Cần một sự phát triển mới, thiết thực cho công nghiệp tàu thủy

Nhân đầu xuân mới và cũng là năm đầu hoạt động của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam có cuộc phỏng vấn ông Vũ Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc.

Tạp chí xin đăng toàn bộ phỏng vấn này, với đầu đề của Ban biên tập.

 

- Thưa tổng giám đốc, sự ra đời của SBIC có ý nghĩa như thế nào đối với công nghiệp tàu thủy? và định hướng trong năm 2014 và những năm tiếp theo là gì để thương hiệu SBIC được khẳng định trên thương trường?

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) ra đời, đó là sự thay đổi về quan hệ sản xuất. Những thành viên của SBIC vẫn là những đơn vị đã có bề dày về đóng mới, sửa chữa tàu mà thương hiệu đã được khẳng định trong và ngoài nước nhiều năm trước. Có thể kể ra: Hạ Long, Bạch Đằng, Phà Rừng, Sông Cấm, Thịnh Long (phía Bắc); Cam Ranh (miền Trung); Saigon Shipmarin, công ty công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (phía Nam)...

Khi quan hệ sản xuất phù hợp, sẽ tạo sức sản xuất phát triển - SBIC ra đời là như thế. Chúng ta hiểu SBIC bắt đầu là sự tiếp nối, từ nền tảng của nền công nghiệp đóng tàu đã có để tạo sự phát triển mới thiết thực phục vụ cho kinh tế biển mà Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ.

Bởi vậy, ngay trong năm 2014 và những năm tiếp theo, công nghiệp tàu thủy phải tăng được việc làm, nâng năng suất trên cơ sở áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đặc biệt là việc mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

- Xin Tổng giám đốc nói rõ thêm về hướng phát triển thiết thực?

Tôi cho rằng cần nhận dạng lại vai trò của công nghiệp tàu thủy trong chiến lược kinh tế biển mà Đảng và Nhà nước đã giao cho SBIC. Quanh chủ đề này có nhiều vấn đề để nói, để bàn.

Có thể nêu một ví dụ là chương trình đóng mới tàu cá cho ngư dân. Chúng ta thiết kế, đóng mới tàu cá nhưng chẳng có ai đi đánh cá. Người sử dụng sản phẩm của SBIC chính là ngư dân, mà mỗi vùng biển nước ta lại có những đặc thù rất riêng. Do vậy, tàu cá của SBIC phải được chính ngư dân chấp nhận. Đó là sự phát triển thiết thực. Tôi nghĩ rằng, trước khi đóng hàng loạt tàu lớn cho cả ba miền, Tổng công ty phải đóng một số tàu mẫu rồi mời ngư dân dùng thử. Nếu tàu của SBIC bền, tốt lại giúp ngư dân đánh bắt được nhiều, hành trình an toàn, giá thành hợp lý thì nhất định chương trình sẽ thành công.

Chương trình tàu cá được Nhà nước cũng như Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành liên quan rất quan tâm. Bởi vậy tôi đặt vấn đề chúng ta cần nhận dạng lại vai trò của công nghiệp đóng tàu để phát triển theo mục tiêu thiết thực.

- SBIC cần ổn định để phát triển, bởi công nghiệp tàu thủy vừa trải qua tái cơ cấu. Vậy hướng đi nào cho sự ổn định và phát triển?

Ổn định của SBIC không chỉ trong phạm vi 8 đơn vị thành viên. Bởi theo Quyết định số 3287/QĐ-BGTVT ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, SBIC còn có nhiệm vụ kế thừa các quyền, nghĩa vụ pháp lý và lợi ích hợp pháp của công ty mẹ - Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam... Thực hiện sắp xếp 234 doanh nghiệp thuộc cơ cấu Tập đoàn. Do đó, sự ổn định trong phạm vi rộng, phải giải quyết các chính sách an sinh xã hội, việc làm để công nghiệp tàu thủy phát triển bền vững.

Phát triển bền vững đã trở thành đường lối, quan điểm của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước, được thể hiện rõ trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia cũng như các ngành và địa phương trong cả nước.

Cùng đó, SBIC phải có chiến lược phát triển dài hạn, mở rộng thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực mà Nhà nước đã giao.

Phải chăng Tổng giám đốc muốn đề cập tới công nghệ mới và sự hợp tác đóng tàu với các quốc gia có nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến? Nhưng họ đánh giá về chúng ta như thế nào và lợi thế của chúng ta là những gì?

Chúng tôi đã tiếp xúc với những cơ sở đóng tàu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và một số nước có nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến. Họ đánh giá rằng Việt Nam là một quốc gia đã hình thành tư duy về công nghiệp đóng tàu, có lịch sử đóng tàu và chính phủ luôn tạo điều kiện cho ngành đóng tàu phát triển. Điều ấy rất quý. Bởi nếu cần một nhà máy có thể xây dựng trong một vài năm, cần chuyên gia có thể thuê ngay, nhưng có tư duy về công nghiệp đóng tàu và được đặt vị trí ở tầm quốc gia thì không phải dễ có. Đó cũng chính là lợi thế so sánh của SBIC. Phát huy lợi thế ấy, việc hợp tác, liên doanh giữa SBIC với các Tập đoàn đóng tàu nước ngoài để tranh thủ vốn, kỹ thuật trong thời gian tới cần được mở rộng, tàu Việt Nam mang thương hiệu SBIC và cũng có thể mang thêm thương hiệu đa sở hữu mà SBIC là một đối tác.

Tôi muốn nhấn mạnh vấn đề kỹ thuật, công nghệ đóng tàu hiện thay đổi rất nhanh. Liên doanh, liên kết, hợp tác để làm một sản phẩm là bước đi ngắn nhất để đạt trình độ cao.

Đó là chiến lược dài hạn, nhưng để triển khai theo hướng bền vững thì SBIC phải làm ngay những gì thưa Tổng giám đốc?

Tìm kiếm thị trường để làm giàu kho việc làm ở mọi đơn vị thành viên. Có việc làm sẽ giải quyết được an sinh. Khách hàng truyền thống của chúng ta không quan tâm nhiều tới việc thay đổi thương hiệu. Họ vẫn có thái độ trân trọng vì những sản phẩm truyền thống của công nghiệp tàu thủy.

Bốn mục tiêu mà SBIC cần phải làm ngay là: ổn định sản xuất ở Tổng công ty và các đơn vị thành viên; khai thác tối đa thị trường trong nước để có nhiều đơn hàng cũng như thuyết phục các cấp nhằm có các định chế tài chính hỗ trợ cho đóng tàu; tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng hợp tác và cuối cùng là thực hiện hiệu quả chương trình đóng tàu cá cho ngư dân.

Tôi muốn nhắc lại về hai từ thiết thực trong sự phát triển theo hướng bền vững, và cần một sự đồng bộ về cơ chế chính sách cho công nghiệp đóng tàu.

Nhân đầu xuân mới, qua tạp chí công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tổng giám đốc nói gì với bạn đọc?

Tôi xin gửi lời chúc đầu Xuân tới tất cả bạn đọc của tạp chí: Năm mới - An Khang - Thịnh vượng.

 

Xin cám ơn Tổng giám đốc.

 

Vũ Hùng - Đức Ngọc (thực hiện)
Go to top