XÂY DỰNG SBIC VỮNG MẠNH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

LTS: Nhân dịp xuân mới, Tạp chí Công nghiệp tàu thủy đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sự, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC).

Tạp chí xin giới thiệu cùng bạn đọc bài phỏng vấn này với đầu đề Ban biên tập.

 

Vừa qua, Vinashin đã phát hành thành công 600 triệu USD trái phiếu quốc tế, thủ tục pháp lý được quốc tế thừa nhận để tái cấu trúc nợ là việc làm chưa có tiền lệ đối với một công ty tại Việt Nam, làm thế nào để có được sự thành công đó, thưa ông?

Khoản vay 600 triệu USD của Vinashin vay từ 21 tổ chức tín dụng và nhà đầu tư quốc tế là một khoản vay rất đặc thù vì khoản vay này không có bảo lãnh của Chính phủ hoặc ngân hàng mà nó được đảm bảo bằng 21 công ty, nhà máy lớn, chủ lực của Tập đoàn (nay là Tổng Công ty - PV), đồng thời các chủ nợ có quyền mua bán trên thị trường và có quyền tuyên bố tới hạn đòi 100% nợ ngay lập tức nếu Vinashin mắc những vi phạm theo qui định của thỏa thuận tại bất cứ thời điểm nào. Mọi sự phán quyết đối với khoản vay phải được sự đồng thuận của tất cả các chủ nợ. Việc tái cơ cấu khoản vay này là việc làm hết sức khó khăn, chúng tôi xác định tái cơ cấu khoản vay này mang tính then chốt để tái cơ cấu các khoản vay khác của Vinashin, vì vậy, Lãnh đạo Tổng Công ty đã tập trung chỉ đạo rất cao và quyết liệt để xử lý khoản vay này.

Qua nghiên cứu các quy định của hệ thống Luật của Anh quốc, cộng với sự tư vấn của các tư vấn Luật (Mayer Brown) tư vấn tài chính (KPMG) chúng tôi nhận thấy rằng để tái cơ cấu khoản vay này có thể xử lý theo qui định của Luật Anh trong đó có qui định một trong các giải pháp tái cơ cấu nợ bằng một Thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng nghĩa là áp dụng theo “UK Scheme”. Để Tòa án phán quyết, Vinashin phải đưa ra phương án tái cơ cấu và phải thuyết phục được tối thiểu 50% số chủ nợ đang nắm giữ tối thiểu 75% tổng số nợ chấp thuận thì sẽ được Tòa án phán quyết theo “UK Scheme” buộc các chủ nợ còn lại phải chấp hành theo số đông nói trên. Để làm được việc này thì một khối lượng khổng lồ các thủ tục pháp lý, hồ sơ pháp lý phải được hoàn thành theo đúng qui định trong thời gian ngắn. Đây là việc làm chưa có tiền lệ đối với một công ty tại Việt Nam.

Để làm được những việc này, Vinashin phải xây dựng được một phương án tái cơ cấu khả thi, đồng thời phải tổng hợp tình hình hoạt động về mọi mặt của Tổng công ty và các đơn vị, để lập một báo cáo về những khó khăn. Kết quả là tại Hội nghị chủ nợ tại Singapore ngày 5/8/2013 dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐTV VNS, theo ủy nhiệm của Tòa án tối cao Vương quốc Anh các chủ nợ đã bỏ phiếu với tỷ lệ đồng thuận cao hơn yêu cầu với phương án mà Vinashin đề xuất (64,7059% số chủ nợ nắm giữ 79,3460% tổng số nợ), và ngày 4/9/2013 Tòa án tối cao Vương quốc Anh đã phán quyết phê chuẩn Thỏa thuận tái cấu trúc trong tố tụng do Vinashin đệ trình.

Qua thương vụ tái cơ cấu và đặc biệt là với các chủ nợ quốc tế họ nắm rất vững “luật chơi” mà Vinashin ở thế cực kỳ khó khăn, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm gì với các doanh nghiệp trong nước?

Các chủ nợ nước ngoài họ rất am hiểu luật pháp, không chỉ Luật quốc tế mà kể cả Luật Việt Nam, họ có nhiều kinh nghiệm trên thị trường và trong các vụ việc tương tự; và đúng là họ nắm rất vững “luật chơi”. Trong khi chúng ta còn rất hạn chế và thiếu am hiểu và kinh nghiệm về các việc tương tự. Qua việc tái cơ cấu khoản vay này đã cho thấy nhiều kinh nghiệm mà các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường quốc tế cần phải quan tâm, có thể đưa ra một vài kinh nghiệm như sau:

- Phải nghiên cứu, nắm chắc các quy định của Luật pháp Việt Nam và Luật quốc tế mà cụ thể trong trường hợp này là Luật của Anh quốc. Tuân thủ nghiêm túc các qui định của Luật pháp.

- Nghiên cứu kỹ, nắm chắc tình trạng của Vinashin, đặc biệt là các khó khăn về SXKD và tài chính lập một báo cáo trung thực về thực trạng hoạt động của mình, đưa ra các phương án tái cơ cấu và đề xuất phương án tối ưu cho các bên.

