Tàu chở Ethylene – Loại tàu mang hàm lượng khoa học cao trong công nghệ đóng mới

Chú trọng phát triển khoa học công nghệ cao để tạo bước đột phá, giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay... là mục tiêu mà Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) nói chung và các đơn vị thành viên của SBIC nói riêng đang hướng tới.

Tháng 8/2009, Công ty Đóng tàu Bạch Đằng (đơn vị thành viên của Tổng công ty) đã hạ thủy thành công con tàu chuyên dụng chở khí ethylene đầu tiên đóng tại Việt Nam dung tích 4.500m3 mang tên King Arthur cho Công ty Mediterranea Di Navigazione (Italy).
 

Tàu Ethylene là chủng loại tàu chở khí lần đầu tiên được thi công tại Việt Nam, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp và tính mỹ thuật đòi hỏi tiêu chuẩn cao. Tàu King Arthur có chiều dài 104m; rộng 16,4m; cao 8,4m; trọng tải tương ứng khoảng 4.900 tấn. Tàu được giám sát, phân cấp bởi đăng kiểm RINA của Italia.

Ông Paolo Cagnoni – Chủ tàu Italy khẳng định, tàu chở khí Ethylene 4.500m3 là con tàu mang nhiều đặc điểm kỹ thuật tiên tiến, hiện đại bậc nhất hiện nay. Đây là loại tàu chở khí hóa lỏng có tốc độ cao nhất trên thị trường  và là loại tàu boong đôi linh hoạt có trang bị máy tạo khí nitơ và được phân cấp đăng kiểm dài hạn, theo thiết kế của hãng MES (Italia).

Tàu có nhiều đặc điểm kỹ thuật công nghệ như: bồn chở hàng luôn ở nhiệt độ tới –1040C và áp suất tới 8bar. Tàu sử dụng 6 cấp thép khác nhau, mỗi cấp được chế tạo chính xác tại các vị trí riêng biệt. Việc thi công, lắp ráp và thử các thiết bị trên tàu đòi hỏi tính chính xác cao để đảm bảo cho tàu luôn hoạt động an toàn và hiệu quả.

Trước yêu cầu khắt khe như vậy, toàn bộ phần thiết kế công nghệ, Công ty Đóng tàu Bạch Đằng và Công ty Visec đã ứng dụng phần mềm Nupas-Cadmatic để thiết kế. Bạch Đằng đảm nhận thiết kế công nghệ khu vực buồng máy. Trong quá trình thiết kế, ngoài việc phải tuân thủ toàn bộ các yêu cầu của đăng kiểm và công ước, còn phải đáp ứng theo được tiêu chuẩn sinh hoạt của thuyền viên châu Âu.

Tàu Ethylene được thi công trong điều kiện đà 10.000T và đà bán ụ đều đang thi công loạt tàu 22.500 tấn. Để đảm bảo tiến độ, cán bộ kỹ sư Bạch Đằng đã có sáng kiến rất táo bạo là đóng mới tàu trên ụ nổi 4.200T, điều mà các nhà máy đóng tàu ở Việt Nam chưa từng làm. Trong quá trình thi công, Bạch Đằng gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, Bạch Đằng đã thành công.

Phần vỏ tàu được thi công đảm bảo tuyệt đối yêu cầu kỹ thuật dưới sự giám sát nghiêm ngặt của chủ tàu và cơ quan đăng kiểm. Trong quá trình thi công hệ thống làm hàng, khi hàn ống và lắp ráp, do ống làm hàng là thép trắng nên gia nhiệt ống sẽ bị co ngót, đội ngũ kỹ sư, công nhân các đơn vị đã nghiên cứu tìm ra công nghệ thi công không ảnh hưởng đến việc lắp đặt và bố trí theo bản vẽ thiết kế ban đầu.

Vì điều kiện Bạch Đằng không có cẩu chuyên dụng cho việc lắp đặt, luồng lạch không cho phép nên việc lắp đặt két hàng phải thực hiện vào ban đêm để chờ thủy triều. Những người thợ Bạch Đằng đã rất nỗ lực tìm ra giải pháp khả thi để thực hiện thành công việc lắp đặt các két hàng và đã tiết kiệm cho đơn vị hàng trăm triệu đồng nếu phải đi thuê cẩu từ nước ngoài. Chủ tàu đánh giá rất cao sự sáng tạo của đội ngũ kỹ sư Bạch Đằng.

Một khó khăn nữa cho đơn vị là những thiết bị trong hệ thống làm hàng như: toàn bộ bình bầu, bầu ngưng, két dầu... thời gian nhập về quá lâu nên khi lắp đặt lên tàu phải bảo dưỡng và thử lại toàn bộ thiết bị, đảm bảo yêu cầu của chủ tàu.

Việc thử áp lực cho hệ thống làm hàng phải thử rất nhiều lần do các cấp thử cho từng khu vực là khác nhau, việc thử phải tiến hành trên tàu, không thể thử trước trong xưởng. Chất thử là khí Nitơ nên phải chia ngắn các đường thử để đảm bảo an toàn.

Trong quá trình đóng mới seri tàu Ethylene, qua việc thi công từng chiếc, Công ty Đóng tàu Bạch Đằng đã rút kinh nghiệm, để đến chiếc số 2,3 tàu được thi công hoàn thiện hơn. Đơn vị tiến hành sửa đổi lại hệ thống ống trong buồng máy cho phù hợp và gọn gàng hơn, thỏa mãn yêu cầu khắt khe của chủ tàu trong việc bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống ống trong quá trình vận hành.

Phát triển KHCN, đáp ứng yêu cầu mới

Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy luôn xác định việc phát triển khoa học công nghệ (KHCN) đáp ứng yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế biển đã và đang là một nhiệm vụ trọng tâm cần phải được chú trọng hơn bao giờ hết. Do đó, Tổng công ty cũng có các Nghị quyết về công tác phát triển KHCN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ củng cố, ổn định và phát triển Tổng công ty giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.

Tại các đơn vị thành viên trong Tổng Công ty đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ áp dụng đến từng phân xưởng sản xuất. Lãnh đạo Tổng công ty xác định rõ nhiệm vụ của công tác phát triển KHCN trong giai đoạn phát triển mới là đầu tư phát triển KHCN phải được tiến hành đồng bộ trên cả lĩnh vực kỹ thuật, lĩnh vực quản lý; Tăng cường liên kết với các đơn vị, cơ sở nghiên cứu KHCN để có sự phối hợp hiệu quả; Quan tâm phát triển các dịch vụ KHCN, tạo lập thị trường hoạt động và chuyển giao cho các đơn vị bạn.

Tổng giám đốc Công ty Đóng tàu Bạch Đằng - Trương Hoàng Cao khẳng định: Việc áp dụng những sáng kiến sáng tạo, cải tiến kỹ thuật luôn được Bạch Đằng chú trọng. Hàng năm, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân đã có hàng trăm sáng kiến, áp dụng trên các sản phẩm, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Nhiều cán bộ, kỹ sư được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Nhiều đồng chí được cử đi học tập tại các nước có trình độ đóng tàu tiên tiến như Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc... Đội ngũ cán bộ kỹ sư đã tích cực nghiên cứu công nghệ tiên tiến trên thế giới, áp dụng vào các sản phẩm đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các sản phẩm cho các chủ tàu trong và ngoài nước trong những năm qua./.

 

Tô Ngọc

 

Go to top