ty tàu cao tốc cánh ngầm Dòng Sông Xanh (Greenlines) với đội tàu gồm 10 chiếc cao tốc cánh ngầm có khả năng hoạt động trên sông, ven biển và biển xa với tốc độ hoạt động trung bình từ 33 - 37 hải lý/giờ, GREENLINES hiện là hãng tàu khách trẻ nhất, mạnh mẽ nhất và thân thiện nhất, hoạt động trên nhiều tuyến cố định cũng như cung cấp dịch vụ đến nhiều địa danh như TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Cần Thơ, Phú Quốc...

Tàu cao tốc cánh ngầm ở Việt Nam phần lớn do Liên Bang Nga sản xuất, đạt tốc độ trung bình 32 hải lý/giờ, có sức chở 134 hành khách và chạy được trong điều kiện sóng gió cấp 5, cấp 6.

Sáng 12-9-2013, tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (Greenlines DP) đã giới thiệu tàu cao tốc GreenCat được đóng tại Việt Nam. Theo ông Trần Song Hải, Tổng Giám đốc Greenlines DP, tàu 2 thân cao tốc loại Catamaran chỉ có giá thành bằng 1/3 so với giá đóng ở nước ngoài. Vật liệu đóng tàu là sợi Kevlar dùng trong việc sản xuất áo chống đạn, vỏ tàu làm bằng composite epoxide nên khi gặp bất cứ sự cố nào, tàu vẫn nổi. Tàu có thể chở được 60 người; đặc biệt với loại lớn hơn cùng dòng tàu này có thể chở được 120 người. Tàu đạt tốc độ 45 hải lý/giờ. Với sự ra đời dòng tàu cao tốc này, công ty Công nghệ Xanh (GreenLines DP) hy vọng sẽ thay thế các tàu cao tốc hiện có đã quá niên hạn sử dụng tại Việt Nam.

 

Ng.Th (tổng hợp)

 

Go to top