Chuyện về con tàu cổ ở Quảng Ngãi

Dưới đáy biển Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vừa trục vớt chiếc tàu cổ 700 năm tuổi vẫn còn gần như nguyên vẹn. Bảo tàng tỉnh đã thu thập được hàng ngàn cổ vật.

Theo các chuyên gia thì vùng biển phía Nam nước ta còn ẩn chứa rất nhiều câu chuyện lạ về tàu cổ, bởi từ xưa, các thương thuyền đã qua lại vùng này, trong số đó có nhiều con tàu xấu số đang nằm dưới đáy biển.

 

Dù bị chìm dưới biển Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) gần 700 năm nhưng con tàu chứa  cổ vật vẫn còn nguyên vẹn bánh lái, mạn, đáy tàu... khiến các chuyên gia, nhà khoa học "rất ngỡ ngàng".

Sau gần 1 tháng làm đê vây, hút thổi cát, các chuyên gia đã khai quật cổ vật dưới đáy biển theo phương pháp như trên bờ, thu về gần 270 thùng (với hàng nghìn cổ vật quý). Đồng thời, lộ diện trên nền cát đáy biển là con tàu gỗ gần như còn nguyên vẹn sau khoảng 700 năm đắm ở vùng biển Bình Châu.

Con tàu dài gần 25m, đáy tàu rộng 5m nhưng bề ngang bên trên rộng ước khoảng 9m bị chìm theo phương thẳng đứng. Cổ vật xếp ngăn nắp trong 12 khoang tàu còn khá vững chãi. Kết quả khai quật bước đầu trong lòng con tàu cho thấy có nhiều tiêu bản đĩa gốm chạm khắc hoa văn hình rồng có giá trị lớn. Ngoài ra có một số vật dụng của thủy thủ đoàn như tiền đồng, quả cân... 

Con tàu gỗ chìm dưới đáy biển Bình Châu đã gần 700 năm nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn.

Chiếc tàu cổ chứa cổ vật ở vùng biển xóm Châu Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn được ngư dân phát hiện làm cho nhiều người ngơ ngác, không hiểu sao dọc vùng biển xã Bình Châu lại có quá nhiều tàu cổ bị chôn vùi đến vậy.

Tàu chứa cổ vật được tìm thấy ở Bình Châu giúp chúng ta bổ sung tư liệu quý về tàu cổ cho Việt Nam và cho cả thế giới. Nên tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu để có thể giải mã một cách rõ ràng về “nghĩa địa” tàu cổ ở Bình Châu.

Nhiều người dân địa phương xã Bình Châu cho biết, chính các ngư dân Bình Châu đã bắt đầu săn lùng tìm kiếm cổ vật dưới biển bằng nhiều cách thức như lặn xuống đáy biển mò tìm hoặc dùng lưới cào thả xuống đáy biển rồi dùng tàu kéo tìm cổ vật. Họ cũng đã thu được vô số cổ vật còn nguyên vẹn và mỗi món thường có niên đại khác nhau. 

Là một chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, rất “để tâm” đến câu chuyện “nghĩa địa” tàu cổ Bình Châu. Theo lý giải của TS Khôi, vùng biển Bình Châu có thể nằm trên trục “con đường tơ lụa” trên biển nên các tàu buôn khi hải hành đến đây thường ghé lại để lấy nước ngọt và tiếp tục hành trình.

Thêm nữa, các tàu buồm khi qua khu vực này nếu gặp bão, gió to sóng lớn thì khó có thể đi qua được mũi Ba Tân Gân của Bình Châu, nên buộc phải cho tàu neo trú lại. Ông Khôi suy đoán, các tàu buôn khi neo đậu ở đây có thể đã gặp nhiều biến cố dẫn đến chìm tàu như bị hỏa hoạn hoặc bão lớn, cướp biển…
Một số chuyên gia khảo cổ học khác nhận định, vùng biển này có thể là nơi tập kết giao thương hàng hóa sầm uất thời xa xưa. Lúc đó các thương lái miền xuôi thường chở đến đây vải vóc tơ lụa, đồ gốm sứ… rồi sau đó bán buôn, trao đổi để lấy những món hàng khác từ vùng núi chuyển xuống.

Có một điểm chung đối với những con tàu cổ bị đắm được phát hiện và tìm thấy ở vùng biển Bình Châu là đều bị cháy, mà cho đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Nhiều món cổ vật cháy kết dính lại với nhau.

Về nơi được coi là “nghĩa địa” tàu cổ đắm, TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi nhìn nhận, nhiều khả năng vẫn còn nhiều chiếc tàu tương tự bị đắm ở vùng biển Bình Châu. “Chúng tôi cũng đang khẩn trương phối hợp tổ chức khảo sát thăm dò dọc vùng biển này để tìm xác tàu đắm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi”.

 

NT (tổng hợp)

 

Go to top