- Tìm hiểu nắm chắc tình hình và tâm lý của các chủ nợ vì bản thân họ cũng bị nhiều sức ép từ nhiều phía từ việc cho vay không có bảo lãnh, sức ép thu hồi nợ, lo lắng nếu Vinashin phá sản không thu được nợ ảnh hưởng đến uy tín của họ trên thị trường, và quan trọng nữa là hầu hết các chủ nợ đã có trích dự phòng rủi ro và mua bảo hiểm…

- Kiên trì đàm phán, kiên định phương án đề xuất, phương châm đàm phán vừa cứng rắn, kiên quyết nhưng mềm dẻo, uyển chuyển trong các trường hợp cụ thể, vận động, thuyết phục, tranh thủ sự thiện chí của các chủ nợ tích cực đồng thuận để các chủ nợ này giúp vận động các chủ nợ khác chấp thuận.

- Tuyệt đối giữ bí mật các thông tin trong quá trình đàm phán, tranh thủ các phương tiện thông tin trong các trường hợp cần thiết.

- Tuân thủ sự chỉ đạo của cấp trên, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan, của tư vấn và của các đối tác khác.

Việc tái cơ cấu là việc làm quan trọng, xong để ổn định phát triển, tạo lòng tin cho bạn hàng, công ăn việc làm cho người lao động (Vinashin – nay là SBIC) đã có kế hoạch gì, thưa ông?

Việc tái cơ cấu nợ là vấn đề quan trọng nhất trong quá trình tái cơ cấu Vinashin, nó phải được ưu tiên làm trước để tạo sự ổn định và rõ ràng về tài chính. Đến nay, về cơ bản số nợ của Vinashin đã được tái cơ cấu số nợ cũng đã giảm đi đáng kể, còn lại được giãn nợ 10 đến 12 năm với lãi suất bằng 0 hoặc lãi suất rất thấp (1%), đặc biệt là lãi phát sinh gần như không đáng kể, vấn đề hiện nay là làm thế nào để tạo dựng lại lòng tin với khách hàng, tìm kiếm việc làm cho người lao động. Để làm được những việc khó khăn đó chúng tôi cần phải triển khai một số công việc sau:

Nhanh chóng ổn định, tổ chức lại sản xuất và quản trị doanh nghiệp, chuyển Tập đoàn thành Tổng công ty, hoạt động dưới một tên và thương hiệu mới.

Tập trung mọi nguồn lực cho ngành nghề SXKD chính là đóng mới và sửa chữa tàu biển, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật cho việc triển khai đóng tàu đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Triển khai nhanh việc tái cơ cấu lao động, lựa chọn và giữ lại đội ngũ lao động có tay nghề cao, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ và tay nghề công nhân đáp ứng yêu cầu đóng tàu theo công nghệ hiện đại.

Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các đơn vị không giữ lại, duy trì, củng cố và phát triển 8 nhà máy đóng tàu chủ lực được giữ lại trong mô hình Tổng công ty, thực hiện cổ phần hóa các đơn vị này trên cơ sở tìm kiếm đối tác chiến lược đặc biệt là đối tác chiến lược nước ngoài, hợp tác dầu tư và SXKD theo nhiều hình thức thích hợp.

Phát huy tốt vai trò, chức năng của các tổ chức chính trị xã hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, động viên tinh thần và tư tưởng của CBCNV lao động hăng say làm việc vì một Tổng công ty đóng tàu giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế hàng hải và chiến lược biển.

Những bước đi vừa rồi của Vinashin mới chỉ là bước khởi đầu, để cho con tàu SBIC tiếp tục tiến ra biển lớn khẳng định vị thế của mình trong tương lai, SBIC đã chuẩn bị những gì, thưa ông?

Đúng là những kết quả đạt được vừa qua chỉ là bước đầu. Tuy nhiên, nó có vai trò rất quan trọng và là khởi đầu cho một chặng đường mới đầy hứa hẹn. Bây giờ, tình hình tài chính công nợ của Tổng công ty đã cơ bản được giải quyết, rõ ràng minh bạch hơn, ngành nghề chính chỉ tập trung vào đóng mới và sửa chữa tàu biển. Thời gian tới đây, Tổng công ty sẽ phải chuẩn bị tốt hành trang chuẩn bị để cho một giai đoạn phát triển mới, cụ thể:

-             Nhanh chóng ổn định Tổng công ty mới trên mọi lĩnh vực tổ chức, lao động, cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới cơ chế hoạt động, quản trị doanh nghiệp, tài chính, chính sách tiếp thị, thị trường, xác định đúng chiến lược sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các đối tác trong và ngoài nước…

-             Rà soát điều chỉnh, hoàn thiện các qui trình, qui chế nội bộ tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động của Tổng công ty.

-             Lựa chọn, sắp xếp, đào tạo lại cán bộ, người lao động cho hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong tổ chức điều hành SXKD

-             Có chính sách tiếp thị rõ ràng, khuyến khích toàn thể CBCNV tìm kiếm các sản phẩm mới. Chú trọng thị trường trong nước đối với tất cả các lĩnh vực cần và có sử dụng các loại tàu, thuyền, kết cấu kim loại. Mở rộng hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài để có thêm nhiều sản phẩm, Mời các đối tác nước ngoài có tiềm lực về đóng tàu vào hợp tác, chuyển nhượng bớt cổ phần, tạo ra các trung tâm đóng tàu làm hạt nhân tạo công ăn việc làm cho các nhà máy trong khu vực lân cận.

Phương châm hành động của Tổng công ty là: Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, năng động, sáng tạo xây dựng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy phát triển mạnh, bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

 

Tạp chí Công nghiệp tàu thủy Việt Nam

Go to top