10 năm Cảng Chân Mây

Vịnh Chân Mây có cửa rộng 7km, diện tích mặt nước khoảng 20km2, độ sâu từ 6 - 14 mét, phần có độ sâu từ 9 - 14 mét chiếm 65% diện tích của vịnh. Khu vực đất liền tiếp giáp vịnh chủ yếu là đồng bằng Lộc Vĩnh, Lộc Tiến, Lộc Thủy có mặt bằng khá bằng phẳng.
Theo quy hoạch, khu dân cư có quy mô từ 10 - 30 vạn dân, chiều dài bến cảng có thể đến vài cây số với hậu phương rộng mở. Vịnh Chân Mây không những có điều kiện lý tưởng về địa lý mà còn thuận lợi về giao thông. Tiếp giáp đường Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt; tiếp cận với đường hàng hải quốc tế và nội địa; cách sân bay Quốc tế Đà Nẵng và sân bay Quốc tế Phú Bài 40km; cách đường 9 khoảng 100km về phía Bắc, thuận lợi cho việc thông thương qua Lào, Thái Lan.

Ngày 27/12/1996, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch chung đô thị mới Chân Mây. Trong đó, Cảng Chân Mây được ưu tiên đầu tư với vai trò là công trình mang tính chất đột phá để thúc đẩy sự phát triển Khu Đô thị mới Chân Mây với chức năng là cửa ngõ thông ra biển Đông thuận lợi nhất của hành lang kinh tế Đông - Tây qua cửa khẩu Lao Bảo.

Vào ngày 25/3/2001, Bến số 1 của Cảng Chân Mây chính thức được khởi công. Và chỉ sau 2 năm thi công, Bến số 1 đã khánh thành vào ngày 19 tháng 5 năm 2003, và ngày khánh thành Bến số 1 cũng chính thức trở thành ngày truyền thống của đơn vị. Ngay sau đó Quyết định của Cục Hàng hải Việt Nam cho phép Bến số 1 tiếp nhận tàu biển trong nước và quốc tế có trọng tải đến 30.000DWT đã tạo tiền đề cho những bước đi đầu tiên của một bến cảng non trẻ, mở ra nhiều hứa hẹn về một giai đoạn mới cho tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung và cho vùng đất Chân Mây nói riêng.

Sự ra đời của Cảng Chân Mây đã đánh thức tiềm năng của vùng Chân Mây - Lăng Cô vốn dĩ hết sức hoang sơ. Nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cũng được tập trung đầu tư, càng làm rõ hơn lợi thế của vùng đất này. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý Dự án Chân Mây lập đề án thành lập Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Xin được chia sẻ thêm đôi điều về việc chọn vị trí xây dựng Bến số 1 - Cảng Chân Mây. Có rất nhiều ý kiến về vị trí, cao trình, môi trường nhiễm xạ... trái ngược nhau được đưa ra. Tuy vậy, thực tế đã trả lời với hơn 10 năm, trải qua những cơn bão lớn, những đợt gió mùa Đông - Bắc tăng cường, sự cố hàng hải... nhưng Bến số 1 trong điều kiện chưa có đê chắn sóng vẫn đứng vững, khai thác hiệu quả. 10 năm qua chưa hề duy tu nạo vét luồng tàu nhưng độ sâu vẫn đảm bảo cho tàu 50.000DWT cập bến (Sau khi bến được đầu tư nâng cao năng lực tiếp nhận tàu từ 30.000DWT đến 50.000DWT). Điều đó khẳng định việc chọn vị trí xây dựng Bến số 1 là hết sức hợp lý; đồng thời, đó cũng là câu trả lời đầy đủ ý nghĩa về chất lượng của công tác tư vấn, chất lượng thi công, chất lượng giám sát; trách nhiệm và hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành quản lý dự án...

Công trình Bến số 1 - Cảng Chân Mây là công trình cảng biển, điều kiện thi công phức tạp, Ban quản lý dự án Chân Mây với trách nhiệm của mình cũng đã đề xuất nhiều giải pháp sử dụng cát mịn tại chỗ, lợi dụng địa hình để thi công các bích neo bờ... Những giải pháp đó đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng trong điều kiện kinh phí hạn chế.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có diện tích 27.108 ha đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt và ban hành Quy chế hoạt động tại Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006.

Sau khi thành lập BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Ban QLDA Chân Mây chuyển thành cơ quan chuyên môn trực thuộc BQL Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính của Cảng Chân Mây.

Đầu năm 2007, Chính phủ đã có chủ trương chuyển giao Cảng Chân Mây cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam. Ngày 28/09/2007, Hội đồng quản trị Tập đoàn (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy) đã có Quyết định thành lập Công ty TNHH một thành viên Cảng Chân Mây. Công ty vừa mới được thành lập thì bước qua năm 2008, thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, Cảng Chân Mây nhờ đã có những bước đi đúng đắn nên tốc độ tăng trưởng từ năm 2008 đến năm 2011 vẫn đạt bình quân hàng năm trên 25%.

