Khái quát về quản lý Nhà nước đối với ngành Công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Ngành Công nghiệp tàu thủy (CNTT) là khái niệm dùng để chỉ tập hợp các đơn vị, tổ chức sản xuất kinh doanh có cùng cơ cấu kinh tế - kỹ thuật hoặc là các tổ chức, đơn vị đóng tàu với cùng mục đích tương tự nhau. Ngành CNTT bao gồm các lĩnh vực như đóng tàu, sửa chữa tàu thủy, sản xuất vật tư, trang thiết bị chuyên ngành nhằm nâng cao khả năng sản xuất, cung ứng phương tiện thủy cho mục đích kinh tế và quốc phòng an ninh.

Đặc điểm và vai trò của ngành công nghiệp tàu thủy

Công nghiệp tàu thủy (CNTT) là ngành công nghiệp cơ khí tạo năng lực trang bị phương tiện kỹ thuật chủ yếu để thực hiện khai thác, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền vùng biển và hải đảo; Là ngành ứng dụng nhiều thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới. Do vậy phát triển ngành CNTT sẽ có tác động kéo theo sự phát triển công nghệ các ngành khác, cũng như kinh tế - xã hội địa phương, nơi có những nhà máy hoặc trung tâm CNTT.

Ngành Công nghiệp tàu thủy (CNTT) đòi hỏi vốn đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn, vòng quay vốn chậm, bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới theo chu kỳ. Đóng tàu thế giới đang thực hiện xu hướng chuyển dịch sang khu vực châu Á – Thái Bình dương và được xác định là ngành công nghiệp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá (CNH - HĐH) đất nước. Đây là ngành đòi hỏi lực lượng lao động lớn, có chuyên môn và kinh nghiệm, có khả năng hội nhập vào thị trường quốc tế.

Ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam góp phần quan trọng thúc đẩy giao thông vận tải phát triển là cơ sở để vươn xa ra biển, phát triển kinh tế hàng hải trở thành mũi nhọn hàng đầu trong các ngành kinh tế biển; đồng thời góp phần đắc lực vào việc củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia; góp phần định hướng hoạt động đầu tư trong nền kinh tế phù hợp với Chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành những ngành mới, tăng cường chuyên môn hóa và phân công lao động xã hội theo hướng CNH – HĐH đất nước. Đây là một trong những định hướng phát triển kinh tế vùng duyên hải, góp phần vào việc chuyển dịch kinh tế, cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường trên địa bàn như xóa đói, giảm nghèo; phát triển vùng ven biển, ven sông khi phối kết hợp phát triển ngành CNTT với các ngành kinh tế biển khác như: du lịch biển, ngư nghiệp, khai thác khoáng sản, tiềm năng từ biển... Bởi lẽ, các vùng đầu tư xây dựng các cơ sở CNTT thường là vùng duyên hải và hải đảo.

Quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp tàu thủy  Việt Nam

Quản lý nhà nước đối với ngành CNTT là sự tác động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào hoạt động của các đơn vị, các tổ chức kinh tế trong ngành CNTT nhằm đảm bảo cho các hoạt động này được thực hiện theo quy định của pháp luật. Từ nhận thức trên, quản lý nhà nước đối với ngành CNTT có thể được thực hiện trong phạm vi địa phương hoặc trong phạm vi cả nước.

Quản lý theo lãnh thổ là quản lý theo đơn vị hành chính. Theo quy định hiện nay, ở nước ta chính quyền nhà nước gồm 4 cấp: Cấp Trung ương (cấp nhà nước); Cấp tỉnh (bao gồm: Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); Cấp huyện (Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh); Cấp xã (Xã, phường, thị trấn)

Quản lý theo lãnh thổ được thực hiện trong phạm vi địa giới hành chính và được thực hiện đối với mọi ngành và lĩnh vực. Kết hợp quản lý theo ngành và lãnh thổ nghĩa là vừa quản lý theo chiều ngang vừa quản lý theo chiều dọc. Quản lý theo ngành kết hợp với quản lý nhà nước theo lĩnh vực nhằm đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước trở lên thống nhất đồng bộ, có sự phối hợp với nhau và có hiệu quả

Quản lý nhà nước đối với ngành CNTT do các cơ quan nhà nước hoặc các cá nhân được nhà nước trao quyền tiến hành theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể hoặc dưới hình thức đa ngành, đa lĩnh vực.

Bộ Giao thông vận tải là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Cục Hàng hải Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về hàng hải trong phạm vi cả nước. Cục hàng hải Việt Nam có trách nhiệm chuẩn bị và thực hiện các chính sách đóng tàu của Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra, Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát thực thi pháp luật, hỗ trợ chủ tàu và nhà máy đóng tàu về an toàn và an ninh.

Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn và chất lượng của các phương tiện và thiết bị giao thông vận tải, có nhiệm vụ tổ chức và thực hiện giám sát kỹ thuật, chứng nhận chất lượng và an toàn cho các phương tiện và thiết bị giao thông vận tải đường thuỷ, đường bộ, đường sắt và công trình biển, các sản phẩm công nghiệp phục vụ cho các ngành nói trên. Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan duy nhất được Chính phủ Việt Nam giao cho chức năng tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam.

Bộ Công thương chịu trách nhiệm về phát triển công nghiệp, bao gồm cả ngành CNTT. Chính sách của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng thị phần nội địa hóa trong lĩnh vực đóng tàu tới 60% (so với 30% hiện nay), yêu cầu phát triển đầu tư ngành CNTT.

Vai trò của quản lý nhà nước đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Một là, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành đóng tàu, trên cơ sở có sự tách biệt tương đối giữa quyền sở hữu và quyền quản lý kinh doanh. Coi kế hoạch hóa là công cụ quan trọng để nhà nước quản lý ngành CNTT. Công tác kế hoạch hóa cần đổi mới tính chất, nội dung, phương pháp lập kế hoạch để kế hoạch trở thành công cụ hữu hiệu chống lại sự mất ổn định và bảo đảm định hướng phát triển dài hạn của ngành CNTT.

Hai là, Nhà nước quản lý ngành CNTT bằng pháp luật trên cơ sở xây dựng và từng bước hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật. Từng bước tạo lập môi trường và điều kiện pháp lý tương đối ổn định, tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau vừa hợp tác, vừa cạnh tranh để phát triển ngành CNTT Việt Nam.

Ba là, coi trọng đúng mức chức năng “làm kinh tế” của nhà nước. Mặc dù gần đây Nhà nước đã giảm mạnh sự can thiệp của mình vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhưng thực tế ngành CNTT Việt Nam vẫn cần có sự hiện diện của Nhà nước để phát huy mọi nguồn lực phát triển bằng những giải pháp thích hợp về kinh tế và xã hội, thực hiện tốt việc họach định các chính sách kinh tế, trong đó xác định rõ thứ tự các hướng ưu tiên để hỗ trợ có hiệu quả về tài chính và nguồn lực cho ngành CNTT.

Bốn là, kết hợp mục tiêu phát triển kinh tế và giải quyết hài hòa các mục tiêu xã hội (phát triển kinh tế xã hội, việc làm, đảm bảo môi trường...) đối với phát triển ngành CNTT. Đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần tích cực vào sự phát triển chung về kinh tế, xã hội của cả nước.

(Xem tiếp kỳ sau)

Vũ Minh Phú

 

Go to top