Tản mạn về hai nhà doanh nghiệp đường thủy làm báo đầu thế kỷ XX

Đầu thế kỷ XX, Bắc Kỳ có hai công ty vận tải và đóng tàu của người Việt rất nổi tiếng trên thương trường. Đó là Hãng tàu Nguyễn Hữu ThuGiang hải luân thuyền Bạch Thái công ty của Bạch Thái Bưởi.

Ông Nguyễn Hữu Thu, nguyên là chủ một hãng xe kéo ở Hải Phòng trước năm 1914. Do làm ăn phát đạt, ông đã quyết định chuyển sang lĩnh vực vận tải thủy. Chỉ vài năm, cơ nghiệp của ông đã có hàng chục chiếc tàu và sà lan, chiếm thị phần lớn các tuyến vận tải thủy Hải Phòng – Hồng Kong, Hải Phòng – Nam Định – Bến Thủy.
                                              Cảng Hải Phòng thời Pháp thuộc

Trong đội tàu vận tải của công ty, có hai chiếc Bảo Thạch và Đồng Lợi, trọng tải 615 tấn; còn loại 250 tấn, 140 tấn thì có gần chục chiếc. Để khai thác các tuyến sông, công ty Nguyễn Hữu Thu dùng tàu kéo sà lan thay cho tàu tự hành. Đó là một tiến bộ về mặt khoa học đầu thế kỷ XX (cuối thế kỷ người ta dùng hình thức đẩy thay kéo).

Tháng 6 năm 1920, Nguyễn Hữu Thu xin giấy phép của Toàn quyền Đông Dương xuất bản tờ Thực nghiệp dân báo, số đầu tiên ra mắt vào ngày 12 tháng 7 năm 1920. Đây là tờ nhật báo thông tin kinh tế, thương mại, kỹ nghệ và nông nghiệp. Tờ báo do Mai Du Lâm làm giám đốc chính trị và được coi là tiếng nói của giới tư sản, điền chủ ở Bắc Kỳ.

Thực nghiệp dân báo đình bản vào tháng 6 năm 1935.
                                                  Chân dung Bạch Thái Bưởi

Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty, lúc đầu vào năm 1909 chỉ có 3 chiếc tàu Phi Phụng, Phi Long và Bái Tử Long mua lại từ chủ tàu người Pháp. Đến năm 1915, ông mua cả xưởng đóng tàu của A.R.Marty và kinh doanh theo hình thức khép kín: vận tải – sửa chữa - đóng mới năm 1916 ông chuyển trụ sở từ Nam Định về Hải Phòng. Năm 1919, vào ngày 7 tháng 9, ông hạ thủy chiếc tàu đóng mới có tên là Bình Chuẩn ở Cửa Cấm, có trọng tải 600 tấn, và có câu chuyện được ghi trong cuốn Khải Định chính yếu như sau:

Vào tháng 11 năm Canh Thân (1920) vua Khải Định than phiền với các Bộ rằng, kỹ nghệ của ta lạc hậu, kém cỏi nên việc gì cũng chỉ làm theo sau các nước. Bây giờ nghe tin Bạch Thái Bưởi, đóng được tàu vua mừng lắm nên phê rằng:

“Việc Bạch Thái Bưởi ở Bắc Kỳ mới chế tạo được chiếc tàu thủy gọi là Bình Chuẩn rất khéo, tốt không thua kém gì công nghệ bên châu Âu. Chiếc tàu này là do tay thợ nổi tiếng Nguyễn Văn Phúc làm ra, cả chủ và thợ đều là người Nam cả.

Ngày 23 tháng 7 vừa qua (năm 1920 - PV), khi trẫm tới Đà Nẵng thì cũng vừa gặp lúc tàu này cập bến vào cảng, nên có may mắn được ngắm xem, quả nhiên tàu ấy là do chủ ta, thợ ta đồng lòng hợp sức mà chế tạo ra. Nước ta vốn dĩ của ít thợ vụng, nếu không có Bưởi dám bỏ tiền ra thì đâu có việc cho Phúc thi thố, mà không có tài khéo của Phúc thì tiền của Bưởi cũng thành uổng phí mà thôi.

Hai người này đã nêu cao tấm gương về sự tiến bộ, văn minh cho người nước ta mai sau soi vào. Vậy truyền chuẩn thưởng, trao cho Bạch Thái Bưởi hàm Hàn Lâm viện Thị đọc (Chánh ngũ phẩm); Nguyễn Văn Phúc hàm Hàn lâm viện kiểm thảo (Nhất phẩm) để hai người được đội ơn mà càng thêm khích lệ phấn đấu hơn nữa”.

Thời gian ấy, giới buôn bán thợ thuyền như Bưởi và Phúc mà được phong Hàn Lâm viện là điều rất lạ. Mà lại được trao hàm cấp thuốc hạng quan văn thì quả là đặc biệt.

Nhà doanh nghiệp Bạch Thái Bưởi ra tờ Khai hóa và đầu tư ngành in ấn xuất bản lấy tên là Đông kinh ấn quán. Tôn chỉ xuất bản của ông: Một là, giúp đồng bào ta tự khai hóa, mở mang con đường thực nghiệp. Hai là, giãi bày cùng chính phủ bảo hộ (nước Pháp) những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là, diễn giải những ý kiến, những lợi ích cũng như tác hại của các công việc chính phủ bảo hộ đang làm.
 
                                 Cảng Tam Bạc, Hải Phòng thời Pháp thuộc

Tờ Khai hóa ra số đầu ngày 15 tháng 7 năm 1921, tòa soạn và trị sự đặt ở số 82 phố Hàng Gai, Hà Nội, phát hành được 1.751 số thì đình bản vào ngày 31 tháng 8 năm 1927.

Qua tờ Khai hóa, người đọc biết được kế hoạch của hãng tàu Bạch Thái Bưởi: Lấy Sài Gòn làm trụ sở để chở gạo đi Philippin, dỡ gạo xong chở hàng tạp hóa Hoa Kỳ đi Hương Cảng, Thượng Hải. Xếp hàng ở Hương Cảng, Thượng Hải quay về Hải Phòng rồi từ Hải Phòng lại đi Sài Gòn...Tàu của Bạch Thái Bưởi đã chạy tới Nhật Bản, ấn Độ, Philippin, Singapore, Trung Quốc...

Bạch Thái Bưởi được gọi là ông vua đường thủy. Ngày nay tên ông được đặt cho một giải thưởng của doanh nhân.

Đầu thế kỷ XX, ở miền Nam cũng có những hãng vận tải nổi tiếng như Vĩnh Long thương nghệ của Nguyễn Phú Toan trụ sở ở Mỹ Tho, chuyên tuyến Sài Gòn – Phnom pênh; Vĩnh Hiệp Công ty do Nguyễn Văn Dương (Cà Mau), Huỳnh Bá Phước (Rạch Giá) với trọng tải tổng cộng hơn nửa triệu tấn. Nhưng các công ty này không ra báo.

Hai tờ báo của các ông Nguyễn Hữu Thu và Bạch Thái Bưởi trong lịch sử báo chí Việt Nam là những trường hợp đặc biệt của các nhà doanh nghiệp đường thủy Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Báo của các ông xuất bản bằng kinh phí của công ty và đã tập hợp được những cây bút có tên tuổi.

 

Trọng Nghĩa

Go to top