Văn hóa Doanh nhân và Xây dựng đội ngũ Doanh nhân Văn hóa

     Sau 25 năm đổi mới đến nay đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam đã đạt được con số trên 400.000 đơn vị. Các doanh nghiệp này đã có mặt ở tất cả các ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế của một quốc gia cần phải có; từ công nghiệp đến nông nghiệp, từ tài chính đến ngân hàng, từ dịch vụ đến khai khoáng, từ sản xuất đến xuất nhập khẩu, từ môi trường đến chế biến…

Có nghĩa là ngoại trừ những ngành sản xuất công nghệ đặc biệt cao trình độ Việt Nam chưa thể đạt được thì tất cả các ngành nghề SXKD chúng ta đều đã có các doanh nghiệp hoạt động. Các doanh nghiệp này hiện nay đang đảm nhận trên 65% các hoạt động kinh tế của đất nước, cũng bằng chừng ấy tỷ lệ sự đóng góp vào ngân sách nhà nước, nắm trong tay hàng chục triệu công nhân lao động làm việc ngày đêm.

Chúng ta không còn ngạc nhiên ngày nay mỗi chuyến đi của các nguyên thủ quốc gia này đến thăm quốc gia khác thì bao giờ cũng kèm theo một đội ngũ doanh nhân đông đảo, nước càng lớn, càng giầu thì đội ngũ doanh nhân càng to, càng nhiều.

Thời bao cấp doanh nghiệp có trước, doanh nhân có sau (nhà nước quyết định thành lập doanh nghiệp rồi tuyển người vào vị trí đứng đầu). Thời kinh tế thị trường, những người có vốn, có khả năng kinh doanh tự đứng ra tổ chức doanh nghiệp và trức tiếp chỉ đạo nó, như vậy doanh nhân có trước doanh nghiệp có sau. Cùng với lịch sử vài ba chuc năm như vậy, đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay phần lớn có thể chưa đầy đủ là một người lãnh đạo, quản lý hoàn hảo theo chuẩn quốc tế.
 

Theo thông lệ người đứng đầu các doanh nghiệp (Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, Giám đốc) được gọi là doanh nhân. Nếu thế thì đội ngũ Doanh nhân Việt nam đã có con số trên dưới cả triệu người.

Đã trên 30 năm phát triển kinh tế thị trường và cũng bằng ấy năm tuổi cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện đại và như vậy không ít người trong số họ nay đã tới tuổi “đáo cung đình”; nhưng do sự phát triển doanh nghiệp là liên tục lại trong thời kỳ “trăm hoa đua nở” cho nên hàng năm luôn có trên dưới nửa trăm ngàn doanh nghiệp ra đời, do vậy ít nhất cũng bằng số đó doanh nhân mới gia nhập đội ngũ Doanh nhân Việt Nam.

Tóm lại một doanh nhân dù đã thành đạt (theo tự đánh giá của bạn hay xã hội ghi nhận tôn vinh) hay chưa, nhưng nếu bạn muốn tiếp tục con đường của mình thì bạn phải luôn luôn hoàn thiện mình bằng kiến thức hiện đại, bằng tâm đức đã hình thành từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.

 Để có một doanh nhân thành đạt đúng nghĩa khi mà doanh nghiệp do người đó đứng đầu là một tập thể đoàn kết, đồng lòng, cùng nhau phát huy mọi tiềm năng của cá nhân cùng nhau xây dựng doanh nghiệp vượt qua mọi thử thách, liên tục phát triển, khi mà “ông chủ nhất hô” thì “tất cả nhân viên  công ty của ông vạn ứng” và suy tôn bạn là thủ lĩnh của họ (người ta gọi đó là giá trị tập thể thành viên).

Khi mà các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội luôn tìm đến  để  tôn vinh bạn, doanh nghiệp của bạn, đó là giá trị chính trị của doanh nghiệp, khi mà xã hội ca gợi bạn  là một nhà từ tâm, từ thiện, nhà tài trợ… đó là giá trị cộng đồng của bạn và doanh nghiệp do bạn đứng đầu.

Khi mà trên các diễn đàn từ sinh viên đến doanh nhân, từ tổ chức văn hóa đến các tổ chức xã hội, đều tự ý muốn mới bạn đến giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc với họ đó là giá trị lan tỏa của Doanh nhân.

Khi mà các nhà trường nơi bạn từng theo học đều mong muốn bạn trở lại một lần đó chính là giá trị đào tạo thế hệ tiếp nối của Doanh nhân.

Tất cả các giá trị đó đối với doanh nghiệp chính là giá trị vô hình của sản phẩm. Giá trị này không hề nhỏ. Có nhiều doanh nghiệp trên thế giới giá trị vô hình lớn không kém giá trị vật chất thực có của doanh nghiệp.

Quá trình xây dựng, hình thành nền tảng văn hóa  doanh nghiệp văn hóa doanh nhân theo một tiêu chí có tính phổ cập, tính thực tiễn và khả thi cho các doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay là một vấn đề lớn và chưa có tiền lệ.

Trong khi hiện nay đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung đã có bao nhiêu phẩm chất văn hóa trong người? còn thiếu những phẩm chất gì, phải được bồi bổ như thế nào, cần giúp đỡ ra sao…?

