Công nghiệp đóng tàu phát triển đã làm biến động vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương

Bước sang thế kỷ XXI, vùng biển Châu Á – Thái Bình Dương ngày càng nóng lên. Trong những nguyên nhân của sự nóng lên ấy, các chuyên gia quân sự cho rằng có nguyên nhân từ công nghiệp đóng tàu biển đã phát triển đến mức kéo được sự tranh chấp có tính truyền thống trên bộ ra biển ở tầm vóc toàn cầu.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương có mức độ "nóng" cao nhất, bởi các quốc gia liên tục vươn ra biển để bảo vệ chủ quyền hoặc mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Theo số liệu trong báo cáo quân sự của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) công bố thì chi tiêu cho quốc phòng khu vực châu Á – Thái Bình Dương lên tới con số 474 tỉ USD trong 20 năm, bằng 28% chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Trong đó có 200 tỷ USD dùng để đóng tàu chiến cho tới năm 2020.

Trước hết phải kể tới Nhật Bản. Bởi lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF)vẫn được đánh giá là mạnh nhất trong khu vực. Nhưng cán cân có thể thay đổi về phía Trung Quốc nếu Nhật ngồi yên.
 

Nhận rõ điều ấy, nên Bộ quốc phòng Nhật đã lập kế hoạch đưa loại tàu khu trục lớp Izumo vào hoạt động từ năm 2015 để giữ vai trò trung tâm chỉ huy tác chiến trên biển.

Izumo có chức năng như “Bộ tư lệnh tiền tuyến” để phối hợp phòng vệ mặt biển, mặt đất và trên không. Tàu dài 248m, rộng 38m, lượng dãn nước 19.500 tấn (tiêu chuẩn) và 27.000 tấn (đầy tải) với kinh phí 120 tỷ yên. Ngoài đội trực thăng, tàu có thể làm sân bay cho máy bay chiến đấu F35B.

Bên cạnh Izumo là các khu trục hạm có trang bị hệ thống tên lửa tối tân Aegis cùng với đội tàu đổ bộ vào tàu ngầm.

Sau Nhật Bản, Trung Quốc sẽ đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên Type 001A. Riêng năm 2013 số lượng tàu chiến Trung Quốc sản xuất đứng đầu các nước trên thế giới. Số lượng so sánh trong năm như sau: Mỹ sản xuất 2 tàu đổ bộ, 1 tàu ngầm hạt nhân mang tên Minnesota, 2 tàu tuần duyên và hạ thủy thêm 1 tàu sân bay hạt nhân, 1 tàu ngầm hạt nhân. Tổng số là 7 tàu.

Còn Trung Quốc sản xuất 3 tàu khu trục tên lửa, 9 tàu hộ vệ có tên lửa, 2 tàu ngầm chạy động cơ thường, 2 tàu ngầm hạt nhân và 2 tàu quét mìn. Tổng cộng là 18 tàu (chưa tính các loại tàu quân sự khác).

Cũng là một cường quốc đóng tàu ở Châu Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc đang khẩn trương đưa vào sử dụng 3 khu trục hạm loại 8.500 tấn được trang bị tên lửa Aegis và mua thêm 5 tàu khu trục loại 5.600 tấn, tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo siêu hiện đại.

Với các nước ở Đông Nam Á, cuộc đua tàu chiến không “khủng” như Đông Bắc Á mà chọn lựa tàu nhỏ nhưng linh hoạt. Chẳng hạn như Philippines mua tới 42 tàu tuần tra và một số tàu tấn công đa năng. Malaysia đặt đóng cùng lúc 6 tàu tuần tra loại 3000 tấn có trang bị pháo 57mm và tên lửa Exocet của Pháp sản xuất. Hải quân Indonesia tăng thêm 16 tàu tuần tra tốc độ cao có trang bị tên lửa C-705 và súng 20mm, cùng 2 khinh hạm 2.400 tấn; Singapore trang bị thêm 8 tàu tuần tra cận bờ...