Qua 10 năm đi vào hoạt động, từ khi còn là BQLDA Chân Mây - cơ quan chuyên môn của tỉnh Thừa Thiên Huế và đến nay hoạt động với mô hình doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Bến số 1 - Cảng Chân Mây - dự án mang tính chất đột phá để hình thành Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; hình thành một số dự án cơ sở hạ tầng thiết yếu ban đầu tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào khu du lịch Lăng Cô; trực tiếp xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án đầu tư giải quyết nhiều công ăn việc làm và đóng góp nhiều cho ngân sách trên địa bàn như: các Nhà máy giấy xuất khẩu gỗ dăm, Kho xăng dầu PV Oil, Kho nhựa đường của ADCO, Khách sạn Hương Giang Lăng Cô, Thanh Tâm...

Và sau 10 năm đi vào hoạt động, với chỉ một bến, Cảng Chân Mây đã tổ chức xếp dỡ gần 10 triệu tấn hàng hóa, đón 200.000 du khách quốc tế, thu hút được nhiều dự án đầu tư trên địa bàn và hiện đang phát huy hiệu quả đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cảng đạt gần 1 tỷ USD.

Một số vấn đề đặt ra trong quá trình khai thác

Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nằm trên đường quốc lộ 1A và đường sắt xuyên Việt, gần cảng hàng không quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng, có Cảng nước sâu Chân Mây với khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải đến 100.000 DWT và tàu du lịch cỡ lớn, là cửa ra Biển Đông thuận lợi nhất, cự li gần nhất đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Với vị trí quan trọng đó, lẽ ra Cảng Chân Mây đã là “động lực” lớn cho định hướng cũng như sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, quá trình khai thác cảng biển và đầu tư còn có nhiều vấn đề đặt ra cần phải giải quyết:

Thiếu cầu cảng cho hàng tổng hợp và bến chuyên dụng cho tàu khách. Từ năm 2010 đến nay, khách du lịch tàu biển qua cảng Chân Mây tăng mạnh. Riêng năm 2012 đã có 33 tàu du lịch qua cảng, với hơn 40.000 lượt khách và ngay từ những ngày đầu năm 2013, cảng Chân Mây đã nhộn nhịp với sự xuất hiện thường xuyên của các đoàn tàu biển du lịch quốc tế sang trọng. Mặc dù, chưa hoàn chỉnh các dịch vụ để đón và phục vụ khách, nhưng với độ sâu luồng tàu ổn định, cảng chỉ có 1 bến nhưng chiều dài bến đảm bảo, cùng với sự năng động trong khai thác, Cảng Chân Mây đã thu hút những hãng tàu du lịch lớn đến với Cảng....

Lợi thế là vậy, nhưng Cảng Chân Mây cũng gặp không ít khó khăn trong việc đón khách. Trong đó có sự bất cập do chưa có cảng bến chuyên dụng, phải đón khách qua cảng hàng hóa.

Cảng Chân Mây là nơi có tần suất xuất và nhập hàng khá lớn trong khu vực miền Trung, khai thác khách du lịch tàu biển hiệu quả. Tuy vậy, việc thi công tuyến đường ra Cảng tiến hành chậm đã ảnh hưởng không nhỏ tới vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan chung của khu vực.

Quá trình đầu tư còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Việc xây dựng Bến số 2 của Cảng Chân Mây đã được hoạch định từ nhiều năm trước, tuy nhiên đến nay cũng mới chỉ triển khai phần khảo sát địa chất, thủy văn và đang chờ đợi sự thống nhất, chủ trương đầu tư. Để kịp phục vụ nhu cầu phát triển trong những năm tới, đặc biệt là giai đoạn 2015 - 2020, nếu Bến số 2 không đầu tư ngay từ bây giờ sẽ không bắt kịp được nhu cầu hiện có và đang gia tăng phát triển. Một trở khác ngại khác, đó là thiếu đê chắn sóng. Không có đê chắn sóng sẽ gây những khó khăn, thiệt hại cho chủ tàu, chủ hàng khi gặp phải thời tiết bất thường, biển động...

Mặc dù Chân Mây - Lăng Cô được xác định là Khu kinh tế động lực nhưng đầu tư của Nhà nước vẫn còn rất hạn chế. Sau 7 năm thành lập, tổng vốn đầu tư từ ngân sách chỉ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng cho tất cả các hạng mục. Chính vì thế, hạ tầng của toàn Khu kinh tế chưa được triển khai xây dựng đồng bộ. Điều đó không chỉ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của Cảng Chân Mây, mà còn giảm sức thu hút đầu tư của toàn Khu kinh tế.

10 năm là một chặng đường chưa phải là dài nhưng đó lại là khoảng thời gian đủ để ghi lại sự nỗ lực phấn đấu, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, năng động, sáng tạo của những con người có sứ mệnh trực tiếp thực thi việc khai thông nguồn lực với biển. Hoạt động trong điều kiện hạ tầng chưa hoàn chỉnh, nhưng Công ty TNHH MTV Cảng Chân Mây đã nỗ lực tổ chức khai thác hiệu quả, đưa Cảng Chân Mây từng bước trở thành một thương hiệu có uy tín về năng suất, chất lượng, xếp dỡ, dịch vụ cung ứng tàu biển và ngày càng đóng vai trò tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn Thừa Thiên Huế và khu vực./.

 

Tô Ngọc

Go to top