Trong cuộc sống, văn hóa luôn là nền tảng cho mọi động lực phát triển, doanh nghiệp xuất phát điểm dù ở quy mô nào thì cũng do con người tạo ra, con người quản lý, con người tổ chức thực hiện. Như vậy rõ ràng cùng với sự ra đời để hoạt động SXKD thì doanh nghiệp, doanh nhân đó cũng có điểm xuất phát nhất định về văn hóa. Vì vậy trong thực tế việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân cũng có nhiều vị trí xuất phát khác nhau cho nên các yêu cầu của tiêu chí đặt ra để thực hiện cũng sẽ khác nhau.

Song dù xuất phát từ mức độ nào thì việc đầu tiên phải là xây dựng nền nếp văn hóa của con người trong doanh nghiệp trước và người đầu tiên không phải ai khác là người chủ doanh nghiệp, tức là doanh nhân người đứng đầu doanh nghiệp ấy. Trong một doanh nghiệp, mọi người có suy nghĩ, hành động văn hóa theo hướng nào thì doanh nghiệp đó cũng phát triển theo chiều hướng đó.

Đương nhiên doanh nghiệp có tuổi đời nhiều năm, quy mô vừa, hoặc lớn, hoạt động chuyên nghiệp thì họ cũng đã có một nền tảng văn hóa riêng, được xây dựng song hành cùng với quá trình “lớn lên” của Doanh nghiệp, “trưởng thành” của doanh nhân.

Đối với doanh nghiệp tiêu chí cộng đồng cán bộ nhân viên góp sức, góp sáng kiến để xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, đưa ra xã hội những sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, đảm bảo tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng, không làm ô nhiễm môi trường  nên được đưa nên hàng đầu. Việc sử dụng lao động xã hội, chế độ phúc lợi đối với người lao động trong doanh nghiệp, thời gian nhất định của doanh nghiệp tham gia SXKD cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xã hội, chấp hành luật pháp, đóng góp của  doanh nghiệp vào các hoạt động cộng đồng xã hội như từ thiện, tài trợ các tổ chức cá nhân làm công việc phi lợi nhuận.

Trung tâm văn hóa doanh nhân của nhà văn Lê Lựu hoạt động đã hơn chục năn nay, cấp nhiều chứng nhận “doanh nhân, doanh nghiệp văn hóa” đã chủ động đưa ra một số tiêu chí cho việc xét tặng danh hiệu của mình. Ông đã tập trung vào việc đề cao đức tính quý báu của người Việt Nam là “Nhân – Tâm – Tài – Trí”. Tuy rằng chưa có nhiều tổ chức, diễn đàn, hội thảo được tổ chức để các chuyên gia, các học giả tham gia “mổ sẻ một cách thấu đáo” những tiêu chí nói trên nhưng dư luận cũng không ai phản bác gì, lại được Chủ tịch nước khuyến khích do đó cũng có nhiều doanh nhân đăng ký và được xét tặng danh hiệu này.

Dù còn quá sớm để nêu ra những góc cạnh của một doanh nhân, doanh nghiệp văn hóa mà ta gọi là tiêu chí cụ thể; nhưng khái quát những vấn đề lớn mang tính chất chung thì một doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa không thể không có các tố chất, việc làm cụ thể sau:

a/ Đối với doanh nghiệp:

Phải là một tập thể đoàn kết sáng tạo hiệp đồng trong sản xuất, vun bồi tình đoàn kết và chia sẻ hưởng thụ lợi ích do mình làm ra.

Một cộng đồng từ lãnh đạo đến công nhân, nhân viên với tác phong làm việc tự giác, vui vẻ hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.

Một doanh nghiệp ở đó mọi người làm việc với thái độ tác phong chuyên nghiệp, tiên tiến nhằm luôn chiếm lĩnh đỉnh cao năng xuất, chất lượng.

Đối với xã hội phải cung cấp cho người sử dụng những sản phẩm chất lượng và an toàn cho sức khỏe của họ với giá thành có thể chấp nhận được trong mặt bằng phát triển bình quân xã hội. Luôn nhận thức được khách hàng không chỉ là đối tượng cung cấp sản phẩm mà còn là người nuôi dưỡng doanh nghiệp tồn tại, phát triển; nên phải giúp đỡ họ, những người, những thành phần kém may mắn về thể chất trí tuệ, cơ hội… đó là công tác từ thiện, bảo trợ… cho họ.

Thân thiện, tôn trọng và biết ơn thiên nhiên, môi trường đã giúp doanh nghiệp làm ra sản phẩm làm cho doanh nghiệp phát triển… để có thái độ đúng mức với thiên nhiên, môi trường mà doanh nghiệp đang sống và hoạt động, bù đắp những gì doanh nghiệp đã làm tổn hại thiên nhiên để thiên nhiên môi trường luôn cân bằng phục vụ hỗ trợ lâu dài cho doanh nghiệp.

b/ Đối với Doanh nhân:

Có lẽ tóm tắt trong mấy chữ: đức, tài, danh dự, uy tín và lương tâm.

Doanh nhân là người sinh ra doanh nghiệp, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển. Nếu doanh nhân không có văn hóa (theo nghĩa rộng nói trên) thì ai sẽ dẫn dắt việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để có một doanh nghiệp văn hóa?

Do đó việc bắt đầu cho một quá trình để có doanh nghiệp tốt đã cần phải có một con người doanh nhân văn hóa của doanh nghiệp ấy.

Tham vọng của người viết bài này là phân tích, gợi mở… và rất mong được các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến, tổ chức hội thảo… để tìm ra những vấn đề tốt từ những tiêu chí căn bản, được sự đồng thuận cao của xã hội để làm cơ sở cho việc suy tôn những “người lính xung kích thời bình” thành những “doanh nhân văn hóa” đúng nghĩa.

 

Trần Đỗ Liêm

 

Go to top