Tài năng đóng tàu và đi biển của người Việt

Thế kỷ XIX, nước Việt đã có các hải đội viễn dương thường xuyên vượt biển đến những quốc gia xa xôi. Mỗi hải trình ròng rã hàng tháng, xuyên qua các vùng biển nhiều hải tặc và dông bão hiểm nguy... Điều này chứng tỏ người Việt đã làm chủ được kỹ thuật đóng tàu biển và thông thạo kỹ thuật hàng hải.

Trong các sách sử cũ như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có thể tìm thấy hàng chục tên thuyền vượt biển của người Việt đã từng ngang dọc viễn dương như Phấn Bằng, Linh Phượng, An Dương, Vân Bằng, Thụy Long,Thanh Loan, Tiên Ly, Tường Hạc, Thanh Dương, Tĩnh Dương, Kim Ưng... Đây là loại thuyền lớn được bọc đồng chắc chắn để đi biển và nhiều chiếc trang bị đầy đủ vũ khí chiến đấu. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép rằng, năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đã có đội thuyền đồng nhiều dây, 21 chiếc và cho đóng thêm 9 thuyền nữa để đủ hạm đội 30 chiếc. Về sau nhiều chiếc được sửa chữa và tiếp tục đóng mới. Trong đó, những thuyền lớn như Thụy Long, Linh Phượng, Thanh Loan, Phấn Bằng với chiều dài gần 10 trượng và rộng hơn 2 trượng, sâu gần 2 trượng (nhà Nguyễn thường tính chiều dài thuyền bằng thước mộc với 1 trượng = 10 thước, 1 thước = 0,425m).
             Tàu viễn dương của người Việt trong tư liệu nước ngoài

Các loại thuyền này được kết hợp với kỹ thuật đóng tàu Pháp, công xưởng đóng tàu chính ở Huế, nhưng các địa phương Sài Gòn, Nghệ An, Thanh Hóa... vẫn tiếp tục được giao đóng và trưng dụng thợ thuyền, gỗ quý. Ba lần Nguyễn Tri Phương xuất ngoại đến Indonesia thì hai lần đi bằng thuyền bọc đồng Thụy Long, một lần bằng thuyền Phấn Bằng. Ngoài ra, những thuyền bọc đồng khác như Linh Phượng, Thanh Loan, Thanh Dương cũng được triều đình thường xuyên dùng làm phương tiện đi nước ngoài. Nhân vật lịch sử Cao Bá Quát cũng từng xuất ngoại với Đào Trí Phú và trở về bình an. Lênh đênh hải trình, ông đã để lại cho hậu thế các bài thơ Hồng Mao hỏa thuyền caDương phụ hành, kể lại những gì mắt thấy tai nghe về tàu hơi nước phương Tây.

Đặc biệt, do hải tặc hoành hành, thuyền viễn dương công phái của nước Việt đều được trang bị vũ khí từ giáo mác, câu liêm đến các loại súng dài, pháo, ống phun lửa để sẵn sàng cận chiến và xa chiến. Nhiều chiếc thuyền đã trở thành chiến hạm làm nhiệm vụ tuần biển chống cướp biển. Chiếc thuyền bọc đồng Thanh Loan từng chở Đào Trí Phú đến Indonesia có lần chiến đấu với cùng lúc hơn 20 tàu giặc và đã bắn chìm hai chiếc, làm số còn lại phải khiếp sợ bỏ chạy. Chiếc Linh Phượng dưới sự điều khiển của quản vệ thủy sư Lê Tư và võ quan Tôn Thất Chu, Đặng Kim Giám cùng biệt đội lính thủy đã đánh bại cả đội tàu hải tặc dám trở lại vùng biển nước Việt. Đại Nam hội điển sự lệ kể rằng, thường hải tặc khi nhìn thấy thuyền bọc đồng hạng lớn của triều đình nhà Nguyễn đều bỏ chạy. Chính các trận hải chiến đã giúp nhà Nguyễn có  thêm nhiều kinh nghiệm, cho đóng thêm các loại thuyền nhỏ, nhẹ hơn thuyền bọc đồng để có lợi thế tốc độ nhằm truy kích cướp biển.
                   Một loại thuyền của người Việt do  John White vẽ lại

Thuyền trưởng Mỹ John White đến nước Việt vào năm 1819 đã nhiều lần miêu tả khả năng vận hành tuyệt vời của thủy thủ bản xứ: “Nhiều chiếc thuyền có đến chín tay chèo đi lên Sài Gòn đã vượt qua chúng tôi với một tốc độ đáng kinh ngạc”. Trong chuyến ngược ra miền Trung, John White cũng rất thú vị với kỹ thuật đi biển của ngư dân Việt. Ông mô tả họ như nhảy múa trên sóng với những chiếc thuyền nhỏ mà không có giọt nước nào bắn vào thuyền.

Trong lúc những nhà hàng hải khác như John Barrow không ít lần khen ngợi kỹ thuật đi biển của người Việt thì Michel Đức Chaigneau, con trai một người Pháp lấy vợ Việt, từng sống nhiều năm ở Huế dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng, đã kể tỉ mỉ: “... Những người Việt sử dụng mái chèo với sự khéo léo, tài tình đáng kinh ngạc. Ở một thuyền chiến thường có đến 70 lính thủy chèo thuyền, hiếm khi có người lơi tay chèo trong toàn thể”. Trong hồi ký, người Pháp lai Việt này dành nhiều nội dung kể hải quân nước Việt đầu thế kỷ XIX và khẳng định có ít nhất 700-800 thuyền với chiến hạm đủ cỡ, nhiều chiếc được trang bị đến 22 khẩu đại bác.

