Tàu thủy lắp động cơ của Việt Nam có từ khi nào

Lịch sử tàu thủy lắp động cơ hơi nước hoàn chỉnh của thế giới là năm 1860. Nhưng ở Việt Nam, trên bia của tháp Sùng Thiên có ghi rằng: Đời nhà Lý, vua thường tổ chức hội bơi thuyền trước điện Linh Quang trên bến Đông Thành của sông Nhĩ Hà. Năm ấy có một cái máy chạy được dưới sông, được gọi là máy Kim Ngao. Kim Ngao giống một con rùa, chân cử động bơi trên mặt nước.

Việc này không rõ thực hư thế nào. Nhưng nếu Kim Ngao là có thật, thì chứng tỏ thợ đóng thuyền thời Lý của Việt Nam đã làm ra một hệ thống kết cấu cơ học để vận hành phương tiện trên mặt nước.

                             Tàu thủy lắp động cơ hơi nước thời Pháp thuộc
Tiếp đó, một người có tên là Vũ Duy Tân (sinh năm 1807 ở Yên Khánh – Ninh Bình) năm 1851 đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ và được gọi là Trạng Bồng. Tháng 9 năm 1858, quân Pháp vào Đà Nẵng, ông đã dâng sớ quyết đánh và tự nghiên cứu để chế tạo thủy xa mộc thành, ông nói rằng: “Tôi đã nghiên cứu con cá, nó nổi lên rồi lặn xuống là vì có cái bong bóng trong bụng. Vậy ta có thể đóng tàu vừa có thể nổi, vừa có thể chìm giống cái bong bóng cá. Sau mộ thời gian tập trung chế tạo, chiếc Thủy xa mộc thành được chạy thử. Một hồi trống nổi lên, thủy sư đứng trên chòi phất cờ rồi chạy xuống đóng cửa lại, sóng cuộn lên mặt nước, chiếc tàu từ từ lặn xuống, một lát sau lại nổi lên trước sự thán phục của quan khách.
                          Minh họa cho một động co hơi nước có guồng bánh xe

Tháng 5 năm 1859, Trạng Bồng mất ở tuổi 52 và kế hoạch Thủy xa mộc thành cũng khép lại. Theo sử sách để lại thì Trạng Bồng nghiên cứu chế tạo tàu bằng kinh phí trích từ lương của mình. Chiếc thủy xa mộc thành đầu tiên ấy vỏ bằng gỗ, lắp động cơ hơi nước và còn có tên gọi khác là mộc thành thủy chiến.

Trạng Bồng dự định sau thí nghiệm thành công sẽ đệ trình lên vua để chế tạo hàng loạt trang bị cho hải quân. Đó là chuyện chế tạo tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam.

Còn việc chế tạo tàu nổi, sau máy kim ngao thời Lý, thì tới thời Minh Mạng, năm 1838 đã chính thức được nhà Nguyễn đề ra. Trong sách Đại Nam Hội Điển ghi lại rất chi tiết lời phê của vua để đóng tàu hơi nước:

Thuyền nên nổi, máy nên đặt cao, bánh xe (guồng) nên to. Khi chở nặng liền trầm xuống. Nhưng bánh xe to thì guồng nước sâu nên không nên to quá mà cản sức nhanh. Máy đặt cách đáy không nên cao quá, không vững...

Quy định kích thước tàu: thân rộng 7 thước 7 tấc (3,08m) dài 4 trượng (16m).

Năm 1939 vua Minh Mạng ra sông Hương xem tàu chạy thử nhưng không thành công, nồi hơi bị vỡ, vua lệnh bắt giam đốc công còn Bộ công Nguyễn Trung Mậu và Ngô Kim Lân bị khiển trách với tội tấu càn.

Một thời gian sau, tàu được sửa chữa và chạy thử thành công, vua đã ban dụ:

Nay đã hết lòng, hết sức làm thành công cho nên khen thưởng không tiếc. Vả lại, tàu mua của phương Tây cũng được. Nhưng muốn thợ thuyền nước ta học biết máy móc khôn khéo, cho nên không kể nhọc tốn mà thôi.

Sau đó, năm 1840 vua Minh Mạng sai Vũ Khố, Đoàn Kim, Lê Văn Quý, Lê Văn Xuyến chiếu theo kiểu tàu hơi nước họng to mà làm. Đó là tàu có chiều dài 5 trượng 4 thước, ngang 9 thước, sâu 4 thước 3 tấc, 6 phân. Nồi hơi có kích thước dài 6 thước 5 tấc, ngang 5 thước, cao 4 thước 1 tấc.

Thân tàu bằng gỗ, ống khói bằng đồng, guồng nước hai bên bằng sắt.

 Ba chiếc tàu hơi nước được hoàn thành có tên là Yến Phi, Vân Phi và Vụ Phi. Tên tàu khắc chữ thếp vàng đặt ở sau lái.

Phần thưởng của vua cho những người phụ trách đóng tàu hơi nước là gì? Trong sách lịch sử ghi như sau: Các đốc công mỗi người một nhẫn pha lê bịt vàng và một đồng Phi Long đại kim tiền, tăng thêm hai cấp hàm. Thưởng cho lính thợ 1000 quan tiền.

Như vậy là nửa cuối thế kỷ XIX, người Việt đã biết đóng tàu lắp động cơ hơi nước. Các sản phẩm này do người thợ thủ công làm chứ không có người ngoại quốc cố vấn gì hết.

Trong số thợ giỏi được điều về Huế để đóng tàu hơi nước có 30 thợ đúc, 60 thợ rèn quê ở Bắc Ninh, còn lại là thợ từ nhiều vùng thuộc miền Trung.

 

Trọng Nghĩa

Go to top