FACO của Saigon Shipmarin được trao giải tại Vietship 2014

Triển lãm quốc tế về công nghiệp đóng tàu, hàng hải và vận tải lần thứ 7 tại Hà Nội từ ngày 26 đến 28 tháng 2 năm 2014 (Vietship 2014) đã diễn ra với quy mô 200 gian hàng của 115 đối tác trong và ngoài nước. Trong đó có những quốc gia mà ưu thế về công nghiệp đóng tàu vào hàng đầu của thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Áo, Hà Lan...

Nhưng có một sản phẩm gây ấn tượng mạnh, đó là chiếc tàu chở khí hóa lỏng FACO được đóng mới ở Saigon Shipmarin, một đơn vị thành viên của SBIC. Tại sao? Bởi dòng tàu thương mại này những năm trước đây chỉ các quốc gia có công nghệ phát triển ở mức cao mới làm được. Không có chủ tàu nào dám đặt hàng loại tàu mang hàm lượng khoa học công nghệ vào loại hàng đầu này cho những cơ sở còn non tay nghề, chưa đủ thiết bị, chưa có  thương hiệu hoặc thương hiệu chưa ai biết hoặc biết nhưng còn mơ hồ... Những điều ấy không còn ở Saigon Shipmarin nữa, vì rằng tất cả đã thay đổi, sự thay đổi đến “chóng mặt” của một đơn vị đóng tàu phương Nam.
      
              Tàu chở khí hóa lỏng 1.400m3 do Siagon Shipmarin đóng mới thành công

Saigon Shipmarin đã nổi tiếng về công nghệ sửa chữa tàu nhiều thập niên trong thế kỷ XX, sang thế kỷ XXI một dây chuyền công nghệ đóng mới được trang bị, cộng với việc đào tạo nguồn nhân lực nên tháng 12 năm 2004 Sagon Shipmarin bắt đầu đóng mới tàu.

Chiếc sà lan chuyên dụng tải trọng 15.248 tấn đóng mới cho Vietsovpetro đã gây tiếng vang, bởi đó là sà lan biển lớn nhất được đóng mới trong nước vào thời kỳ đó. Với gần 200 km đường hàn, nối 4000 tấn sắt thép lại với nhau dưới sự giám sát của đăng kiểm Mỹ (ABS)

Mười năm sau khi đóng thành công chiếc sà lan có ký hiệu S198 đó (2004-2014), Saigon Shipmarin khẳng định thương hiệu của mình khi đóng thành công chiếc tàu chở khí hóa lỏng Faco - 1.400m3 và mô hình chiếc tàu này đã được Công ty giới thiệu ngay tại Vietship 2014.

Dòng tàu thương mại của công nghiệp tàu thủy thì có nhiều, nhưng tàu chở khí hóa lỏng như chiếc FACO, từ khâu thiết kế đến toàn bộ công nghệ đều do trong nước đảm nhiệm thì không phải đã có tiền lệ. Bởi thế FACO là đáp số của bài toán tìm lời giải đáp trong thách thức của Saigon Shipmarin.

Chúng tôi còn nhớ một ngày đầu xuân năm 2013, khi mà thời gian nghỉ tết vẫn còn tới năm ngày nhưng do tiến độ thi công, nên một số bộ phận phải đi làm sớm. Tổng Giám đốc Saigon Shipmarin Lê Hồng Quang bước vào phòng họp đã kín hết chỗ để chúc Tết anh chị em. Ông quay sang nói với chúng tôi: “Anh em đến là do tự nguyện, chứ đơn vị không có thông báo”.

Chiếc FACO cần đẩy nhanh tiến độ thi công nên đang thời gian nghỉ Tết nhưng anh em vẫn làm. Ai trong dây chuyền sản xuất thì vào vị trí của mình, lửa hàn lại sáng rực các phân xưởng để con tàu hoàn thành đúng tiến độ. Người thợ đóng tàu phương Nam là như vậy, làm “tới bến” và chơi “tới bến”.
          
Tờ tạp chí SIRI MARINE của vương quốc Hà Lan số ra ngày 29 tháng 12 năm 2013 đã đăng ở trang 20 hình ảnh và thông số kỹ thuật giới thiệu con tàu.

Thương hiệu Saigon Shipmarin đã làm nên con tàu FACO vang tới cả trời Tây. Tờ tạp chí SIRI MARINE của vương quốc Hà Lan số ra ngày 29 tháng 12 năm 2013 đã đăng ở trang 20 hình ảnh và thông số kỹ thuật giới thiệu con tàu. Điều gì đã làm họ chú ý đến FACO như vậy? thắc mắc của chúng tôi đã được trả lời: Đó là hai bình chứa khí hóa lỏng (700m3x2) được sản xuất ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải nhập từ nước ngoài, nghĩa là phần khó nhất của con tàu đã được nội địa hóa tới trăm phần trăm.

Đất phương Nam đã đào tạo phong cách con người phương Nam. Những người thợ ở Saigon Shipmarin có thể xuất thân từ các vùng quê khác nhau nhưng khi vào đây đều chung một nhịp đập đó là làm hết mình, cống  hiến hết mình cho Công ty. Ngay Tổng Giám đốc Lê Hồng Quang xuất thân là nhà giáo của trường đại học Hàng hải (Hải Phòng), nhưng khi về Saigon Shipmarin, vị thạc sĩ đã nhanh chóng “hội nhập” để tạo ra sức mạnh tổng hợp ở một đơn vị vừa sửa chữa vừa đóng mới.

SBIC ra đời thì đóng mới và sửa chữa được xác định là nhiệm vụ chính. Nói vậy để chứng minh rằng, Saigon Shipmarin đã đi trước và phát triển đúng hướng.

Mười năm trước sản phẩm là chiếc sà lan. Mười năm sau đã là tàu chở khí hóa lỏng, tàu dịch vụ biển và đang chuẩn bị cho chiếc tàu chở khí hóa lỏng trọng tải gấp đôi FACO được đặt ky.

Niềm vinh dự của Saigon Shipmarin trong Vietship lần thứ 7 năm 2014 này là FACO được giải thưởng trong dòng tàu thương mại.

Khi tới gian trưng bày của SBIC tại Vietship, dường như  chúng tôi có cảm nhận Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các vị khách đã dừng lại lâu hơn ở mô hình hai chiếc tàu của Saigon Shipmarin là FACO và tàu dịch vụ biển, có lẽ đây là hai loại tàu mới nếu không muốn nói là đặc biệt. Và cũng có thể vì đó là những sản phẩm chứa đựng nhiều yếu tố mang hàm lượng công nghệ cao trong công nghiệp đóng tàu, nhưng lại do chính những kỹ sư Việt Nam thiết kế và người thợ đóng tàu phương Nam thực hiện.

Thành lập ngày  31 tháng 3 năm 1977, năm 2005 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Phương châm hoạt động của Saigon Shipmarin là: “Đoàn kết sâu rộng, hợp tác toàn diện, phát triển bền vững”.

Khi hỏi Tổng Giám đốc Lê Hồng Quang về đội ngũ thợ lành nghề, ông chỉ nói: "Đội thợ hàn của chúng tôi vừa đủ 100 người đỗ chứng chỉ của Đăng kiểm Nhật (NK) và Đăng kiểm Mỹ (ABS)...". Riêng thợ hàn đã là như vậy, hèn gì họ có thể làm được cả những bồn chứa khí hoá lỏng cho chiếc tàu chở khí hóa lỏng như FACO.

 

Tùy bút của Nguyễn Đức Ngọc

Go to top