Lượng tàu chiến tăng nhanh chóng đã làm nóng lên vùng biển châu Á Thái Bình Dương.

Nếu không tính Mỹ, thì Nhật Bản là nước có ngành công nghiệp đóng tàu quân sự rất phát triển ở khu vực này. Tàu chiến của Nhật luôn đứng ở đẳng cấp mà nhiều quốc gia mơ ước. Riêng hệ thống ra đa trang bị trên tàu có thể quét 360o cùng lúc theo dõi tới 200 mục tiêu ở cự ly 310km. Tên lửa Aegis trên tàu Nhật được trang bị sau Mỹ. Tàu lớp Kongo thường dùng 4 động cơ để hai chân vịt cùng hoạt động đạt tốc độ 30 hải lý/giờ, phạm vi hoạt động của tàu tới 4.500 hải lý.

Trung Quốc, mấy năm gần đây, các loại tàu chiến liên tục được hạ thủy. Các tờ báo phương Tây gọi đó là hiện tượng “giếng phun”. Nhưng số lượng lớn không đồng nghĩa với chất lượng. Trong bảng thống kê của Nhật, thì số lượng tàu chiến Trung Quốc hiện gấp 5 lần Nhật nhưng sức mạnh hỏa lực thì không phải như thế. Có thể đơn cử như các bài tập của không quân nước này trên tàu sân bay Liêu Ninh thì giống với bài tập của hải quân Nhật 30 năm trước.

Thái Bình Dương là đại dương lớn nhất với diện tích 179,7 triệu km2 bao phủ 1/3 bề mặt trái đất. Châu Á – Thái Bình Dương (gọi tắt là APAC) được thừa nhận có tới 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những quốc gia không có biển chẳng hạn như Lào, Mông Cổ... Việt Nam nằm ở khu vực biển Đông, đó là tên gọi một phần của Thái Bình Dương có diện tích 3,5 triệu km2, đồng thời cũng là vùng biển nằm về phía Đông của Việt Nam. Khái niệm này giống cách gọi Ấn Độ Dương – là đại dương ở phía Nam Ấn Độ, hay biển Nhật Bản...

Thế kỷ XXI, các quốc gia đều xác định là thế kỷ Đại Dương, bởi công nghiệp đóng tàu đã phát triển tới mức độ cho phép con người vươn ra biển xa hơn, có thể cư trú lâu dài trên mặt biển để làm chủ vùng nước mà dưới đó còn cất dấu những kho tài nguyên mà đất liền đã cạn kiệt.

Với chi phí 200 tỷ USD trong hai thập niên để có 1.000 tàu chiến đã làm nóng lên khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng sự nóng lên ấy đã thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tàu phát triển, mà lợi nhuận thu về phần lớn thuộc về các nước có công nghệ cao trong lĩnh vực này. Bởi đóng tàu quân sự có công nghệ khác với đóng tàu dân dụng. Tàu chiến hiện nay được chia thành 6 nhóm: tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu đổ bộ và tàu ngầm.

Tất cả các nhóm tàu này có điểm chung là phải làm được ba nhiệm vụ: chống tàu nổi, chống tàu ngầm và phòng không.

Cuộc cách mạng về tàu chiến bắt đầu từ thế kỷ XX khi người Anh hạ thủy tàu HMS Dreadnoughit vào năm 1906. Từ đó các cường quốc tập trung đóng tàu chiến cho quân đội của mình theo hướng chạy nhanh, kích thước tàu lớn, trang bị súng to tiếp đến là tàu sân bay...

Sang thế kỷ XXI, dựa vào thành tựu của khoa học công nghệ phát triển, công nghiệp đóng tàu chiến lại bùng nổ ở quy mô cao hơn để hướng ra biển, nơi còn ẩn chứa những kho báu dưới đại dương. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương nóng lên với những biến động bởi các loại tàu hiện đại.

 

Trọng Nghĩa

Go to top