Nhật ký The eastern seas on voyages and adventures in Indian archipelago vào năm 1832 của nhà hàng hải Goerge Windsor có đoạn: “Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền chúng tôi bị gãy đổ cả cột buồm. Thời tiết tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra sáu chiếc thuyền nhỏ của người Việt đang giương hết mọi cánh buồm, cứ thản nhiên như không, tiến thẳng tới trước”.

 “Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào ở châu Âu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này đè bẹp cả sóng gió biển Đông vào giữa mùa bão tố”.

Điều rất thú vị là không chỉ người Pháp đến từ các chiến thuyền, mà nhiều cường quốc hàng hải như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Mỹ đều đã ngược xuôi trên vùng biển Đông của người Việt từ rất sớm.

Quê hương ở tận Massachussetts, trung úy thuyền trưởng John White đã khởi hành từ đầu tháng giêng năm 1819 trên chiếc tàu Franklin qua nhiều vùng biển, hải cảng, kể cả những cuộc chiến đấu với hải tặc Malacca và mãi đến ngày 7-6 mới tới Cap Saint Jacques (Vũng Tàu). Trong hồi ký “Chuyến đi đến Nam Hà” được phát hành năm 1824 ở London, vị thuyền trưởng có cả máu thám hiểm lẫn thương buôn kể rằng: “11 giờ ngày 7 (tháng 6 năm 1819 - PV), chúng tôi đã thấy được Cap Saint Jacques ở phía bắc đông bắc. Mũi này là nơi khởi đầu của một dãy núi chạy dọc theo bờ biển về hướng bắc... Đây chính là vùng đất cao đầu tiên mà người ta nhận thấy được khi đi từ phương Nam lên và nó tạo thành một điểm mốc tuyệt vời cho lối vào con sông Donnai (Đồng Nai - PV) nằm ở phía bắc mũi đó. Chúng tôi đi theo hướng mũi đất ấy... vào được trong một cái vịnh nhỏ hình bán nguyệt có phong cảnh rất đẹp ở dưới chân núi. Xa xa bên trong cái vịnh ấy có làng Vũng Tàu, làng này đã cho vùng biển này tên gọi là Vũng Tàu...”.

John White đã kể tỉ mỉ mình neo tàu ở vùng nước sâu năm sải và chỉ cách làng Vũng Tàu một hải lý. Ông khen đây là nơi đậu tàu an toàn đến tuyệt vời. Mục đích của thuyền trưởng người Mỹ này là vào sâu Sài Gòn qua cửa Cần Giờ để tìm cơ hội buôn bán. Tuy nhiên, chính thời gian phải neo chờ và thực hiện hải trình dọc bờ biển ra kinh thành Huế, John White đã được tận mắt chứng kiến và khen ngợi kỹ thuật đóng tàu cùng khả năng đi biển của người Việt.

Hồi ký John White đã miêu tả chân thực khi chiếc Franklin “chạm trán” với thuyền Việt: “Những thuyền bè bản xứ với sự hoạt động lẹ làng của chúng đã làm chúng tôi tràn trề lòng ngưỡng mộ. Những chiếc thuyền bản xứ đã chở được rất nhiều hàng hoá. Thuyền rất dài, hai đầu thon mảnh và cong lên... Điều này sẽ khiến người ta nghĩ rằng những chiếc thuyền ấy chỉ lấy gió một cách khó khăn. Trường hợp này lại không phải như vậy...”. Miêu tả những chiếc thuyền bản xứ ở vùng biển Vũng Tàu - Cần Giờ, ban đầu viên thuyền trưởng đến từ cường quốc hàng hải Mỹ đã chỉ ra một loạt những cấu tạo như là kỹ thuật đóng tàu riêng của người Việt có vẻ bất bình thường. Nhưng sau đó, chính ông là người đã chứng thực và khen ngợi khả năng vận hành tuyệt vời của chúng.
Mảng luồng của Việt Nam được các chuyên gia nước ngoài thử nghiệm vượt đại dương thành công

Khi mô tả khả năng lướt sóng của những chiếc thuyền mê tre độc đáo của người Việt, John White viết: “Những chiếc thuyền ấy rất bền, khi buồm no gió chúng được đẩy nhanh và đi biển rất tốt. Thuyền có hai hoặc ba cánh buồm được cắt rất sắc sảo và được làm rất thích đáng... Những cánh buồm ấy đều làm bằng đệm lát, những cánh buồm của thuyền buôn đều có dây thu buồm xỉn màu đen. Theo nguyên tắc chung ở phương Đông, những mỏ neo đều làm bằng gỗ và chỉ có một chân neo. Những dây néo buồm và dây chão phần lớn làm bằng cây mây và thừng chão bằng xơ dừa, những dây dừa bện rất tốt...”.

Ngược ra miền Trung để gặp gỡ những người thợ đóng thuyền cao niên ở vùng Quảng Ngãi, Quảng Nam, để đưa hồi ký của John White cho họ đọc nhằm kiểm chứng tính xác thực trong các miêu tả của ông. Thật bất ngờ, gần 200 năm sau, những điều mắt thấy, tay chạm kỹ thuật thuyền bè người Việt của viên thuyền trưởng Mỹ vẫn được người thợ bản xứ truyền đời duy trì. Người thợ cả Nguyễn Tấn Trà, 76 tuổi, ở làng nổi danh với nghề đóng tàu thuyền ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, nhận xét: “Gần như toàn bộ các miêu tả của thuyền trưởng người Mỹ về kỹ thuật đóng tàu này đều chính xác. Không chỉ loại thuyền thân cong thuận lướt sóng hay tấm mê tre dễ nhìn thấy, mà ngay cả những cánh buồm đệm lát, dây chão bằng xơ dừa, mỏ neo bằng gỗ lim cũng được ông ta phát hiện chính xác”.

 

Ng.Th (tổng hợp)

 

Go to top